Bước tiếp những chặng đường triển vọng

02:10, 23/10/2019

Thời chiến, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân xã Nguyễn Văn Thảnh (Bình Tân) đã đoàn kết một lòng "vừa chiến đấu vừa sản xuất" để có cuộc sống ấm no và được sống trong hòa bình.

Thời chiến, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân xã Nguyễn Văn Thảnh (Bình Tân) đã đoàn kết một lòng “vừa chiến đấu vừa sản xuất” để có cuộc sống ấm no và được sống trong hòa bình.

Với sự chung tay của người dân mà bộ mặt nông thôn xã Nguyễn Văn Thảnh đang có nhiều chuyển biến tích cực.
Với sự chung tay của người dân mà bộ mặt nông thôn xã Nguyễn Văn Thảnh đang có nhiều chuyển biến tích cực.

Thực hiện theo Di chúc của Bác Hồ: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”- xã Nguyễn Văn Thảnh đang bước tiếp những chặng đường với nhiều triển vọng trong xây dựng nông thôn mới.

Thắng giặc ngoại xâm, cơ cấu lại sản xuất

Trong chiến tranh, xã Mỹ Thuận (huyện Bình Minh trước đây), ngày nay thuộc xã Nguyễn Văn Thảnh (Bình Tân) là một xã rộng với dân số đông, có vị trí chiến lược quan trọng, là căn cứ của Tỉnh ủy Vĩnh Long. Đối với địch, đây là vành đai Vùng IV chiến thuật. Lúc đó, xã hình thành 2 vùng rõ rệt, vừa là vùng giải phóng, vừa là vùng kềm với 2 vị trí khác nhau.

Trước tình hình đó, xã Mỹ Thuận được chia tách thành xã Mỹ Thuận B- là vùng kềm- và xã Mỹ Thuận A- vùng giải phóng- là nơi đứng chân của Tỉnh ủy Vĩnh Long, Huyện ủy Bình Minh, các ban ngành đoàn thể tỉnh, huyện nên địch tập trung đánh phá, quyết tiêu diệt cơ quan đầu não của ta, bom pháo đạn dược hàng ngày hàng giờ trút xuống vùng này.

Song, nhờ kiên định với Di chúc của Bác “dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi” mà qua các trận đánh, quân và dân xã đều chiến thắng.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, hậu quả chiến tranh để lại khá nặng nề, cuộc sống người dân vô cùng khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Đất ruộng chỉ làm 1 vụ lúa mùa với năng suất rất thấp; đất vườn thì toàn cây tạp…

Năm 1985, xã Nguyễn Văn Thảnh được tách ra từ xã Mỹ Thuận của huyện Bình Minh (nay thuộc huyện Bình Tân). Đây là vùng kháng chiến cũ, nhân dân có truyền thống cách mạng, đời sống vẫn chủ yếu dựa vào nông nghiệp và cây lúa vẫn là cây chủ lực.

“Thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xã đã vận động nhân dân chủ động trong sản xuất, thực hiện luân canh, đưa cây màu xuống ruộng, cải tạo vườn tạp… để từng bước nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống”- Phó Bí thư Đảng ủy xã- Nguyễn Ngọc Tuân cho biết.

Đến nay, vườn chuyên canh toàn xã là 61ha, vườn kết hợp nuôi gia súc 17,9ha, màu chuyên canh 46ha. Bên cạnh, xã còn phát triển nhiều mô hình kinh tế khá hiệu quả như nuôi ếch thâm canh, nuôi trăn, trồng mãng cầu, vú sữa, thanh long và trồng dưa hấu trên đất ruộng…

Chung tay xây dựng làng quê

Xã Nguyễn Văn Thảnh cũng đang định hướng cho nông dân phát triển mô hình trồng đậu nành rau theo quy trình sử dụng phân hữu cơ tại các ấp Hòa Bình, Hòa An, Hòa Thuận với bước đầu đem lại lợi nhuận cao.

Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã- Nguyễn Ngọc Tuân, mô hình trồng đậu nành rau được triển khai từ vụ Đông Xuân 2019, bước đầu chỉ có 5 hộ ký hợp đồng xuống giống gần 5ha, đến nay đã có 11 hộ tham gia với 11,5ha.

Hiện, địa phương đang khuyến khích nông dân chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng đậu nành rau, song sẽ không chuyển đổi ồ ạt mà chuyển đổi từ từ với lịch xuống giống và thu hoạch theo định hướng của địa phương để tránh tình trạng thiếu hụt nhân công lao động khi vào vụ.

Hôm chúng tôi đến, ông Nguyễn Văn Tư (ấp Hòa Thạnh) khuân các bao đậu nành rau lên xe tải đem đi bán. Theo ông Tư: “Tuy mới trồng vụ đầu tiên nhưng khá trúng, được 1,2 tấn/công”. Hiện, giá bình quân 10.500 đ/kg, sau khi kiểm hàng, công ty sẽ coi đẹp- xấu mà tính thưởng thêm hoặc bớt giá.

Những năm qua, được địa phương vận động về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông Tư đã chuyển từ lúa sang trồng khoai lang, hành, mồng tơi… và gần đây là cây đậu nành rau tiếp tục bén rễ trên 15 công đất với đầu ra khá ổn định. Ông Tư cho biết: Trồng đậu nành rau khoảng 63 ngày là thu hoạch, được cái là không lo đầu ra chỉ cần mình chăm chút thì cây sẽ cho năng suất cao.

Nhờ làm ăn khấm khá, có của ăn của để mà ông Tư có điều kiện góp công, góp của xây dựng làng quê.

“Chờ Nhà nước nạo vét xong kinh Xã Liễu thuộc chương trình chống hạn mặn, tui sẽ rủ mấy hộ lân cận hùn tiền làm đường đi ra đồng cho thuận tiện”- ông Tư nói và làm bài toán nhẩm- “Tuyến đường bờ đê dài khoảng 2,5km. Tui dự tính sẽ vận động theo đầu công 100.000 đ/người (trồng lúa), 200.000 đ/người (trồng màu)”.

Theo ông Nguyễn Văn Thép- Phó Chủ tịch UBND xã, thời gian qua, nhờ thu nhập người dân được nâng cao nên nhân dân rất tích cực cùng Nhà nước tham gia xây dựng nông thôn mới, nhất là trong hiến đất, góp công, góp của xây đường giao thông nông thôn.

Đời sống người dân xã Nguyễn Văn Thảnh đang ngày càng khấm khá nhờ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Đời sống người dân xã Nguyễn Văn Thảnh đang ngày càng khấm khá nhờ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Sau khi công trình hoàn thành, mọi người tiếp tục trồng hoa làm đẹp cảnh quan, xây cột cờ kết hợp đèn thắp sáng. Hiện, toàn xã có khoảng 18.000m đường có đèn chiếu sáng. Đến nay đã giáp được 4 ấp, các ấp còn lại cũng làm được ở các tuyến đường chính. Mức vận động đóng góp bình quân 500.000 đ/hộ và người dân đồng tình rất cao.

Trước đây, Nhà nước phải vận động nhân dân làm hàng rào trước nhà nhưng giờ thì mọi người đã tự làm và làm rất sôi nổi. Không những vậy, nhiều hộ còn tích cực trồng hoa trước cổng hay dọc theo các tuyến đường giúp bộ mặt nông thôn thay đổi hẳn, đẹp hơn, sáng hơn.

 Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh