Đẩy mạnh xuất khẩu lao động cả lượng và chất

05:12, 08/12/2019

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) đang được mở rộng với nhiều hình thức khác nhau, qua đó tạo việc làm thu nhập tốt cho người lao động, giúp địa phương giảm nghèo bền vững. Hơn thế nữa, đây là cơ hội cho lao động rèn luyện kỹ năng, mục tiêu lớn hơn là những chương trình mới "kỹ năng đặc định"- XKLĐ chất lượng cao.

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) đang được mở rộng với nhiều hình thức khác nhau, qua đó tạo việc làm thu nhập tốt cho người lao động, giúp địa phương giảm nghèo bền vững. Hơn thế nữa, đây là cơ hội cho lao động rèn luyện kỹ năng, mục tiêu lớn hơn là những chương trình mới “kỹ năng đặc định”- XKLĐ chất lượng cao.

Lễ xuất cảnh của 103 học viên vào cuối tháng 11/2019.
Lễ xuất cảnh của 103 học viên vào cuối tháng 11/2019.

Đẩy mạnh xuất khẩu lao động

Chương trình thực tập sinh Nhật Bản được các trường đẩy mạnh, xem đây là một hướng đi để tạo việc làm, rèn kỹ năng cho sinh viên. Sau 3 năm hợp tác với Công ty TNHH Esuhai, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long đã có 1.210 học viên học tiếng Nhật và tham gia chương trình thực tập sinh tại Nhật Bản.

Tỷ lệ trúng tuyển phỏng vấn của sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long là 70- 80%, đứng hàng thứ 2 trong hệ thống các trung tâm của Esuhai trong cả nước.

PGS.TS. Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng nhà trường- cho biết: “Số lượng sinh viên sang Nhật càng nhiều hơn, từ năm 2016 đến nay có hơn 500 em đã đi sang Nhật. Trường đang có 3 trung tâm đào tạo tiếng Nhật, Hàn, Anh cho sinh viên”.

Để trúng tuyển chương trình thực tập sinh Nhật Bản, người lao động cần có tính kỷ luật, sự kiên trì, lòng quyết tâm thực hiện mục tiêu. Em Nguyễn Thị Kim Phượng- cựu sinh viên ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long- sẽ sang Nhật vào đầu tháng 2/2020.

Theo Phượng, khó khăn nhất của sinh viên khi học tiếng Nhật là khó chấp hành sự nghiêm khắc của khóa học và dễ bỏ dở nửa chừng. Kim Phượng cho biết: “Nếu muốn xin nghỉ 1 buổi học phải làm nhiều loại giấy tờ hoặc đi học trễ, không làm bài, bỏ quên tập,… thì bị phạt đứng trước cửa lớp”.

Tinh thần kỷ luật của người Nhật được áp dụng vào trong lớp học nên một số học viên “sốc” vì không theo được những nguyên tắc này.

Do vậy, Phượng khuyên các bạn muốn tham gia chương trình thực tập sinh Nhật Bản phải thực sự có quyết tâm cao. Bởi bỏ học giữa chừng không chỉ mất thời gian mà còn tốn tiền bạc của gia đình.

Cô Bùi Thị Sắc chuẩn bị cho con gái Dương Thị Mỹ Liên (huyện Long Hồ) sang Nhật Bản làm việc vào tháng 2/2020. Mỹ Liên học ngành công nghệ thực phẩm và cũng sẽ làm về thực phẩm khi sang Nhật. Cô Sắc cho biết: “Tôi tôn trọng quyết định của con dù ban đầu cũng rất lo vì con gái chưa bao giờ xa nhà lâu như vậy”.

Hướng tới “kỹ năng đặc định”

Kỹ năng đặc định là chương trình mới được thông qua vào tháng 4/2019. Theo chương trình này, người lao động sang Nhật với tư cách đi lao động có thời hạn, làm việc trong các nhà máy, công ty tại Nhật. Đối tượng là thực tập sinh kỹ năng đã hoàn thành chương trình 1- 3 năm trở về nước.

Ứng viên chưa từng sang Nhật nhưng có kinh nghiệm, chuyên môn trong lĩnh vực tuyển dụng và ngoại ngữ (tiếng Nhật) sẽ có thời gian làm việc là 5 năm.

Kỹ năng đặc định yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm cũng như trình độ tiếng Nhật cao hơn chương trình Thực tập sinh kỹ năng.

Ưu điểm của lao động khi tham gia chương trình này là lương cao hơn thực tập sinh kỹ năng và tương đương với người Nhật cùng một trình độ trong ngành nghề đó. Người lao động có thể thay đổi công ty nếu có lý do chính đáng.

Sau 5 năm, nếu thi đậu kỳ thi bắt buộc sẽ được tham gia chương trình Kỹ năng đặc định số 2, khi đó được phép gia hạn visa và đưa gia đình lưu trú dài hạn tại Nhật Bản.

Nguyễn Hữu Đạt- cựu sinh viên ngành công nghệ kỹ thuật ô tô, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long- trúng tuyển thực tập sinh Nhật Bản đúng chuyên ngành đang theo học.

Đạt cho rằng học tiếng Nhật để tham gia XKLĐ không dễ, do đó cần có sự đầu tư sớm. Ngay từ năm thứ nhất ĐH, Đạt đã học tiếng Nhật tại Trung tâm Nhật ngữ của trường. Đạt chia sẻ: “Phải xem tiếng Nhật như... người yêu vậy, yêu nó mới học tốt được”.

Khi tham gia phỏng vấn thì kinh nghiệm của Đạt không chỉ là ngôn ngữ mà còn là “tạo cho nhà tuyển dụng có cảm giác tin tưởng mình”.

Tháng 5/2020, Đạt sẽ xuất cảnh, hiện bạn đang tham gia học tiếng Nhật tại Trường Kaizen. Ước muốn của Đạt là sau chương trình thực tập sinh kỹ năng có thể tham gia chương trình 5 năm “kỹ năng đặc định”.

Ông Nguyễn Xuân Lanh- Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty TNHH Esuhai- cho biết: “Chúng tôi xem hoạt động của các em là đào tạo nhân lực chất lượng cao, quan trọng cho các em thực hành nghề. Cảm ơn quý phụ huynh đã trao niềm tin cho chương trình này.

Chúng tôi trân trọng cảm ơn sự tin tưởng đó, thay mặt cho trường, cam kết các em được đến Nhật Bản theo nguyện vọng. Hy vọng rằng các em có thể tiếp tục làm việc ở Nhật Bản trong chương trình thứ 2- kỹ năng đặc định”.

“Thực tập sinh kỹ năng” và “Kỹ năng đặc định” đều là hoạt động đưa người lao động sang Nhật Bản làm việc, nâng cao tay nghề, kỹ năng, cải thiện tác phong làm việc công nghiệp, nâng cao ngoại ngữ,… sau đó quay trở về làm việc và đóng góp cho đất nước.

Cô Nguyễn Thị Diệp Thủy- Phó Hiệu trưởng Trung tâm Nhật ngữ cải tiến (Kaizen)- cho biết: Môn học quan trọng trong chương trình đào tạo là “Oden”. Học viên được học kiến thức về văn hóa, ý thức, kỷ luật, trách nhiệm xã hội, cộng đồng… thông qua những tình huống cụ thể nên hoặc không nên làm. Định hướng cho học viên cách hành xử với sự việc và con người mà họ sẽ gặp trong cuộc sống và trong công việc. Đào tạo ý thức phát triển nghề nghiệp, phân tích bản thân, lập kế hoạch học tập…

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh