Ai cũng biết hút thuốc lá có hại cho sức khỏe. Song, Việt Nam vẫn là 1 trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới với trên 15,3 triệu người và tỷ lệ hút ngày càng trẻ hóa. Có khoảng 40.000 người chết mỗi năm do các nguyên nhân liên quan đến thuốc lá.
Ai cũng biết hút thuốc lá có hại cho sức khỏe. Song, Việt Nam vẫn là 1 trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới với trên 15,3 triệu người và tỷ lệ hút ngày càng trẻ hóa. Có khoảng 40.000 người chết mỗi năm do các nguyên nhân liên quan đến thuốc lá.
Mỗi năm, một người hút thuốc chi gần 5 triệu đồng cho việc hút thuốc lá. |
Đó là con số được bác sĩ, chuyên khoa 2 Phạm Minh Thanh- Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long thông tin tại buổi tập huấn phòng, chống tác hại thuốc lá trong 2 ngày 11-12/12/2019.
Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 45,3%, có nghĩa là cứ 2 nam giới trưởng thành ở Việt Nam thì có 1 người hút thuốc lá. Tỷ lệ này ở nữ giới là 1,1%.
53,5% người không hút thuốc lá (tương đương 28,5 triệu người) bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại gia đình. 18,5% người không hút thuốc lá (tương đương 1,4 triệu người) bị phơi nhiễm với khói thuốc lá trên phương tiện giao thông công cộng… Ước tính chi phí y tế và các thiệt hại do mất năng suất lao động do ốm đau và tử vong sớm lên tới trên 23.000 tỷ đồng mỗi năm.
Tại Việt Nam, 2 hình thức hút thuốc lá phổ biến nhất là: thuốc lá điếu và thuốc lào, bên cạnh đó là việc hút thuốc lá được cuộn bằng tay (hình thức này người sử dụng dùng lá thuốc cuốn lại từng cuộn, xắt mỏng ra để hút hoặc cuốn lại từng điếu nhỏ để sử dụng).
Mỗi năm có đến 12,5 triệu người hút thuốc lá điếu được sản xuất tại các nhà máy; 4,1 triệu người hút thuốc lào và 772.000 người hút thuốc lá tự cuộn bằng tay. Hầu hết người bắt đầu hút thuốc từ trước 19 tuổi, đa phần họ hút điếu thuốc đầu tiên trong ngày từ 6- 30 phút sau khi thức dậy buổi sáng và hút khoảng 13,5 điếu/ngày.
Trong thuốc lá chứa cả “tổ hợp” chất hóa học, với hơn 7.000 hóa chất, trong đó có tới 69 loại hóa chất gây ung thư do các chất có trong khói thuốc như: chất tẩy trong sơn móng tay; chất tẩy sàn nhà, vệ sinh; thuốc trừ sâu; hóa chất dùng trong thuốc diệt chuột; hóa chất ướp xác... Những chất này khi đi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết gây ra những bệnh tim mạch, giảm trí nhớ và các bệnh ung thư.
Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc lá. Dự báo đến năm 2020, sẽ lên tới trên 1,6 tỷ người. Sử dụng các sản phẩm thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu trong số 10 yếu tố nguy cơ đe dọa sức khỏe người dân ở các nước đang phát triển. Sử dụng thuốc lá gây ra 25 loại bệnh khác nhau, như ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư bàng quang, các bệnh tim mạch, gây bất lực ở nam giới,… Trên thế giới, có khoảng 6 triệu người chết do hút thuốc lá hàng năm và 600.000 người chết do phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động. |
Bài, ảnh: MAI ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin