Trong khuôn khổ hội thảo "Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc giới thiệu việc làm cho học sinh- sinh viên (HS-SV) sau khi tốt nghiệp" do Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long tổ chức vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng đây là vấn đề rất cần thiết.
Trong khuôn khổ hội thảo “Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc giới thiệu việc làm cho học sinh- sinh viên (HS-SV) sau khi tốt nghiệp” do Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long tổ chức vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng đây là vấn đề rất cần thiết.
Theo đó, việc liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp (DN) cần đi vào chiều sâu để 2 bên cùng có lợi, đặc biệt là đào tạo ra một lực lượng lao động thực sự làm được việc ngay sau khi ra trường.
Sinh viên cần chủ động học tập từ kiến thức đến kỹ năng để có việc ngay sau khi ra trường. |
Liên kết ở mức độ chưa cao
Theo thống kê của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh, tính đến tháng 9/2019, tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật của tỉnh chiếm 70,56%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 49,58%.
Tỉnh Vĩnh Long hiện có 3 trường ĐH và 34 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tổng số học sinh đang đào tạo tại các trường ĐH- CĐ- trung cấp là 21.560 người.
Kết quả khảo sát theo mẫu của nhóm giảng viên Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long, số HS-SV sau khi tốt nghiệp có việc làm khoảng 63%, trong khi đó, tuyên bố của các trường CĐ, ĐH là 80- 90% HS-SV ra trường có việc làm.
Sự chênh lệch này là do đâu? Cũng theo kết quả khảo sát của nhóm này, trong số HS-SV chưa có việc làm thì 35% chưa có nhu cầu tìm việc, 42% định học tiếp và 23% đã tìm nhưng chưa có việc làm.
Tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, có nhiều hình thức liên kết DN như tổ chức thực tập sản xuất cho SV năm cuối: tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm; DN hỗ trợ học bổng; DN đặt hàng nhà trường các lớp đào tạo tay nghề hay tổ chức các buổi hội thảo,…
TS. Phùng Thế Tuấn- Trưởng Phòng Công tác sinh viên trường này- cho biết: “Đặc biệt, chúng tôi kết hợp DN tạo cơ hội việc làm, thực hành trang thiết bị mới cho SV, điển hình là những dự án Công ty TNHH Toyota Việt Nam đầu tư tại trường”.
Trong khi đó, Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long đã mời được DN cùng tham gia tư vấn tuyển sinh để HS chọn đúng ngành nghề và đưa HS- SV thực tập tại DN.
TS. Đinh Phước Tường- Trưởng Phòng Đào tạo Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long- cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng chương trình đào tạo gắn kết với DN. Đặc biệt, mô hình DN học tập đang được triển khai có hiệu quả. Chương trình đào tạo thật sự có sự tham gia của DN”.
Tuy nhiên, phần nhiều mối quan hệ này vẫn còn ở mức độ thấp- nghĩa là DN tạo điều kiện cho SV thực tập tại DN hay DN hỗ trợ cơ sở vật chất cho nhà trường. Mục tiêu cao hơn cần hướng đến là đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo ra lao động làm được việc ngay sau khi ra trường.
Doanh nghiệp nói gì?
Ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành IV- chia sẻ: “Vừa rồi công ty chúng tôi nhận 30 SV vào thực tập, sau đó đã đuổi về 4 em vì thái độ kém quá. Ban đầu thì còn đúng giờ, sau thì đi trễ về sớm, vô là bấm điện thoại không ngừng”.
Theo ông thì các trường khi mở ngành cũng nên khảo sát nhu cầu DN như thế nào? Đối với HS thì khi chọn ngành phải cân nhắc xem mình phù hợp không, không phải học cho vui rồi đến khi đi làm mới biết mình không phù hợp.
Nói về thái độ thực tập của SV ở đơn vị mình, ông Huỳnh Minh Tuấn- Phó Giám đốc Vietcombank chi nhánh Vĩnh Long- cho biết: “Thông thường, SV thực tập được 1 tuần đầu siêng năng, sau đó thì chỉ muốn xin số liệu rồi về.
Xin xong không đến nữa, đến hạn nộp báo cáo thì “anh ơi ký dùm em, hôm nay hạn cuối”. Cũng theo ông, thực tế là không ít SV hiện nay “lên mạng thì nhiều mà không biết gửi hồ sơ online, không biết gửi mail”.
Quý II/2019 cả nước có số người thất nghiệp trình độ ĐH là 160.500 người, tăng 35.930 người với quý I/2019 và tăng 33.500 người so với quý II/2018. Số người thất nghiệp có trình độ CĐ là 68.700 người, tăng 3.570 người so quý I/2019 và giảm 17.100 người so với quý II/2018. |
Bước chân vào bất kỳ công ty, DN nào thì ngoài trình độ, HS-SV phải có thái độ nghiêm túc làm việc, học tập, phải chỉn chu thì mới có cơ hội việc làm.
Ông Nguyễn Thanh Việt- Công ty TNHH MTV Bánh Nhật Ngọc- cho rằng: “SV hiện nay thiếu tự tin và có cái tôi rất lớn. DN thường xem bạn có chịu khó, chịu học hỏi cái mới hay không? Có những SV ngành công nghệ thực phẩm đến năm cuối rồi mà không biết nhồi bột”.
Sacombank chi nhánh Vĩnh Long có chương trình “thực tập viên tiềm năng”, qua chương trình này các em có thể xem đây là cơ hội để ở lại Sacombank làm việc.
Ông Lê Văn Hồi- Phó Giám đốc- cho biết: “Nhiều SV lộ rõ điểm yếu về kiến thức và kỹ năng trong quá trình này. Từ chuyên ngành nói đến thì không biết, ăn mặc xuề xòa khi đến ngân hàng, nói năng thì cộc lốc. Có SV quê Vũng Liêm xin vô Sacombank mà khi hỏi trụ sở Sacombank ở Vũng Liêm chỗ nào thì em không biết?
ThS. Nguyễn Thị Thý Liễu- Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long cho rằng: Nhà trường cần nâng cao tính chủ động hơn nữa trong việc thúc đẩy các mối quan hệ và sự đóng góp của DN trong quá trình đào tạo.
Bắt buộc khi xây dựng chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo cần có sự đóng góp thực chất của DN. Đưa giảng viên đi học tập thực tế tại các DN, giảng viên sẽ học tập tại DN về truyền đạt lại cho HS-SV. Nhà trường phải thể hiện sự cầu thị khi hợp tác với DN.
Liên kết giữa nhà trường và DN là giải pháp chiến lược lâu dài trong đào tạo nguồn nhân lực cho DN và xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình liên kết đó sẽ không tránh khỏi những trở ngại về quan điểm, cơ chế, lợi ích giữa 2 bên. Một số DN chỉ chú ý sử dụng nhân tài không quan tâm đến tuyển dụng, đào tạo, tập huấn thường xuyên.
Xây dựng một chương trình hợp tác để hai bên cùng có lợi. Thiết nghĩ, để sự liên kết này được thực hiện tốt hơn các trường cần hoàn thiện chính sách quản lý để bắt kịp nhu cầu thực tiễn của DN. Quan trọng hơn hết là bản thân HS- SV phải cố gắng, phải chủ động thì mới đảm bảo hợp tác lâu dài, bền vững.
Ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành IV Về phía DN, chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho sinh viên mới ra trường đi thực tập và tuyển dụng. Chúng tôi có nhận những sinh viên thực tập nghiêm túc ở lại làm việc, không chỉ tuyển lao động theo số năm kinh nghiệm. Bà Nguyễn Thị Đoàn- Giám đốc Mobifone tỉnh Vĩnh Long Phối hợp với nhà trường trong đào tạo và giải quyết việc làm là trách nhiệm xã hội của DN. Tuy nhiên, các trường cần khắt khe hơn trong đào tạo sinh viên, không chỉ kiến thức mà còn kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử,… Ông Lê Văn Hồi- Phó Giám đốc Sacombank chi nhánh Vĩnh Long Thiếu hiểu biết, thiếu quan tâm và không tìm hiểu DN mình định xin vào làm việc là điểm yếu chung của SV hiện nay. Còn những chuyện vặt vãnh nhỏ mà không nhỏ như bấm điện thoại nhanh mà gõ vi tính thì lại chậm. Đơn xin việc không tự viết được, không có quan sát. Có em gửi hồ sơ xin việc cũng không nhớ, với lý do “chú em nộp dùm!” |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin