Việc kêu gọi cấm sử dụng amiăng trắng trong tấm lợp fibro xi măng đã kéo dài nhiều năm qua tại Việt Nam khiến người sử dụng hoang mang, doanh nghiệp thì chịu tổn hại nặng nề.
Việc kêu gọi cấm sử dụng amiăng trắng trong tấm lợp fibro xi măng đã kéo dài nhiều năm qua tại Việt Nam khiến người sử dụng hoang mang, doanh nghiệp thì chịu tổn hại nặng nề.
Mới đây, trước việc nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có ý kiến không đúng sự thật về amiăng trắng, UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường của Quốc hội đã làm văn bản báo cáo Chủ tịch Quốc hội.
Công văn số 1441 ký ngày 2/8/2019 của Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nêu rõ, từ những nghiên cứu về đặc tính, quy trình sử dụng, chính sách phát triển và ảnh hưởng của amiăng trắng ở Việt Nam và trên thế giới, UB đã có văn bản gửi các cơ quan liên quan về vấn đề này. Tuy nhiên, một số cơ quan, tổ chức, cá nhân liên tục có ý kiến không đúng sự thật, thậm chí công kích cá nhân nên UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường kiến nghị Chủ tịch Quốc hội yêu cầu nghiên cứu để chứng minh có hay không sự nguy hại của amiăng trắng trong việc gây ung thư cho con người lao động và người sử dụng.
Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng muốn làm rõ lý do vì sao phần lớn các nước vẫn sử dụng ami ăng trắng, trong đó có các nước đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ…; cả những nước có công nghệ cao trên thế giới như Mỹ, Nga…; các nước trong khu vực ASEAN.
UB Khoa học, Công nghệ cũng đề nghị chỉ đạo hoạt động của một số tổ chức xã hội, cơ quan truyền thông tuyên truyền về vấn đề một cách khách quan để người dân hiểu đúng bản chất sự việc, tránh tuyên truyền thái quá gây hoang mang dư luận, làm ảnh hưởng đến kinh tế và tình hình xã hội trong lúc đất nước đang cần ổn định để phát triển.
Nghiên cứu khoa học thể hiện điều gì?
Những nghiên cứu đầu tiên về độ bền các loại sợi khi xâm nhập vào cơ thể người được thực hiện bởi các nhà khoa học Thuỵ Sỹ, Đức và Mỹ cho thấy trong khi sợi amiăng trắng ở Canada mất 14 ngày để được đào thải thì sợi amiang nâu và xanh mất tới 466 ngày. Đối với các sợi thay thế như sợi gốm được đào thải trong 60 ngày, sợi aramid mất 90 ngày; sợi xen-lu-lô mất tới 1.000 ngày. Từ đó, các nhà nghiên cứu khẳng định rằng nhân viên nhà máy giấy, gỗ còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn rủi ro ung thư hơn công nhân làm việc tại nhà máy có sử dụng amiăng trắng.
Là quốc gia có kinh nghiệm 130 năm khai thác và sử dụng sợi amiăng trắng, Chính phủ Nga đã triển khai nhiều công trình nghiên cứu khoa học và kết quả cho thấy, các ca bệnh liên quan đến phơi nhiễm amiăng đều do tiếp xúc trong thời gian dài ở những cơ sở sản xuất không đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn lao động tối thiểu, nồng độ bụi gấp hàng ngàn lần so với tiêu chuẩn chung. Những nghiên cứu cũng khẳng định amiăng trắng không ảnh hưởng tới sức khoẻ con người nếu được sử dụng có kiểm soát.
Năm 2014 - 2016, Bệnh viện Xây dựng – Bộ Xây dựng thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Nghiên cứu ảnh hưởng của amiăng trắng đối với sức khỏe người lao động tại các đơn vị sản xuất và người sử dụng tấm lợp amiăng xi măng”. Bệnh viện tiến hành điều tra trên 2.459 công nhân làm việc trực tiếp tại 32 cơ sở sản xuất tấm lợp fibro xi măng đang hoạt động trên toàn quốc và 100 công nhân sản xuất tấm lợp fibro xi măng đã nghỉ hưu có thời gian tiếp xúc trực tiếp với amiăng trắng trên 30 năm. Kết quả nghiên cứu thể hiện, chưa phát hiện trường hợp công nhân nào có tổn thương bụi phổi amiăng và các tổn thương ác tính liên quan đến amiăng trắng như ung thư phổi, ung thư trung biểu mô.
Người tiếp xúc với amiăng trắng nói gì?
Ông Nguyễn Công Lý – Chủ tịch Cty cổ phần Tấm lợp Đồng Nai chia sẻ: “Công nhân chúng tôi làm việc, tiếp xúc trực tiếp với amiăng mấy chục năm qua nhưng không ai bị bệnh ung thư do amiăng. Nhưng giờ những tuyên truyền không có căn cứ khiến nhà máy chúng tôi chỉ hoạt động được 30%, công nhân không có lương, khách hàng sợ không dám mua sử dụng...”
Ông Lê Văn Nghĩa – Tổng Giám đốc Cty cổ phần Vật liệu xây dựng Đông Anh phân tích: “Nếu không có ngưỡng an toàn khi tiếp xúc với amiăng trắng thì đáng ra anh em chúng tôi đã chết từ lâu vì chúng tôi tiếp xúc hàng ngày với vật liệu này. Chúng ta xác định loại vật liệu nào cũng có độc hại, kể cả cát, sỏi, nhưng khi đầu tư vào nâng cao công nghệ sản xuất thì chắc chắn sẽ giảm bớt được rủi ro mắc bệnh”
Lo lắng về nguy cơ mất việc làm, ông Nguyễn Văn Thoại - công nhân nhà máy tấm lợp Tân Thuận Cường có cả vợ và con trai làm việc tại nhà máy chia sẻ rằng trước đây thu nhập của 3 người được gần 20 triệu/tháng thì nay lương mỗi người chưa đầy hai triệu. “Tôi chỉ muốn gắn bó với công ty, được đóng bảo hiểm y tế, hàng tháng hoặc hai tháng đi kiểm tra một lần không thấy có hiện tượng như họ nói thì thì chúng tôi vẫn muốn làm” – ông Toại nói.
Ông Thèn Quốc Sơn (trú tại xã Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang) chia sẻ: “Năm 2002, nhà tôi được tỉnh hỗ trợ tấm fibro xi măng thay cho mái ngói cũ và sử dụng từ đó đến nay. Tôi chọn tấm lợp này vì dễ vận chuyển, xe nhỏ cũng chở được vào bản, tấm bền, nếu có tấm nào hỏng thì chỉ cần thay tấm ấy. Tôi cũng có nghe người ta nói tấm này độc nhưng mình dùng bao nhiêu năm có thấy gì đâu”.
Hơn 60 năm qua các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp fibro xi măng bằng các hành động thiết thực của mình đã tài trợ tấm lợp cho các tỉnh thành mỗi khi có bão lụt, tài trợ mái lợp cho trường học của huyện nghèo trên miền núi. Chủ tịch Hiệp hội tấm lợp Việt Nam Võ Quang Diệm bức xúc: “Những nhà máy đang kinh doanh theo quy định của pháp luật, đóng thuế đầy đủ cho địa phương và tạo công ăn việc làm cho người lao động chúng tôi bỗng nhiên bị gọi là “doanh nghiệp phi nhân bản”. Vậy những tổ chức, con người bất chấp các bằng chứng khoa học, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, vận động cấm amiang trắng, khiến người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm, khiến doanh nghiệp lao đao, bao nhiêu người mất việc thì có nhân bản?”. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin