Ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long

12:09, 02/09/2019

Theo nhận định của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, do thiếu hụt lượng mưa và dòng chảy ở thượng nguồn sông Mê Công nên đỉnh lũ năm 2019 ở Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng sẽ ở mức thấp (báo động 1), thời gian xuất hiện mực nước đỉnh lũ khả năng xảy ra vào cuối tháng 9 đầu tháng 10.

Theo nhận định của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, do thiếu hụt lượng mưa và dòng chảy ở thượng nguồn sông Mê Công nên đỉnh lũ năm 2019 ở Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng sẽ ở mức thấp (báo động 1), thời gian xuất hiện mực nước đỉnh lũ khả năng xảy ra vào cuối tháng 9 đầu tháng 10.

Cụ thể là đỉnh lũ năm 2019 trên sông Cửu Long (tại trạm Tân Châu và Châu Đốc) ở mức thấp, tổng lượng dòng chảy thượng nguồn sông Mê Công về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm. Đặc biệt sau tháng 9/2019, lượng mưa sẽ giảm nhanh dẫn đến dòng chảy cũng suy giảm nhanh. Do đó, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều.

 

Các cống ngăn mặn được vận hành khi độ mặn từ 1,5‰ trở lên. Ảnh: Hồng Thái/ TTXVN
Các cống ngăn mặn được vận hành khi độ mặn từ 1,5‰ trở lên. Ảnh: Hồng Thái/ TTXVN

Nguy cơ gia tăng hạn hán và xâm nhập mặn

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Hoàng Đức Cường cho biết, trên lưu vực sông Mê Công mực nước thượng lưu sông đang ở mức rất thấp, nhiều trạm xuống thấp nhất lịch sử, dự báo đỉnh lũ năm 2019 ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức thấp, nguy cơ cao xảy ra tình trạng hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019-2020. Trong đó vùng cửa sông Nam Bộ có nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019 - 2020, đặc biệt, tình trạng xâm nhập mặn có thể diễn ra rất sớm từ những tháng đầu năm 2020. Bởi vậy, các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và khu vực Nam Bộ nói chung cần sớm có các biện pháp chủ động phòng, chống.

Ông Cường cảnh báo: Tuy lũ đang ở mức thấp nhưng hiện nay đã và đang xuất hiện các trận bão và áp thấp nhiệt đới tác động trực tiếp gây mưa lớn trên lưu vực hạ lưu sông Mê Công. Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng thủy điện thượng nguồn có thể xả lũ bất chợt do mưa to cục bộ. Vì vậy, các địa phương phải theo dõi chặt chẽ các thông tin dự báo để chuẩn bị các giải pháp, nhân lực, vật lực kịp thời ứng phó khi lũ lên bất ngờ.

Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, trong tháng 7 tổng lượng dòng chảy về đầu nguồn sông Cửu Long tăng dần nhưng vẫn thấp hơn trung bình nhiều năm. Đến ngày 29/7, mực nước lớn nhất tại trạm Tân Châu 0,96m thấp hơn 1,46m so với trung bình nhiều năm là 2,42m, tại Châu Đốc 1,03m thấp hơn 0,97m so với trung bình nhiều năm là 2m. Những ngày đầu tháng 8, do ảnh hưởng của bão số 3 nên khu vực Thượng Lào có mưa lớn, bổ sung nước cho lưu vực hạ lưu sông Mê Công. Đến ngày 3/8, mực nước lớn nhất Tân Châu và Châu Đốc đã vượt 1,5m.

Số liệu quan trắc của Ủy hội sông Mê Công quốc tế cũng cho thấy, lượng mưa từ đầu mùa mưa 2019 đến nay tại các trạm trên dòng chính sông Mê Công hầu hết đều thấp, nên mực nước tại tất cả các trạm trên dòng chính đến ngày 1/8 cũng thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm. Tháng 8 và sang tháng 9, lượng mưa dự báo tăng đôi chút nhưng do mực nước Biển Hồ và nội đồng Đồng bằng sông Cửu Long đang thấp nên mực nước lũ dự báo nhiều khả năng cải thiện không đáng kể.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc cho biết, trong tháng 8 vừa qua tổng lượng mưa khu vực này phổ biến từ 150 - 250mm, có nơi cao hơn. Tổng lượng dòng chảy về đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục tăng và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 28 - 31%. Mực nước sông Cửu Long lên dần và đạt mức cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu 2,5m, trên sông Hậu tại Châu Đốc 2,2m. Mực nước lớn trên 1,5m chỉ tập trung ở các huyện đầu nguồn như huyện An Phú, thị xã Tân Châu và huyện Phú Tân của tỉnh An Giang; huyện Hồng Ngự, thị xã Hồng Ngự và huyện Tân Hồng của tỉnh Đồng Tháp. Vùng nội đồng, ven biển có mực nước cao ở ven sông chính, cửa sông, cửa biển và thấp dần vào phía trong.

Triển khai sớm các giải pháp ứng phó

Trước nguy cơ hạn hán, thiếu nước ở Đồng bằng sông Cửu Long vào mùa khô năm 2019-2020, ngay từ đầu tháng 8, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị chức năng của Bộ bàn thảo về hiện trạng, giải pháp ứng phó trước mắt, lâu dài về hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ trưởng Lê Công Thành yêu cầu: Để phục vụ tốt việc phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, hạn chế thiệt hạị, trước mắt Tổng cục Khí tượng Thủy văn tiếp tục tăng cường quan trắc dòng chảy, quan trắc mặn nhằm bổ sung các số liệu dòng chảy, số liệu mặn làm cơ sở cho việc dự báo, cảnh báo hạn hán và xâm nhập mặn tại các tỉnh, thành phố ven biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình hạn hán, xâm nhập mặn để ban hành bản tin dự báo, cảnh báo kịp thời phục vụ các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, điều hành, sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện nguồn nước và triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Tổng cục cần đổi mới, nâng cao chất lượng, hình thức, chi tiết hóa và cải tiến bản tin tập trung vào dự báo, cảnh báo tác động thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn đến các ngành nghề như nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt...

Bên cạnh đó, Tổng cục Khí tượng Thủy văn và các đơn vị chức năng của Bộ phối hợp với Ủy ban sông Mê Công theo dõi chặt chẽ tình hình xả nước từ các hồ chứa ở thượng lưu sông Mê Công; đàm phán với các nước thượng nguồn sông Mê Công trong phương thức sử dụng nước, đặc biệt chú trọng việc xây dựng hồ đập, đập thủy điện.

Liên quan đến hồ chứa trên địa bàn Đồng bằng sông Cửu Long, phải tiến hành kiểm kể, đánh giá nguồn nước trữ tại các hồ chứa nước, công trình thủy lợi, tính toán cân bằng nước làm cơ sở để kịp thời điều chỉnh, bổ sung phương án sử dụng nước, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn. Chỉ đạo vận hành các hồ chứa thủy điện theo quy định tại quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông, ưu tiên sử dụng nước phục vụ dân sinh, sản xuất nông nghiệp trong trường hợp hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn.

Về những giải pháp lâu dài ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đề xuất bổ sung thêm mạng lưới trạm quan trắc dòng chảy và quan trắc mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt ưu tiên lắp đặt các thiết bị tự động để có số liệu quan trắc kịp thời, đầy đủ. Tập trung phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn theo Chương trình 705; thực hiện nội dung Xây dựng hệ thống giám sát nguồn nước dự báo, cảnh báo hạn hán và xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tổng cục đề nghị sớm nghiên cứu, áp dụng các thành tựu khoa học vào công tác dự báo, cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn. Nhất là tăng cường nghiên cứu những vấn đề quy mô lớn, quy mô toàn cầu có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến diễn biến thời tiết và khí hậu Việt Nam. Nghiên cứu xây dựng hệ thống phân tích, dự báo, cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long; ứng dụng sản phẩm viễn thám giám sát hạn hán, giám sát hoạt động của các hồ chứa xuyên biên giới. Phối hợp với các địa phương điều tra, khảo sát, đo đạc và tập hợp thống nhất cơ sở dữ liệu về rủi ro hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ dự báo, cảnh báo.

Theo đó, Tổng cục Khí tượng Thủy văn sẽ sớm ban hành quy định về theo dõi, cảnh báo các loại hạn khí tượng, hạn thủy văn, đặc biệt là xâm nhập mặn. Trong các quy định này đề rõ tiêu chí, ngưỡng để chỉ đạo công tác quan trắc, cảnh báo. Từ đó ra các bản tin thông báo, cảnh báo cho các cấp. Đặc biệt, với hạn mặn chú trọng cảnh báo xa, sớm để các cấp, ngành, địa phương và người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đề phòng, ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Theo Văn Hào (TTXVN)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh