Đem sách về với học sinh vùng sâu

02:11, 13/11/2019

Đối với học sinh vùng sâu, việc tiếp cận sách đã khó mà việc tìm được sách hay, thích hợp còn khó hơn; hiểu được vấn đề này, nhóm Go- Books đã vận động Quỹ hỗ trợ giáo dục Nam Trường Sơn (NTS) đưa sách về với học sinh Trường THCS & THPT Hòa Bình (Trà Ôn).

 

Phần thi nhận được tràng pháo tay lớn của cả hội trường giới thiệu quyển sách “Tôi, tương lai và thế giới” của em Lê Huỳnh Như (lớp 12A8).
Phần thi nhận được tràng pháo tay lớn của cả hội trường giới thiệu quyển sách “Tôi, tương lai và thế giới” của em Lê Huỳnh Như (lớp 12A8).

Đối với học sinh vùng sâu, việc tiếp cận sách đã khó mà việc tìm được sách hay, thích hợp còn khó hơn; hiểu được vấn đề này, nhóm Go- Books đã vận động Quỹ hỗ trợ giáo dục Nam Trường Sơn (NTS) đưa sách về với học sinh Trường THCS & THPT Hòa Bình (Trà Ôn).

Ngày của sách

Muốn phát triển văn hóa đọc phải đi vào cốt lõi của vấn đề, đó là làm sao tạo dựng được thói quen đọc sách cho trẻ từ nhỏ.

Ở thành thị đã khó, ở nông thôn thì điều kiện tiếp cận sách của các em còn khó hơn. 2 tuần trước khi hội thi giới thiệu sách diễn ra, nhóm Go- Books và Quỹ NTS đã mang đến thư viện Trường THCS & THPT Hòa Bình hơn 60 đầu sách để giới thiệu và hỗ trợ mua sách trả góp, khuyến khích các em đọc sách.

Phần giới thiệu quyển sách “Tôi, tương lai và thế giới” của em Lê Huỳnh Như (lớp 12A8) nhận được tràng pháo tay lớn của cả hội trường. Như cho biết, em tự mày mò tìm hình ảnh, chắt lọc nội dung để làm cho phần trình chiếu thật sinh động, hỗ trợ phần giới thiệu sách.

“Em đã rất ấn tượng khi đọc quyển sách mà cô giáo dạy Văn tặng, nên khi nghe có hội thi, dù rất căng thẳng nhưng em đăng ký ngay để chia sẻ quyển sách với các bạn”- Như nói. Như cười tươi trước những lời tán thưởng của các bạn: “Đọc sách giúp tâm lý, tư duy thay đổi tích cực hơn.

Điều em ấn tượng từ quyển sách là các bạn trẻ đang làm chủ đất nước mà công nghệ 4.0 ngày càng hiện đại, vậy mỗi người phải học hỏi nhiều hơn, cố gắng để thích nghi với những điều mới”.

Không chỉ đơn lẻ giới thiệu sách, nhóm bạn của em Phan Thị Mỹ Linh (lớp 12A5) mang đến sân khấu sinh động với phần diễn kịch lồng ghép khéo léo giới thiệu sách “Khởi hành” của GS John Vũ. Với Linh, đọc một quyển sách hay phải phù hợp với bản thân mỗi người, từ những sai lầm, những kinh nghiệm của thế hệ đi trước được đúc kết trong sách, Linh rút ra bài học: “Tránh những sai lầm và phải biết lập kế hoạch cho tương lai để phấn đấu”.

Là một trong số ít các bạn nam tham gia giới thiệu sách, em Trương Tuấn Anh (lớp 12A2) giới thiệu quyển sách “Hạt giống tâm hồn- Theo dòng thời gian”.

Phần thi chưa tốt lắm bởi lần đầu tiên còn hồi hộp, ngập ngừng nhưng Tuấn Anh cười tươi rói: “Em tự tin hơn nhiều khi được trải nghiệm đứng trên sân khấu rồi. Nói ra những suy nghĩ của mình khi đọc và hiểu một quyển sách hổng dễ chút nào nhưng những góp ý của thầy cô, của các bạn giúp em tự tin hơn, cũng tự rút kinh nghiệm cho bản thân, lần sau có hội thi, em sẽ tham gia lần nữa”.

Trao tri thức, nhận cải tiến

Nói về những thành công bước đầu của chương trình, cô Huỳnh Thị Mỹ Xuyên- Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Hòa Bình- cho biết, chương trình được cựu học sinh của trường là thành viên của nhóm Go- Books giới thiệu.

Từ đầu năm học 2019- 2020, mỗi buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần có chương trình giới thiệu sách hay, nhờ đó các em học sinh thích đọc sách hơn. “Đặc biệt các em được mua sách với giá giảm 50% bằng hình thức trả một lần hay trả góp”- cô Xuyên nói thêm- “Nhờ chương trình, các em không chỉ thích đọc sách hơn mà còn mạnh dạn hơn”.

Sân khấu sinh động hơn với phần diễn kịch của Phan Thị Mỹ Linh (lớp 12A5).
Sân khấu sinh động hơn với phần diễn kịch của Phan Thị Mỹ Linh (lớp 12A5).

Là cựu học sinh của Trường THCS & THPT Hòa Bình, Nguyễn Thị Mỷ Linh- thành viên nhóm SV Go- Books- hạnh phúc khi được mang sách về với các em học sinh trường mình.

Linh cười thật tươi: “Đây là hoạt động đầu tiên của nhóm, em rất vui vì được mang sách đến các em”. Nhóm Go- Books là nơi tập hợp những SV muốn đem tri thức về nông thôn cho học sinh khó khăn. Nhóm hiện có 8 thành viên là SV đang học ở nhiều ngành khác nhau tại các trường ĐH trên địa bàn TP Cần Thơ, do SV Đinh Thị Kim Thùy (cô sinh viên năm nhất kiếm 2,88 triệu USD cho giáo dục- báo Tuổi trẻ) làm nhóm trưởng.

Nguyễn Thị Hoài Băng- SV ĐH Cần Thơ, một thành viên của nhóm- chia sẻ: “Tôn chỉ mục đích của nhóm chúng em là thông qua giới thiệu sách hay và vận động nguồn sách giảm giá để mang sách đến học sinh khó khăn, giúp các em có thêm tri thức mới, phát huy văn hóa đọc và sáng tạo hơn”.

Vậy là để mang sách đến với học sinh vùng sâu, nhóm Go- Books lên kế hoạch thực hiện dự án, kêu gọi nhà tài trợ và giới thiệu sách cho các em học sinh. “Để giới thiệu tới các em thì bản thân mình phải đọc sách cái đã, vậy là để thực hiện chương trình này 8 thành viên, không chỉ vận chuyển, lưu trữ mà mỗi người đã tự đọc khoảng 20 quyển sách”- Huỳnh Lê Kim Ánh- một thành viên của nhóm nói.

Buổi giao lưu, giới thiệu sách một cách sinh động, tự nhiên giúp cho các em yêu thích sách ngay từ cái nhìn đầu tiên. Từ đó, thầy cô giáo, các bậc phụ huynh cũng có cách tiếp cận, đổi mới, mạnh dạn hơn nữa trong quá trình xây dựng nền tảng văn hóa đọc cho học sinh.

Chị Đoàn Ý Nhật- Đại diện Quỹ NTS giới thiệu: Tháng 6/2008 Quỹ hỗ trợ giáo dục NTS- Kaspersky (Quỹ NTS) được thành lập với mục đích phát triển giáo dục và khuyến học cho học sinh nghèo hiếu học tại Việt Nam. Với mỗi sản phẩm Kaspersky được người dùng mua sử dụng, NTS cam kết sẽ trích 3.000 đ/sản phẩm vào quỹ này.

Quỹ NTS đang triển khai các chương trình tài trợ giáo dục phát triển kỹ năng đạo đức cho học sinh; hỗ trợ kỹ năng sống; hỗ trợ cho giáo viên khó khăn; hỗ trợ cơ sở vật chất cho trường vùng sâu vùng xa.

Bài, ảnh: THÚY HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh