Để "kế hoạch nhỏ" thật sự ý nghĩa lớn...

02:10, 30/10/2019

Ngồi "nhấm" ly cà phê đen ở một quán quen nhỏ, nhìn thấy chị chủ quán đi kiếm từng quyển sổ nhỏ, tờ lịch hay cuốn báo đã cũ nhàu nát gom lại một chỗ. Ngỡ chị dọn để bán ve chai nhưng thực chất, chị đang "gom" cho 2 đứa con. 

Ngồi “nhấm” ly cà phê đen ở một quán quen nhỏ, nhìn thấy chị chủ quán đi kiếm từng quyển sổ nhỏ, tờ lịch hay cuốn báo đã cũ nhàu nát gom lại một chỗ. Ngỡ chị dọn để bán ve chai nhưng thực chất, chị đang “gom” cho 2 đứa con. 

“Nhà trường giao đứa lớn 10kg, đứa nhỏ 5kg giấy báo cũ để thực hiện kế hoạch nhỏ trong trường. Có khi mỗi năm 2 đợt, cũng có khi chỉ 1 đợt mà thôi”- chị nói.

Ngẫm lại một hồi, chúng tôi mới nhận ra đây là một chương trình ở các trường tiểu học hay THCS. Chương trình kế hoạch nhỏ chủ yếu khuyến khích, rèn luyện cho học sinh tính tiết kiệm, bảo vệ môi trường.

Từ kinh phí của chương trình này cũng có thể giúp đỡ các bạn học cùng trang lứa có hoàn cảnh khó khăn. Điều đó là một ý nghĩa lớn đối với môi trường giáo dục, nhất là môi trường giáo dục cần tính nhân văn, văn hóa như hiện nay.

Tuy nhiên, nghe chị chủ quán nói, giáo viên phát động phong trào như thế nào trong trường thì mình không biết, nhưng khi về đến nhà, các con chị luôn trong tâm trạng lo lắng, là phải “gom” cho đủ… chỉ tiêu, nếu không sẽ bị kêu tên trước lớp, hoặc có thể bị trừ điểm một số chỉ tiêu rèn luyện.

Nghe đến đây, chúng tôi thật sự nghĩ rằng, một chương trình rất ý nghĩa được phát động rộng khắp như vậy, sao lại để “tính ép buộc” chen vào- nhất là đối với lứa tuổi này- lứa tuổi mà phần lớn các em chỉ biết nghe và làm theo lời thầy cô giáo…

Chia sẻ câu chuyện với mấy người bạn, ngoài sách báo cũ, các em học sinh còn đi “gom” các loại lon nước giải khát. Nhưng cũng có trường hợp, “các em phải làm mọi cách để có đủ số lượng để nộp- điều đó có nghĩa bao trùm luôn việc- các em sẽ làm không đúng với môn giáo dục đạo đức trên ghế nhà trường”.

Sẽ hay và ý nghĩa biết bao, nếu nhà trường thông báo chương trình kế hoạch nhỏ ngay từ đầu năm với số lượng phù hợp với các em. Rồi quy định thu vào mỗi cuối học kỳ để các em có kế hoạch để dành, tiết kiệm lon nước giải khát, sách báo cũ…

Hoặc bằng một cách tuyên truyền đi sâu vào nhận thức của các em. Và câu chuyện hiện nay, khá nhiều bậc phụ huynh “làm thay” kế hoạch nhỏ cho con em mình đã cho thấy phần nào cách làm chưa hiệu quả của phong trào. “Kế hoạch nhỏ” thật sự ý nghĩa lớn khi nó đi vào nhận thức và tính tự nguyện của các em học sinh.

CÔNG NGÔN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh