Ngày 1/1/2020, Luật phòng chống tác hại của rượu, bia bắt đầu có hiệu lực. Chuyện đi nhậu từ mai sẽ khác theo luật mới này? Có thể là chưa, nhưng chúng ta cần quen và thay đổi dần để bộ luật "lịch sử" này đi vào thực tế.
Ngày 1/1/2020, Luật phòng chống tác hại của rượu, bia bắt đầu có hiệu lực. Chuyện đi nhậu từ mai sẽ khác theo luật mới này? Có thể là chưa, nhưng chúng ta cần quen và thay đổi dần để bộ luật "lịch sử" này đi vào thực tế.
Cùng nhau đi “ăn nhậu” tại một quán trên đường ở TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG |
Người dân đang mong đợi đến ngày 1/1/2020, cùng với không ít phân vân.
Luật nghiêm với người cầm lái
Sáng 28-12 tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ (Hà Nội), Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia phối hợp UBND TP Hà Nội tổ chức phát động ra quân Năm ATGT 2020 và cao điểm bảo đảm trật tự ATGT dịp tết.
Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, có khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông liên quan tới rượu bia. Chính phủ đã chỉ đạo triển khai Năm ATGT 2020 với chủ đề "Đã uống rượu, bia không lái xe" nhằm giảm từ 5-10% số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2019.
"Đã uống rượu, bia không lái xe" - khẩu hiệu này tài xế nào cũng biết, nhưng tại sao hiện tượng này vẫn tái diễn?
Câu trả lời không thể đúng hơn: không ít người dân coi thường pháp luật và chế tài cũ chưa đủ hiệu lực để răn đe. Mấy ai uống say kiếm chỗ ngủ cho tỉnh? Mấy ai dũng cảm dứt khoát không cầm lái khi đã ngà ngà hơi men? Nhưng từ mai sẽ phải khác.
Trong những ngày tới sẽ có một phong trào thực thi Luật phòng chống tác hại của rượu bia tại hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội. Chúng ta cần nhiều hoạt động ấn tượng, nhắc nhớ về luật này.
Ngoài lực lượng CSGT cần có thêm nhiều thành phần khác hỗ trợ gồm các tình nguyện viên, cơ quan, đoàn thể cùng phối hợp tuyên truyền.
Bên cạnh tuyên truyền cần tăng cường xử lý những người say xỉn lái xe vì mục tiêu tạo ra một sự thay đổi tích cực. Chấp hành luật pháp cũng chính vì sự an toàn của mình, của cộng đồng.
Các công ty, hợp tác xã vận tải phải có những ràng buộc với tài xế, có chế tài với những tài xế vi phạm. Lái xe khi đã uống rượu bia, nếu CSGT không phát hiện và xử phạt, công ty cũng trừ tiền lương (chẳng hạn) vì việc này bị xem là gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của công ty.
Đã đủ quyết tâm thực thi luật mới?
Không riêng gì người lái xe mà mọi người dân cần hiểu về khoản 1, điều 5 luật nghiêm cấm hành vi: "Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia". Theo đó, việc xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia là hành vi phạm pháp.
Sự thay đổi cần có từ việc kinh doanh bia rượu.
Nhà hàng, quán nhậu phải có cách phục vụ văn minh hơn nữa, phải tổ chức nơi giữ xe cho thực khách đã uống say hoặc liên hệ dịch vụ xe đưa khách về nhà.
Nhà hàng, quán nhậu cần nghiêm túc thực hiện khoản 6, điều 32 của luật: "Cơ sở bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ nhắc nhở và có hình thức thông tin phù hợp đối với khách hàng về việc không điều khiển phương tiện giao thông; hỗ trợ khách hàng thuê, sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi uống rượu, bia".
Ai bán bia, rượu cũng muốn khách uống nhiều kèm theo đó là trách nhiệm xã hội gắn liền với việc bán rượu, bia.
Mọi chuyện sẽ chưa thể thay đổi ngay ngày mai nhưng vài tháng, vài năm, xã hội sẽ khác. Luật pháp không phải là "bảo mẫu" chuyên nghiệp, cái gì cũng phải cụ thể từng li từng tí để nuôi dạy trẻ.
Để luật đi vào cuộc sống, chính quyền từ cấp xã huyện và các tỉnh thành cần thay đổi cách quản lý, có sáng kiến và quyết tâm thực thi luật một cách mạnh mẽ nhất. Có vậy mới mong sớm thấy hiệu quả của luật trong cuộc sống.
Theo TTO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin