Mái nhà chung ấm áp yêu thương

03:12, 28/12/2019

Nghiện heroin và các loại ma túy tổng hợp, được xác định là bệnh; nhưng đây là loại bệnh có sức hủy hoại khủng khiếp thể chất lẫn nhân cách, hành vi con người. 

Nghiện heroin và các loại ma túy tổng hợp, được xác định là bệnh; nhưng đây là loại bệnh có sức hủy hoại khủng khiếp thể chất lẫn nhân cách, hành vi con người.

Quá trình điều trị là cực kỳ gian nan do dễ tái nghiện, đòi hỏi có kiến thức, khoa học, đầy đủ cơ sở vật chất, phối hợp nhiều liệu pháp vừa điều trị cai nghiện, vừa đào tạo lại nhân cách, đạo đức một con người.

Các học viên tham gia buổi chào cờ đầu tuần.
Các học viên tham gia buổi chào cờ đầu tuần.

Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long, nhiều năm qua lặng lẽ đóng góp đặc biệt vào công tác điều trị, giáo dưỡng cho hàng ngàn học viên lầm lỡ, đã tìm lại bản thân, tương lai của chính mình.

Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long, nằm ngay trên Đường tỉnh 904 thuộc địa bàn ấp Mỹ Phú 5 (xã Tường Lộc- Tam Bình), rất dễ nhận ra đối với người đi đường, nhưng do tính chất đặc thù của công việc, nên cơ sở như tách biệt và trong suy nghĩ mọi người cũng có chút gì đó ái ngại khi nhắc đến nơi này.

Tuy nhiên, nếu một lần ghé lại đây tiếp xúc và tìm hiểu cặn kẽ, hẳn mọi người sẽ hoàn toàn thay đổi những định kiến của mình. Ở đây, vừa là một cơ sở y tế điều trị bệnh; vừa là ngôi trường giáo dục, đào tạo lại những con người đã lún sâu vào khoảng đời tăm tối; vừa là môi trường đào tạo nghề nghiệp cho tương lai…

Nhưng trên tất cả, đây là ngôi nhà thứ hai của tất cả học viên, nơi nâng đỡ những bước chân lạc lối, trở về với gia đình, xã hội một cách bình thường nhất, có ích nhất đối với cộng đồng.

Vì lẽ đó, những cán bộ ở đây cũng chính là những thầy thuốc, những thầy giáo và cũng là người tạo dựng lại cho các học viên một “cuộc đời thứ hai”.

Và quá trình này không hề đơn giản, cùng với sự đầu tư cơ sở vật chất đầy đủ là những kiến thức về y học, khoa học, sư phạm và cả pháp luật.

Đồng hành với mọi điều là một tấm lòng bao dung, kiên trì để tạo dựng yêu thương; xây dựng mối quan hệ tin cậy để có thể giúp học viên vượt qua mọi cám dỗ, mặc cảm khó khăn để tìm lại bản thân, bản ngã chính mình.

Ông Phạm Hữu Dũng- Phó Giám đốc cơ sở- từng là thầy giáo đã có 18 năm gắn bó nơi đây, phấn khởi chia sẻ với chúng tôi về những đổi thay, đã tạo thêm động lực cho toàn thể cán bộ quản lý, nhân viên an tâm cống hiến.

Cùng với sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh và ban ngành, đã tạo cơ sở làm việc tốt nhất, cùng với các chế độ được cải thiện đời sống cán bộ, nhân viên là sự đầu tư cơ ngơi khang trang, đạt quy chuẩn cao.

Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long trở thành nơi cứu cánh của nhiều gia đình có người thân vướng vào nghiện ngập nguy hiểm. 19,5 tỷ đồng đầu tư xây dựng tạo nên những phân khu biệt lập theo từng chức năng, những trang thiết bị hiện đại góp phần cho công tác điều trị hiệu quả hơn.

Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên với phòng tập gym trị giá khoảng 700 triệu đồng, những phòng xông hơi đạt chuẩn.

Trong năm 2019, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội đầu tư 3 tỷ đồng bổ sung các trang thiết bị phục vụ cho học viên. Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long đầu tư 2 tỷ đồng, trang bị máy X-quang, máy điện tim, máy siêu âm.

Theo ông Phạm Hữu Dũng, việc đầu tư các thiết bị y tế, giúp cho công tác điều trị hiệu quả hơn, giảm chuyển tuyến, giảm chi phí điều trị.

Những năm 2016- 2017, cơ sở có quá nhiều khó khăn trong công tác điều trị và quản lý học viên, thì hiện nay mọi chuyện đã đi vào quy củ, nề nếp chuẩn mực. Ông đánh giá: “Học viên hiện nay chấp hành tốt nội quy và các hoạt động của cơ sở”.

BS. Đặng Văn Vạn- Phó Giám đốc cơ sở- cũng là người có thâm niên 16 năm, giới thiệu về việc phối hợp Đông- Tây y đã nâng hiệu quả điều trị cai nghiện lên 100% là thành công lớn của cơ sở.

Trước đây, điều trị cắt cơn theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế, phương pháp an thần kinh chỉ đạt hiệu quả 80%; nhưng khi được kết hợp với thuốc Bông Sen của FATACO Bến Tre, đã nâng hiệu quả lên 100%. Cùng với việc tập thể dục, thể hình, học viên được tạo thêm hứng khởi bằng những bài tập theo nhạc tránh sự nhàm chán.

Hiện cơ sở đang quản lý điều trị cho 188 học viên. Sau khi tiếp nhận học viên, điều trị cắt cơn lồng ghép tư vấn khoảng 10- 20 ngày; điều trị giảm hội chứng cai và chuyển lên khu quản lý học viên. Hiện có 5 khu quản lý học viên, gồm 1 khu nữ và 4 khu nam.

Học viên được tham gia các chương trình học tập, sinh hoạt vui chơi giải trí, lao động trị liệu. Trong năm, mở 3 lớp dạy nghề, học viên tham gia sản xuất có thu nhập, gồm các khu: chuyền may giày, hàn khung đan lục bình, đan ghế nhựa. Việc tham gia sản xuất giúp cho học viên hiểu được giá trị lao động.

Hàng tháng là những cuộc đối thoại với học viên của ban quản lý, lồng ghép những buổi tiệc sinh nhật có sinh hoạt văn nghệ tạo không khí vui vẻ, thân tình.

Ông Phạm Hữu Dũng chia sẻ, niềm vui lớn nhất chính là nhìn những học viên hoàn thành tốt việc trị liệu, học tập trở về với gia đình, tái hòa nhập với cộng đồng.

Nhiều trường hợp xây dựng gia đình, làm ăn kinh tế thành đạt, họ thường xuyên đưa gia đình trở về đây thăm lại những người thầy, cũng là những người cha đã tái sinh cuộc đời họ. Cơ sở này đối với họ cũng là mái nhà chung ấm áp yêu thương.

Ông Phạm Hữu Dũng cho biết, hướng tới trong năm 2020, Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long sẽ có phương án mở rộng thêm khoảng trên 44.000m2, có khả năng tiếp nhận khoảng 300 học viên; đồng thời hướng mạnh đến công tác điều trị tại cộng đồng. Hiện cơ sở áp dụng Quy định 80 của HĐND, có chính sách miễn giảm đến 50% đối với đối tượng cai nghiện tự nguyện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Việc đẩy mạnh công tác tiếp nhận điều trị học viên, góp phần kéo giảm tội phạm, giảm bớt những bi kịch gia đình. Tạo môi trường lành mạnh không có ma túy, cứu giúp những người trẻ lầm lạc định hướng lại tương lai.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh