Mong 4 xã sớm lên phường

04:12, 18/12/2019

Việc đưa 4 xã còn lại của TP Vĩnh Long gồm Trường An, Tân Ngãi, Tân Hòa và Tân Hội lên phường sau thời gian tạm dừng lại, thì giờ đây, đề án đưa các xã lên phường đã được Bộ Nội vụ thông qua.

 

Việc đưa 4 xã còn lại của TP Vĩnh Long gồm Trường An, Tân Ngãi, Tân Hòa và Tân Hội lên phường sau thời gian tạm dừng lại, thì giờ đây, đề án đưa các xã lên phường đã được Bộ Nội vụ thông qua.

Sau khi thành lập phường, một số hoạt động kinh tế- xã hội sẽ chuyển ra vùng ven, giúp giảm áp lực cho trung tâm thành phố.
Sau khi thành lập phường, một số hoạt động kinh tế- xã hội sẽ chuyển ra vùng ven, giúp giảm áp lực cho trung tâm thành phố.

Yêu cầu đổi mới

Tháng 3/2010, Tỉnh ủy Vĩnh Long có chủ trương thành lập phường đối với 4 xã còn lại của thành phố. Tháng 10/2012, Bộ Nội vụ có công văn cho chủ trương thành lập đề án 4 phường trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng 4 xã. Cuối năm 2013, UBND tỉnh đã có đề án trình Chính phủ.

Đầu năm 2015, Chính phủ có đề án, tờ trình và dự thảo nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thông qua. Tuy nhiên, trong khi chờ thông qua, cùng năm đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có công văn tạm dừng việc xem xét quyết định “về việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính dưới cấp tỉnh”.

Sau đó, Chính phủ có công văn gửi Bộ Nội vụ thực hiện theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bộ Nội vụ gửi các tỉnh- thành để thực hiện theo những quy định mới. Do đó, việc thực hiện đề án 4 xã lên phường phải tạm dừng.

Việc chậm lên phường khiến các xã cũng “thiệt thòi” do không thực hiện được chỉ tiêu nghị quyết, không được đầu tư chương trình xây dựng nông thôn mới, không được ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng và nâng cao chất lượng tổ chức bộ máy…

Theo UBND TP Vĩnh Long, quá trình phát triển đã làm thay đổi bộ mặt của các xã. Hệ thống các công trình hạ tầng như giao thông, điện, cấp thoát nước đã được đầu tư ngày càng đồng bộ.

Các yếu tố đặc trưng của đô thị (ĐT) về cơ bản đã đạt tiêu chuẩn của ĐT loại III. Từ những xã nghèo, người dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp thì hiện đã chuyển đổi theo hướng thương mại- dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp. Đến nay, tỷ lệ nông nghiệp chiếm không đáng kể, cơ cấu lao động, phân bố dân cư thay đổi; đời sống vật chất, văn hóa tinh thần ngày càng nâng cao.

Quá trình phát triển và ĐT hóa cũng đã tác động lớn đến đời sống cũng như quan hệ sản xuất, sinh hoạt văn hóa, giao dịch hành chính,... Từ đó, hàng loạt vấn đề bất cập mới nảy sinh như: tình trạng gia tăng lao động cơ học, chuyển dịch cơ cấu, thành phần dân cư; quản lý kiến trúc cảnh quan và môi trường ĐT; phòng chống tệ nạn xã hội.

Do vậy, đặt ra yêu cầu mới bởi mô hình chính quyền nông thôn không còn phù hợp. Việc thành lập 4 phường thuộc thành phố trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của các xã là tiền đề pháp lý cho tổ chức quản lý theo mô hình chính quyền ĐT, tạo điều kiện để các xã tiếp tục phát triển kinh tế- xã hội.

Mong sớm thành lập phường

Theo ông Võ Trí Thống- Trưởng Phòng Nội vụ thành phố, hiện các xã đều đạt 4/4 tiêu chuẩn thành lập phường gồm: quy mô dân số; quy mô diện tích tự nhiên; cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế- xã hội; hệ thống cơ sở hạ tầng.

Ông Đoàn Thanh Bình- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng- cho biết năm 2019, Sở Xây dựng phối hợp với Sở Nội vụ và UBND thành phố đánh giá các tiêu chuẩn về phát triển cơ sở hạ tầng đối với 4 xã của thành phố. Đến tháng 10 vừa qua, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 199 về thành lập phường đối với các xã này.

Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ Nội vụ, ngày 9/12/2019, Bộ Nội vụ tổ chức Hội đồng thẩm định Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019- 2021; thành lập các phường thuộc TP Vĩnh Long và thành lập thị trấn Tân Quới thuộc huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long.

Về thành lập 4 phường thuộc TP Vĩnh Long, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Long Trần Văn Hên nhấn mạnh, đây là tiền đề pháp lý cho việc thiết lập bộ máy tổ chức quản lý theo mô hình chính quyền ĐT, tạo điều kiện để các xã tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội và quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn.

Các phường được thành lập đều đạt tiêu chuẩn theo quy định hiện hành. Theo đó, thành lập các phường trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Sau khi cho ý kiến, Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua đề án của tỉnh.

Ông Đỗ Tiệp- Chủ tịch UBND xã Tân Hội- chia sẻ: Thời gian qua, bên cạnh những hỗ trợ đầu tư từ cấp trên, địa phương rất nỗ lực để được lên phường.

“Các dịp họp mặt, tiếp xúc cử tri… người dân đều hỏi khi nào được lên phường”- ông nói. Lãnh đạo UBND một xã khác thì cho hay, người dân mong lên phường để được đầu tư hạ tầng mạnh mẽ hơn, hy vọng có điều kiện làm kinh tế thêm và để tự hào thật sự là người thành phố…

Theo UBND TP Vĩnh Long, thành lập 4 phường là điều kiện để thành phố tiếp tục được quan tâm đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng. Từ đó, tạo điều kiện cho người dân 4 xã và TP Vĩnh Long tiếp nhận, thụ hưởng các dịch vụ thuận lợi, chất lượng hơn. Sau khi thành lập các phường, sẽ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố.

Theo đó, mở rộng không gian phát triển ra khu vực giáp ranh thuộc huyện Long Hồ. Điều này sẽ bảo đảm định hướng tổng thể phát triển ĐT theo hướng bền vững, bảo đảm đời sống nhân dân và giải quyết đồng bộ các vấn đề môi trường. Đồng thời, tạo thêm động lực cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, đóng góp quan trọng trong tiến trình ĐT hóa thành phố.

Trong đó, nhằm đóng góp đáng kể trong thực hiện các tiêu chí đưa thành phố lên ĐT loại II vào năm 2020 thì việc sớm đưa 4 xã lên phường là hết sức cần thiết, đáp ứng mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Vĩnh Long và của tỉnh Vĩnh Long.

Bài, ảnh: SÔNG HẬU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh