Nâng cao thu nhập, thắp sáng làng quê

10:11, 20/11/2019

Chỉ trong vòng 4 năm, sau khi về đích nông thôn mới (NTM) xã Tân An Luông (Vũng Liêm) đã nâng thu nhập bình quân đầu người từ 34,2 triệu đồng/năm lên ước đạt 46,2 triệu đồng/năm, đồng thời vận động nhân dân cùng làm 14,7km đường liên xã, liên ấp có đèn chiếu sáng (đạt 91,3%)… là những thành quả mà xã đã đạt được trên bước đường xây NTM nâng cao.

Chỉ trong vòng 4 năm, sau khi về đích nông thôn mới (NTM) xã Tân An Luông (Vũng Liêm) đã nâng thu nhập bình quân đầu người từ 34,2 triệu đồng/năm lên ước đạt 46,2 triệu đồng/năm, đồng thời vận động nhân dân cùng làm 14,7km đường liên xã, liên ấp có đèn chiếu sáng (đạt 91,3%)… là những thành quả mà xã đã đạt được trên bước đường xây NTM nâng cao.

Nghề gia công đan giỏ, sọt giúp nhiều nông hộ có thêm thu nhập lúc nông nhàn.
Nghề gia công đan giỏ, sọt giúp nhiều nông hộ có thêm thu nhập lúc nông nhàn.

Thu nhập tăng thêm

Sau thời gian làm nghề đóng ghe, anh Ngô Văn Phúc (Ấp 5) chuyển sang làm việc cho Cơ sở sản xuất bàn ghế đá Phúc Trí ở địa phương. Công việc của anh là đắp băng ghế đá. Anh Phúc bắt đầu công việc từ lúc 7 giờ sáng và kết thúc lúc 12 giờ trưa. Nhờ siêng làm, được chủ trả lương theo sản phẩm, mỗi tháng anh kiếm được 6- 7 triệu đồng.

Có 7 năm gắn bó với cơ sở sản xuất bàn ghế đá, anh Trương Văn Sung (Ấp 3) bàn với vợ là chị Nguyễn Thị Ngọc Như thay vì ở nhà thì cùng đi làm để có thêm thu nhập. Đến nay, chị cũng đã có gần 2 năm gắn bó với cơ sở. Công việc của chị là mài chân ghế đá nên kết thúc muộn hơn (lúc 13 giờ). “Từ hồi có công việc này, đời sống gia đình tui ổn định hơn trước rất nhiều. Tết năm rồi tui được thưởng 500.000đ, còn người làm lâu năm thì được cơ sở thưởng thêm”- chị Như cho biết.

Đến ấp Gò Ân nhân lúc chị Nguyễn Thị Mười cùng một số chị em đang ngồi đan dây nhựa làm các loại giỏ, sọt. Với kinh nghiệm hơn 3 năm, cứ khoảng 1 tiếng ngồi đan, chị Mười có thể hoàn thành được cái sọt nhỏ. Chị cho biết: “Từ hồi có công việc này làm, gia đình tui cũng có tiền xài lai rai”.

Ngoài công việc chính là chăn nuôi và làm ruộng, chị Cao Cẩm Hằng cũng tranh thủ lúc nông nhàn để đan dây nhựa, mỗi tuần chị đan được vài chục cái sọt, lúc rảnh chồng chị cũng làm phụ chị. Mỗi tuần chị kiếm được khoảng 400.000đ để phụ hợ tiền điện nước, chi tiêu sinh hoạt chút đỉnh cho gia đình.

Ông Nguyễn Văn Thành thì cho biết, gia đình ông đang gia công cho một công ty ở Bình Dương. Tùy theo từng mẫu hàng và đợt hàng, mức giá gia công thường từ 3.000- 10.000 đ/cái, đối với loại hàng lớn thì được trả 15.000 đ/cái. Có khi làm 1 bộ 3 cái được trả công 20.000đ. Bình quân mỗi tuần, vợ chồng ông Thành kiếm được khoảng 1 triệu đồng.

Tuổi đã cao, thay vì phải ra đồng nắng làm việc thì ông Thành chọn cách ngồi trong mát đan dây nhựa và dùng số tiền gia công để mướn người xịt thuốc, rải phân, cày xới… cho 5 công ruộng. Ông kể: “Hồi xưa mỗi khi rải giống tìm người để mướn làm cũng trần ai, nhưng giờ thì có đủ dịch vụ hết”.

Hiện, ở địa phương có thành lập tổ dịch vụ lao động, cần gì thì cứ “a lô” sẽ có người tới làm với giá dịch vụ tính theo từng phần, từng công đoạn như: rải giống từ 30.000- 40.000 đ/công; mướn máy cày 100.000 đ/công/lượt; xới đất để sạ 90.000 đ/công; khiêng lúa lên cân 20.000- 30.000 đ/tấn; xịt thuốc 20.000 đ/bình máy, với người làm giỏi cũng kiếm được 700.000- 800.000 đ/ngày.

Điện thắp sáng mọi nẻo đường

Dọc theo các tuyến đường liên xã, liên ấp trong xã Tân An Luông, chúng tôi khá ấn tượng vì hầu như nơi nơi đều có đèn điện thắp sáng, đáp ứng nhu cầu đi lại về đêm của người dân. Chỉ vào tuyến đường liên ấp trước nhà, ông Trần Văn Tiến Em- Bí thư kiêm Trưởng ấp Gò Ân- cho biết: Tuyến đường này dài khoảng 1,6km, được láng nhựa vào năm 2014. Cách nay gần 1 năm thì làm đèn đường từ nguồn hỗ trợ của UBND xã (5 triệu đồng) và do nhân dân đóng góp.

Ông Nguyễn Văn Thành cho biết thêm: “Đối với các hộ có nhà nằm ở trục đường có đèn điện thắp sáng thì góp 300.000đ, còn các hộ có nhà bên trong như tui thì góp 150.000đ. Từ hồi có đèn điện thắp sáng ai cũng khoái, đi tới đâu cũng thấy đèn đường, ban đêm đi lại khá thuận tiện, thoải mái và nhìn thôn quê mình vui hẳn ra. Tệ nạn xã hội cũng giảm hẳn”.

Chỉ vào con đường liên xóm trước nhà, ông Thành kể: “Khi làm con lộ này, gia đình tui đã hiến 900m2 đất và đốn hơn chục gốc dừa để nâng cao mặt đường và lót đan. Tuy thấy tiếc nhưng cũng “thôi kệ, quan trọng là có đường cho dân mình đi chứ hồi trước đi đâu cũng lội sình thấy mồ”- ông Thành nói. Ông cũng dự kiến vận động con cháu gắn khoảng 6 bóng đèn trên tuyến đường thuộc nhánh rẽ trước nhà để đảm bảo an ninh và đi lại thoải mái hơn.

Nhiều tuyến đường trong xã Tân An Luông được kéo đèn thắp sáng, giúp làng quê thêm sáng hơn về đêm.
Nhiều tuyến đường trong xã Tân An Luông được kéo đèn thắp sáng, giúp làng quê thêm sáng hơn về đêm.

Ông Nguyễn Văn Sang- Chủ tịch UBND xã Tân An Luông- cho biết: Từ năm 2015, khi về đích NTM, xã đã vận động nhân dân làm đèn chiếu sáng. Trước đây, chủ yếu là nhân dân tự kéo điện trong nhà ra, nay thì làm đường dây chung.

Về cách làm thì tùy theo điều kiện, từng ấp sẽ lên kế hoạch. Sau đó, BCĐ xã sẽ phân công cán bộ xuống họp dân, lấy ý kiến để đưa ra mức đóng góp hợp lý và cách thức thực hiện và quy cách làm đèn đường. Thông thường, nhân dân sẽ đóng góp khoảng 50%, còn lại do BCĐ xã vận động hỗ trợ đối ứng.

Hiện, toàn xã có 16,1km đường liên xã, liên ấp. Trong đó, có 14,7km đường có đèn chiếu sáng, chiếm 91,3%, vượt 1,3% so yêu cầu về tỷ lệ đường liên xã, liên ấp đối với xã NTM nâng cao. Ngoài ra, xã còn vận động làm khoảng 8km đèn điện thắp sáng tại tuyến Đường tỉnh 901 nhờ vậy mà về đêm điện thắp sáng gần như phủ khắp mọi nẻo đường, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn đang ngày càng gần hơn.

Ông Nguyễn Văn Sang- Chủ tịch UBND xã Tân An Luông

Để giúp người dân nâng cao thu nhập, xã đã phát huy lợi thế cây lúa, vận động nhân dân tham gia cánh đồng mẫu trên diện tích 850ha (đạt 100%), xã còn chỉ đạo khép kín đê bao thủy lợi để đảm bảo sản xuất, vận động nhân dân cải tiến sang trồng giống lúa chất lượng, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân.

Hiện, xã còn phát triển các mô hình sản xuất như: trồng nấm rơm, nấm bào ngư, sản xuất lúa giống, nuôi bò sinh sản, chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu, cải tạo vườn tạp. Bên cạnh, xã còn phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như đan lác, đan giỏ, tách vỏ hạt điều… góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh