Các năm qua, Vĩnh Long đã chú trọng tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp về lãnh đạo, điều hành, thông tin tuyên truyền tư vấn, khảo sát thị trường, triển khai các chính sách hỗ trợ, thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Các năm qua, Vĩnh Long đã chú trọng tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp về lãnh đạo, điều hành, thông tin tuyên truyền tư vấn, khảo sát thị trường, triển khai các chính sách hỗ trợ, thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Người lao động, sinh viên- học sinh trong tỉnh tìm hiểu thông tin tại một gian hàng tuyển dụng xuất khẩu lao động. |
Kết quả triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Tỉnh ủy- HĐND- UBND tỉnh, các giải pháp của ngành chức năng... đã đưa lại con số 1.715 lao động đi XKLĐ nước ngoài trong năm 2019, đạt 106,52% kế hoạch. Năm 2020, cả tỉnh đề ra chỉ tiêu XKLĐ 1.640 lao động.
Hệ thống chính trị vào cuộc với công tác XKLĐ
Các cơ quan truyền thông như Báo Vĩnh Long, Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long, hệ thống đài truyền thanh đã thường xuyên đăng tải, phát nhiều tin bài, phóng sự tuyên truyền, thông tin về XKLĐ.
Năm 2019, Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp các doanh nghiệp XKLĐ và các địa phương tổ chức trên 200 cuộc tuyên truyền, thông tin, tư vấn việc làm, XKLĐ cho trên 10.500 lượt người.
Thực hiện chính sách của tỉnh về hỗ trợ người lao động vay vốn đi XKLĐ, từ năm 2017 đến nay, kinh phí địa phương được cấp ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hơn 63 tỷ đồng. Đến nay, đã giải ngân hơn 88 tỷ đồng với 1.143 lao động được vay vốn. Số lao động đã hoàn trả nợ gốc tổng cộng trên 26 tỷ đồng. Dư nợ hơn 62 tỷ đồng với 890 lao động.
Đồng thời, tỉnh cũng rất quan tâm thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đơn vị XKLĐ đến hoạt động, tổ chức cơ sở đào tạo tại địa phương. Hiện nay đã có 37 doanh nghiệp chính thức đăng ký tham gia thông tin tuyên truyền, tư vấn, tuyển dụng lao động tại địa phương.
Với sự nỗ lực, tích cực tham gia thực hiện của các cấp ban ngành, đoàn thể, các địa phương, các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động XKLĐ và đặc biệt là nhận thức và sự quan tâm của người lao động, người dân đối với XKLĐ ngày càng được nâng lên; trong năm 2019, tỉnh Vĩnh Long đã có 1.715 lao động XKLĐ, đạt 106,52% so kế hoạch năm (1.610 người).
Trong đó tỷ lệ lao động đi làm việc tại thị trường Nhật Bản trên 86%, thị trường Đài Loan khoảng 10%, các nước khác khoảng 4%.
Kết quả XKLĐ đã tiếp tục đóng góp tích cực việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, lao động, giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập đời sống người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy XKLĐ
Nhằm góp phần nâng cao hơn nữa quy mô, chất lượng, hiệu quả công tác XKLĐ của địa phương, thời gian tới tỉnh Vĩnh Long chú trọng tổ chức thực hiện tốt 4 nhóm nhiệm vụ giải pháp.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, hội đoàn thể từ tỉnh đến địa phương tiếp tục phát huy, chú trọng triển khai tổ chức thực hiện tốt công tác lãnh đạo điều hành, thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động người lao động và nhân dân; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động; thu hút mời gọi, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đơn vị XKLĐ về hoạt động tại địa phương.
Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động XKLĐ trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định pháp luật. Tổ chức phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng để quản lý, theo dõi chặt chẽ hoạt động tư vấn, đào tạo, tạo nguồn, tuyển dụng XKLĐ trên địa bàn tỉnh, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các vấn đề hạn chế, tiêu cực, vi phạm... có thể gây ảnh hưởng không tốt đến công tác XKLĐ của tỉnh.
Phối hợp theo dõi, nắm bắt thông tin về tình hình việc làm, điều kiện làm việc, thu nhập của người lao động trong quá trình đi làm việc ở nước ngoài.
Chú trọng phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, các ban ngành đoàn thể ở địa phương và gia đình người lao động để làm tốt công tác quản lý, giáo dục, vận động người lao động chấp hành tốt pháp luật, quy định của hợp đồng tham gia XKLĐ, góp phần ngăn ngừa, hạn chế các trường hợp người lao động vi phạm hợp đồng, đồng thời có giải pháp phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Xây dựng đề án khai thác sử dụng lực lượng lao động tỉnh Vĩnh Long đi làm việc ở nước ngoài trở về nhằm xây dựng, kết nối và thực hiện hệ thống chính sách, giải pháp khai thác, sử dụng nguồn lực về năng lực chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng tác phong lao động, tài chính của lực lượng lao động XKLĐ trở về.
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin