Mối hiểm nguy khi bị... hút thuốc lá thụ động

04:12, 18/12/2019

Hút thuốc lá thụ động có thể gây ra bệnh tim mạch, ung thư phổi ở người lớn và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ như cân nặng sơ sinh thấp, sinh non. Hút thuốc thụ động cũng là nguyên nhân gây ra ung thư phổi ở người trưởng thành không hút thuốc.

Hút thuốc lá thụ động có thể gây ra bệnh tim mạch, ung thư phổi ở người lớn và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ như cân nặng sơ sinh thấp, sinh non. Hút thuốc thụ động cũng là nguyên nhân gây ra ung thư phổi ở người trưởng thành không hút thuốc.

Phụ nữ và trẻ em cần được bảo vệ sức khỏe, không bị ảnh hưởng bởi khói thuốc lá thụ động.
Phụ nữ và trẻ em cần được bảo vệ sức khỏe, không bị ảnh hưởng bởi khói thuốc lá thụ động.

Hút thuốc lá thụ động nguy hiểm hơn so với hút thuốc lá chủ động. Hút thuốc lá thụ động có nhiều gấp 3- 4 lần chất độc trong mỗi gram các hạt vật chất so với dòng khói chính và chất độc trong dòng khói phụ cao hơn tổng độc tính của các thành phần. Khói thuốc lá tồn tại ở tất cả các khu vực công cộng, những nơi mà không bị cấm hút thuốc và không có mức an toàn khi tiếp xúc.

Là sinh viên tại TP Hồ Chí Minh, mỗi lần ra xe khách về quê ở huyện Vũng Liêm là một lần “ám ảnh” đối với em Lê Thu Hương (xã Hiếu Nhơn). Em cho biết, vì nhà ở vùng sâu nên không thuận tiện bắt những xe khách chất lượng cao chỉ dừng ở TP Vĩnh Long, em buộc phải đi xe khách mà chủ xe là một hàng xóm.

“Trên xe có rất đông người với nhiều hoàn cảnh khác nhau: sinh viên, người lao động ở các khu công nghiệp… Điều đáng nói là trên xe có các cụ già hay các chị ẵm con lên TP Hồ Chí Minh khám bệnh. Một số anh công nhân, các bác lớn tuổi vô tư hút thuốc, thả khói nồng nặc. Có chị lên tiếng “Có con nít, mấy anh đừng hút thuốc nữa”, các anh ậm ừ rồi chốc lát lại lấy thuốc ra… hút tiếp”- em Hương bức xúc.

Cùng 1 điếu thuốc lá, vì sao độ độc của khói đối với người hút thuốc thụ động gấp 10 lần người đang hút? Khói thuốc lá người hút thải ra không khí cao gấp 5 lần lượng khói hít vào. Có nghiên cứu chỉ ra rằng bạn chỉ cần ở trong phòng có người hút thuốc lá 1 giờ đồng hồ thì số hóa chất độc hại cơ thể tiếp nhận tương đương với việc hút 10 điếu thuốc/ngày. Thực tế, khói thuốc nhả ra môi trường còn độc hại hơn cả khói thuốc được người hút hít vào.

TS. bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long- chia sẻ: Về cơ bản hút thuốc lá thể hiện là hút thuốc chủ động và hút thuốc thụ động. Tác hại của 2 hình thái này gần giống như nhau. Dẫn các nghiên cứu y khoa, TS. bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng cho biết, có khoảng 40 hóa chất trong thuốc lá nguy cơ cao gây ung thư phổi, họng,... và là nguyên nhân của nhiều bệnh ung thư khác.

Ở lĩnh vực sản khoa, thai phụ không hút thuốc lá, nhưng do “hút thuốc thụ động”, tức bị ảnh hưởng khói thuốc lá từ người chồng, người thân gia đình, sẽ dẫn đến nguy cơ trẻ sinh ra khả năng dễ bị sứt môi, hở hàm ếch, trầm cảm, các bệnh về chi,...

“Người hút thuốc lá đôi khi biết, nhưng không bận tâm nhiều đến sức khỏe và tác hại lâu dài đối với bản thân mình. Nhưng chính vợ, con, người thân trong gia đình động viên, chia sẻ mới là lý do để họ lo ngại cho chính mình và những người xung quanh, để giảm hút thuốc hoặc bỏ hút hẳn”- TS. bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng chia sẻ thêm về khả năng để giảm tỷ lệ hút thuốc lá.

Bộ Y tế khuyến cáo mỗi người quan tâm thực hiện các biện pháp hiệu quả để bảo vệ sức khỏe phổi là không hút thuốc và giảm đến mức thấp nhất việc phải tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động.

Theo chương trình phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), hoàn toàn có thể bỏ thuốc lá trong 5 ngày, trong đó có cần chú ý: nghiện thuốc là một bệnh mãn tính cũng như là bệnh cao huyết áp hay bệnh đái tháo đường, cần phải có thái độ nghiêm túc và có cách chữa trị đúng mới thành công.

Nhưng điều quan trọng là gia đình, bạn bè và những người xung quanh có vai trò quan trọng trong việc giúp bạn bỏ thuốc. Để bỏ thuốc thì quyết tâm là yếu tố quyết định.

Bài, ảnh: MAI THÚY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh