Kỳ 2: Mát lành vườn ổi sạch cô Điệp

02:10, 22/10/2019

Đến cù lao phường Tân Lộc (quận Thốt Nốt- TP Cần Thơ) hỏi thăm vườn ổi cô Hồng Điệp thì hầu như ai cũng biết bởi vườn ổi cô Điệp không chỉ ngon ngọt mà còn được công nhận là mô hình ổi sạch, "có bao nhiêu bán hết sạch bấy nhiêu". 

Đến cù lao phường Tân Lộc (quận Thốt Nốt- TP Cần Thơ) hỏi thăm vườn ổi cô Hồng Điệp thì hầu như ai cũng biết bởi vườn ổi cô Điệp không chỉ ngon ngọt mà còn được công nhận là mô hình ổi sạch, “có bao nhiêu bán hết sạch bấy nhiêu”.

Vườn ổi cho du khách tham quan ăn “bao bụng” và trong không gian vườn tượt mát lành, sông nước hữu tình, nhấm nháp ly ổi lên men, ăn những món ngon từ ổi trong vườn…

Cô Lê Hồng Điệp và con dâu bên vườn ổi cho trái tự nhiên quanh năm.
Cô Lê Hồng Điệp và con dâu bên vườn ổi cho trái tự nhiên quanh năm.

Trồng ổi hướng đến chất lượng

Trong cái nắng 37 độ, chúng tôi vượt sông đến cù lao Tân Lộc (còn gọi là cù lao Tam Tỉnh)- điểm tiếp giáp giữa 3 tỉnh Cần Thơ, Đồng Tháp và An Giang, để tận hưởng không khí miệt vườn mát lành khi băng qua những ngôi nhà cổ, những “vườn mận trùm mền”.

Vườn ổi của cô Lê Hồng Điệp nằm giữa vườn cây trái bạt ngàn xứ cù lao nhưng lại có nét riêng và trở thành “đặc sản” của phường, quận mỗi khi có khách phương xa.

Cô Chín Điệp (Lê Hồng Điệp) có vườn ổi rộng 4.000m2 trồng 600 gốc ổi lê cho trái tự nhiên quanh năm, là một điểm đến ưa thích trên cù lao Tân Lộc. Cô Điệp cười thật tươi, tay còn cầm trái ổi tươi rói, trắng bóng nõn nà: “Ổi vườn tôi bao 10 trái ăn ngon lành 10 trái”.

Bí quyết của gia đình cô Điệp là lau bóng từng trái ổi non, dùng bàn chải đánh răng chà bóng từng trái cho vào túi lưới cẩn thận. Làm vậy trái ổi vừa đẹp vừa hạn chế tối đa mầm bệnh mang theo trái đến lớn, tuyệt đối không sử dụng phân thuốc.

“Làm vậy tuy cực nhưng gia đình tôi cùng nhau làm, làm từ từ từng ngày một, chủ yếu là hướng đến chất lượng và nét độc đáo riêng của mình”- cô Điệp chia sẻ.

Cắn thử một miếng ổi xốp giòn, hương thơm dịu nhẹ…, ăn xong rồi mà vẫn thấy ngọt ở đầu môi. Vừa sạch, vừa ngon nên ổi lê nhà cô Điệp trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều người xung quanh khi mua ăn, biếu tặng, du khách đến một lần cũng muốn đến lần hai.

Vừa dẫn nhóm bạn đến tham quan, ăn uống tại vườn ổi nhà cô Điệp về, chị Nguyễn Thị Ngọc Linh- nhân viên kinh doanh ở TP Cần Thơ- cho biết: “Nhóm bạn tôi ai cũng thích vì vườn mát mẻ, cảnh đẹp, món ăn cây nhà lá vườn cực ngon. Ổi rất thơm ngọt, ra về cả nhóm mua gần 50kg”.

Để nhà vườn hiểu được và làm như trường hợp cô Chín Điệp là không nhiều. Đó là cả một quá trình đòi hỏi nông dân phải mạnh dạn thay đổi, sáng tạo và chấp nhận thử thách khi thực hiện cái mới.

Thông thường có 600 gốc ổi thì thu hoạch mỗi năm khoảng 6 tấn và phải phụ thuộc vào thương lái, giá hiện tại khoảng 6.000 đ/kg. Nhưng khi thay đổi tư duy, bắt tay vào làm du lịch và thực hiện quy trình ổi sạch thì không chỉ giảm giá thành mà còn tăng giá ổi lên 10.000 đ/kg, lợi nhuận tăng hơn 40%.

Ngoài ra, vườn ổi cô Điệp còn đáp ứng nhu cầu thích chụp ảnh của du khách, cô Điệp còn tạo không gian đẹp cho khách tiện “check in” vài tấm với con đường vào nhà hai bên hun hút hoa màu tím, giàn bầu lủng lẳng trước nhà, giàn mướp ra hoa sau vườn, không gian vườn mát lành.

Những ý tưởng từ trái ổi

Cô Chín Điệp là một trong những người trồng giống ổi lê sớm nhất cù lao, ổi vẫn sai trái nhưng cứ băn khoăn khi được mùa là mất giá. Trước đây, cô Chín Điệp cũng chưa từng có suy nghĩ làm du lịch cho đến khi TP Cần Thơ tổ chức đều đặn lễ hội trái cây trên xứ cù lao này vào mỗi mùng 5/5 âm lịch.

Cô Điệp cho biết: “Phường tôi có 12 nhà cổ nên phường động viên mọi người cố gắng phát triển du lịch sinh thái. Nhà tôi lại gần nhà cổ nữa nên rất tiện đường”.

Nghĩ là làm, cô Điệp đăng ký tham gia các lớp tập huấn về khởi nghiệp, kỹ thuật làm nông nghiệp sạch đến phát triển du lịch sinh thái miệt vườn rồi về cùng gia đình bắt tay thực hiện. Sự khác biệt của cô Điệp là làm được quy trình ổi sạch và phát triển thêm những món ăn ngon từ ổi với tay nghề khéo léo của chủ vườn.

Chị Ngô Thị Huệ- con dâu cô Điệp- cùng mẹ chồng chế biến thêm nhiều món ăn ngon, lạ. Khai vị ăn chơi với ổi chín chiên giòn có màu đẹp, vị béo, với chút hương ổi vương trên đầu lưỡi.

Những món ngon vườn nhà cô Điệp.
Những món ngon vườn nhà cô Điệp.

Món gỏi ổi với ổi giòn xắt miếng, trộn với tôm khô, khô mực xé, hành tím phi thơm, nước mắm chua ngọt, rắc thêm lá chúc xắt nhuyễn kết hợp với ly nước ổi lên men thơm dịu dàng hỗ trợ tiêu hóa phù hợp nhâm nhi trong những bữa ăn trưa.

Ngoài ra, cô Điệp còn phục vụ nhiều món ngon khác, đặc biệt là món bánh xèo, bánh khọt rất ngon, từng đạt giải ẩm thực của huyện. Khách vượt đường xa tới đây cốt để tìm không gian thoải mái, thức ăn ngon lành. Hiện tại cô Điệp đang nghiên cứu làm nước ép ổi đóng chai an toàn cho du khách.

Nhờ có nhiều mương vườn xen những liếp ổi nên vườn nhà cô Điệp còn có dịch vụ tát mương bắt cá. Khác với những mương vườn cho khách bắt cá nuôi và để nước cạn xìu cho dễ tát. Khi khách đặt tát ao, cô Điệp mua cá tạp đủ loại thả vào chuẩn bị trước ít bữa cho cá tỉnh, mương nước bình thường. “Phải làm y như mình bắt cá mương ở nhà thì mới tự nhiên và khách mới vui”- cô Điệp cười.

Khách tham quan và thưởng thức ổi sạch.
Khách tham quan và thưởng thức ổi sạch.

Nghe cách nói chuyện lưu loát của cô Điệp: “Làm du lịch phải vệ sinh, sạch nhà sạch bếp, trái cây phải an toàn. Phục vụ khách ân cần, chu đáo, không “chặt chém” trong mọi trường hợp”, chúng tôi cứ ngỡ cô từng tốt nghiệp một trường ĐH chuyên ngành du lịch. Cô Điệp cười: “Tôi được tham gia nhiều lớp tập huấn lớn nhỏ, nên giờ rành mấy vụ này lắm”.

Trong gian nhà lá thoáng mát có hương thơm ổi chín quyện với mùi thơm lá dứa được trồng xung quanh, vừa đu đưa trên chiếc võng trưa hè vừa ăn ổi chấm muối ớt thật mát tận cõi lòng. Cô Điệp nói: “Mình không đầu tư xây dựng gì nhiều, chỉ để không gian vườn tự nhiên, tạo cho khách nét bình dị, chân quê vốn có và phục vụ theo nhu cầu của khách”.

Chị Nguyễn Thị Huệ- Chủ tịch Hội LHPN phường Tân Lộc (quận Thốt Nốt) cho biết, chị Hồng Điệp là gương phụ nữ tiêu biểu của quận được tuyên dương. Trước đây, gia đình chị thuộc hộ nghèo, 4 công đất vườn chỉ trồng vườn tạp, nhờ vay vốn hội phụ nữ 30 triệu chị chuyển sang làm vườn ổi du lịch cộng đồng. Chị rất có ý chí làm ăn, chịu khó học hỏi các lớp nấu ăn, hướng dẫn làm du lịch… Nhờ vậy mà chị thoát nghèo và vươn lên như hiện nay.

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: HẢI YẾN- CAO HUYỀN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh