Ngành giáo dục Vĩnh Long vừa có buổi họp mặt 25 năm (1994- 2019) thực hiện bình xét danh hiệu "Viên phấn vàng" cho hơn 553 giáo viên đạt danh hiệu này.
Ngành giáo dục Vĩnh Long vừa có buổi họp mặt 25 năm (1994- 2019) thực hiện bình xét danh hiệu “Viên phấn vàng” cho hơn 553 giáo viên đạt danh hiệu này. Đây là hoạt động không chỉ tôn vinh quý thầy cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) mà còn khẳng định vai trò của lực lượng này đối với sự thành công của ngành giáo dục tỉnh nhà…
Lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm với các thầy cô giáo đạt danh hiệu “Viên phấn vàng” trong 25 năm qua. |
Vinh dự và phấn đấu với nghề đã chọn
Chia sẻ ngay từ những phút đầu buổi họp mặt, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD- ĐT- cho biết, vượt qua những cảm xúc với nghề, buổi họp mặt không chỉ mang ý nghĩa tri ân quý thầy cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam mà đây còn là sự hội ngộ của “trên 500 “Viên phấn vàng”- những con người có chung khát vọng và niềm say mê, không ngừng cống hiến hết mình vì tình yêu nghề nghiệp. Đây là sự tri ân của thế hệ đi sau đối với thế hệ đi trước bằng tất cả sự trân trọng và lòng biết ơn sâu sắc”.
Danh hiệu “Viên phấn vàng” được phát động từ năm học 1993- 1994, trong giai đoạn hoàn cảnh ngành giáo dục còn rất nhiều khó khăn đòi hỏi người giáo viên phải nỗ lực hết mình, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tham gia tích cực các phong trào, luôn luôn đổi mới trong dạy và học.
“Ý nghĩa sâu xa của danh hiệu còn là quà để tôn vinh cốt cách cao đẹp của nhà giáo, nâng cao giá trị tinh thần vượt khó và sự cống hiến, là điểm tựa và niềm tin để động viên thầy cô gắn bó với nghề, trụ lại trong gian khó và vươn lên trong thiếu thốn”- Giám đốc Sở GD- ĐT Nguyễn Thị Quyên Thanh chia sẻ.
Thầy Mai Ngọc Điệp- Trường THCS Tân Long (Mang Thít) được Sở GD- ĐT công nhận danh hiệu “Viên phấn vàng” vào năm học 2005- 2006. Đây là danh hiệu mà thầy Điệp cần phải nỗ lực hết mình để phấn đấu, rèn luyện.
“Trước những yêu cầu ngày càng cao của đất nước, đòi hỏi người giáo viên phải cố gắng hết sức mình, học tập, học hỏi, trau dồi kinh nghiệm để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Theo đó, mình cần cố gắng để rèn luyện cho học sinh phát triển toàn diện, vừa đủ đức lẫn tài để các em có khả năng hội nhập, trở thành những công dân của toàn cầu trong tương lai…”- thầy Điệp cho biết.
Cô Phan Thị Phương Tuyền- giáo viên Trường Mầm non Hoa Lan (TP Vĩnh Long) người có 28 năm trong nghề chia sẻ: “Mình rất vinh dự được trở thành một giáo viên. “Khi chọn cho mình nghề giáo viên mầm non, tôi luôn ý thức được rằng làm giáo viên đã khó, làm giáo viên mầm non còn khó hơn nhiều lần. Do đó, mình luôn phấn đấu không ngừng và cố gắng, luôn yêu thương trẻ hết lòng như chính những đứa con ruột của mình. Chính vì lẽ đó mà mình ngày càng hăng say trong công tác, quên đi bao nhọc nhằn vất vả, những lo toan trong cuộc sống…”- cô chia sẻ.
Cô Phan Thị Phương Tuyền trong một tiết dạy. |
Cô Tuyền chia sẻ thêm, đạt danh hiệu “Viên phấn vàng” là niềm vinh dự không gì sánh bằng, là động lực để mình tiếp tục công việc. Cô nói: “Tôi ghi tâm lời dạy của những người đi trước để không ngừng tự học tập, nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn và hết lòng yêu thương trẻ, cố gắng vượt qua khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao…”
Đội ngũ góp phần làm nên thành công
Từ năm 1992 sau khi tái lập tỉnh, ngành giáo dục Vĩnh Long đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Theo Sở GD- ĐT, khi đó, cơ sở vật chất thiếu thốn với trên 2.000 phòng học tre lá; đồ dùng dạy học phần lớn do giáo viên tự làm; đội ngũ giáo viên vừa thiếu, vừa yếu khi trong gần 6.000 giáo viên, chỉ có 50% đạt chuẩn 12+2.
Đồng thời chế độ tiền lương thấp nên nhiều giáo viên đã không thể gắn bó được với nghề. Danh hiệu “Viên phấn vàng” đã góp phần khích lệ động viên và tạo động lực cho giáo viên vượt qua trở ngại, phấn đấu dạy tốt nhằm ổn định chất lượng dạy và học, tạo đà cho giáo dục phát triển trong giai đoạn đầu tái lập tỉnh.
“Những đóng góp của mỗi giáo viên đã góp phần làm nên thành công của giáo dục trong một chặng đường dài. Năm 1997, Vĩnh Long đạt chuẩn quốc gia về mục tiêu xóa mù chữ, phổ cập giáo dục trung học và tỷ lệ đạt chuẩn bền vững cao.
Đến tháng 5/2005, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS; tháng 8/2016 hoàn thành phổ cập mầm non trẻ 5 tuổi. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đến nay chiếm gần 56%. Đặc biệt là có trên 73% cán bộ quản lý, giáo viên đạt trình độ chuyên môn trên chuẩn”- Giám đốc Sở GD- ĐT Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết.
Những thành tựu mà ngành giáo dục Vĩnh Long đạt được đã ghi đậm dấu ấn, công lao của các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý, đặc biệt là đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy đã không ngừng trau dồi đạo đức nghề nghiệp, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy.
Theo Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón, tiêu biểu và điển hình trong các thế hệ nhà giáo ấy chính là những giáo viên vinh dự nhận danh hiệu “Viên phấn vàng” trong suốt 25 năm qua. Có thầy giáo, cô giáo đã nghỉ hưu, chuyển công tác, có thầy giáo, cô giáo đang trực tiếp giảng dạy, truyền tri thức và say mê cho các thế hệ học sinh.
“Nhìn lại chặng đường 25 năm thực hiện bình xét danh hiệu “Viên phấn vàng” với những nỗ lực, phấn đấu không ngừng của tất cả quý thầy cô giáo, sự lan tỏa trong cộng đồng về hiệu ứng tích cực việc xét tặng danh hiệu.
Đặc biệt là niềm tin yêu, tự hào của các thế hệ học sinh, của đồng nghiệp, của xã hội… Tôi tin tưởng, kỳ vọng rằng ngành giáo dục sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của ngành, tích cực đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh đổi mới và hội nhập quốc tế…”- Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón phát biểu.
Danh hiệu “Viên phấn vàng” được phát động từ năm học 1993- 1994. Đến nay, ngành đã có 553 giáo viên đạt danh hiệu này. Kết quả xét chọn hàng năm tương đối đồng đều giữa các bậc học, cấp học, phủ khắp các địa bàn tỉnh với trên 4,2% giáo viên mầm non, trên 4,6% giáo viên phổ thông và 2,6% giáo viên trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên… |
Bài, ảnh: NGUYỄN DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin