"Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS"

04:12, 15/12/2019

Đó là chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS được tổ chức từ ngày 10/11-10/12/2019. Để đạt mục tiêu tiến tới kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, cùng với cả nước, Vĩnh Long đang triển khai nhiều giải pháp nâng cao kiến thức cộng đồng và can thiệp giảm tác hại về bệnh HIV, nhằm khống chế sự lây lan của căn bệnh này.

Đó là chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS được tổ chức từ ngày 10/11-10/12/2019. Để đạt mục tiêu tiến tới kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, cùng với cả nước, Vĩnh Long đang triển khai nhiều giải pháp nâng cao kiến thức cộng đồng và can thiệp giảm tác hại về bệnh HIV, nhằm khống chế sự lây lan của căn bệnh này.

Người nhiễm HIV được khám và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Tam Bình.
Người nhiễm HIV được khám và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Tam Bình.

Truyền thông nâng cao hiểu biết của người dân về căn bệnh HIV là biện pháp được ngành y tế Vĩnh Long tích cực thực hiện, nhằm trang bị cho người dân các kiến thức về những con đường lây truyền HIV và các biện pháp dự phòng, để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

Giúp người dân hiểu các quy định của pháp luật trong công tác phòng chống HIV/AIDS, tình hình lây nhiễm HIV và các biện pháp phòng chống, đặc biệt là con đường lây truyền từ mẹ sang con là những giải pháp đang được ngành y tế Vĩnh Long đẩy mạnh. Chị Nguyễn Thị Thúy L. (xã Mỹ Lộc- Tam Bình) cho biết: “Đi khám thai ở trạm thì các cô có tư vấn xét nghiệm HIV, bởi phát hiện sớm không may bị bịnh thì kịp thời chữa trị cho mẹ lẫn con nên tôi đồng ý xét nghiệm”.

Theo TS. bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong 3 con đường chính làm lây truyền HIV/AIDS, với nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con là 25-40%.

Nếu bà mẹ được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả thì tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con chỉ còn 2-6%, thậm chí là 0%. Do vậy, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm đáng kể tỷ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ.

“Đối với chị em chuẩn bị mang thai, nên đi khám tầm soát những bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là tầm soát xem có nhiễm HIV hay không để chúng ta có phương pháp điều trị dự phòng sớm. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, những trường hợp dự phòng sớm và người mẹ tuân thủ điều trị dự phòng thì hầu như không có trẻ nào sinh ra bị nhiễm HIV”- TS. Hồ Thị Thu Hằng cho biết.

Công tác giám sát, phát hiện, can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV và nâng cao hiệu quả điều trị bệnh nhân AIDS cũng được chú trọng. Trong năm 2019, các phòng tư vấn xét nghiệm HIV đặt tại các địa phương trong tỉnh, đã tư vấn, xét nghiệm và giải đáp các thắc mắc về căn bệnh do lây nhiễm HIV cho trên 16.000 người. Qua đó, phát hiện mới 190 trường hợp dương tính với HIV.

Theo ThS. bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nhằm khống chế làm giảm số ca mắc cũng như tử vong HIV trên địa bàn, tỉnh tổ chức những lớp tập huấn cho cán bộ y tế từ tỉnh đến xã- phường về công tác phòng chống HIV/AIDS, nhất là kiến thức về pháp luật phòng chống HIV/AIDS, nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi người và sẽ là tuyên truyền viên tích cực trong công tác này.

Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động quản lý ca nhiễm giám sát tư vấn hướng dẫn điều trị cũng như các biện pháp phòng chống lây nhiễm cho người nhiễm HIV.

Theo ngành y tế, dịch HIV/AIDS ở tỉnh bắt đầu lan ra các nhóm có nguy cơ thấp và lan ra cộng đồng chủ yếu qua đường tình dục, đặc biệt là tình dục đồng giới.

HIV mới vẫn còn tập trung ở nam nhiều hơn nữ, chủ yếu trong độ tuổi từ 25- 49. Do đó, điều cấp bách trong công tác phòng chống HIV/AIDS hiện nay là cần can thiệp ưu tiên cho các nhóm này để tránh lây lan nhanh chóng xảy ra.

Tính đến thời điểm hiện nay, Vĩnh Long đã phát hiện trên 3.000 trường hợp nhiễm HIV, trong đó, có trên 1.600 trường hợp đã chuyển sang AIDS và trên 800 trường hợp tử vong.

Để khống chế sự lây lan của căn bệnh này và đạt mục tiêu tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, bên cạnh các biện pháp của ngành chức năng thì việc trang bị thêm kiến thức phòng chống căn bệnh này của mọi người sẽ rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe chính mình, người thân và cộng đồng.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương cam kết thực hiện mục tiêu 90-90-90 của Liên Hợp Quốc. Nội dung mục tiêu là năm 2020 sẽ có 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng bệnh của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng ARV và 90% số người được điều trị bằng ARV kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh