Tình cảm của người dân xứ Huế đối với Bác Hồ

01:09, 02/09/2019

Những gì về Bác Hồ và gia đình Người để lại trên mảnh đất Cố đô thực sự là di sản quý báu.

Những gì về Bác Hồ và gia đình Người để lại trên mảnh đất Cố đô thực sự là di sản quý báu.

Vùng đất Thừa Thiên Huế nơi in đậm những năm tháng thuở thiếu thời Bác Hồ cùng gia đình sinh sống, lao động, học tập và tham gia hoạt động yêu nước. Những gì về Bác Hồ và gia đình Người để lại trên mảnh đất Cố đô thực sự là di sản quý báu.

 Người dân trao tặng hiện vật cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Người dân trao tặng hiện vật cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Nữ anh hùng lực lượng vũ trang Kăn Lịch- dân tộc Pa Cô đã ngoài 80 tuổi, cho biết, bà vinh dự được 7 lần gặp Bác Hồ. Bà Kăn Lịch nhớ lại: năm 1967, Bộ Tư lệnh chiến trường quyết định chuyển bà ra miền Bắc để chữa bệnh. Trong thời gian điều trị, nghỉ dưỡng tại Hà Nội, bà được Bác Hồ đến thăm hỏi động viên. Nhiều lần bà được đón đến thăm Bác tại Phủ Chủ tịch.

Ngày 10/8/1968, bà Kăn Lịch vào thăm Bác và xin được trở về quê hương để chiến đấu. Bác đã dặn dò, động viên, tặng cho bà chiếc radio mà Bác vẫn dùng hàng ngày để nghe tin tức. Nữ anh hùng Kăn Lịch nhớ như in từng lời Bác Hồ căn dặn, là phải dùng chiếc đài để tuyên truyền vận động bà con, đồng bào, đồng lòng, tin tưởng vào Đảng, ra sức đóng góp sức người, sức của cho cách mạng và hăng hái chiến đấu giải phóng, bảo vệ quê hương

"Nếu mà không có Bác Hồ thì dân tộc Pa Cô không có như ngày hôm nay. Bây giờ ai cũng lấy họ Hồ, con cháu cũng lấy họ Bác. Thường thường bàn thờ là thờ Bác, ngày sinh nhật Bác, ngày lễ ngày Tết đều thắp hương cho Bác. Ai cũng nói lại cho con cháu phấn đấu học tập tấm gương đạo đức của Bác."

Khi Bác mất, năm 1969, để nhớ ơn Bác, đồng bào Pa Kô, Tà Ôi, Vân Kiều… ở huyện A Lưới đồng loạt lập bàn thờ để tang Bác. Bà con tự nguyện lấy họ Hồ làm họ chung cho cộng đồng người dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn phía Tây Thừa Thiên Huế.

Ông Lê Anh Miêng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện A Lưới cho biết: Từ xa xưa, đồng bào ở huyện A Lưới sống giữa rừng nên cuộc sống rất khó khăn. Từ khi có Đảng, bà con một lòng một dạ theo Đảng, theo Bác Hồ đánh đuổi quân xâm lược xây dựng quê hương. Thấm sâu lời Bác dạy, người già, người trẻ ở A Lưới đoàn kết, phấn đấu học tập, lao động xây dựng cuộc sống ấm no.

Đến nay ở vùng cao A Lưới có 12.000 người vinh dự mang họ Hồ của Bác: "Khi Bác Hồ qua đời, đồng bào các dân tộc ở đây khi làm lễ tang đều khóc và thương tiếc. Đồng bào tự nguyện xin mang họ Hồ. Đến nay hầu hết bà con đồng bào các dân tộc ở Thừa Thiên Huế mang họ Hồ là phổ biến."

Trong hai cuộc kháng chiến khốc liệt, những tư liệu, hình ảnh và kỷ vật của Bác Hồ tặng, là niềm tin, nguồn cổ vũ, động viên tinh thần to lớn để người dân vượt qua mọi hy sinh và gian khổ. Việc gìn giữ, nâng niu từng kỷ vật về Bác là tình cảm chân thành của lòng dân hướng về Người. Những kỉ vật dù nhỏ như bức chân dung Bác Hồ bằng vải thêu của cựu chiến binh Nguyễn Lô, 81 tuổi, ở phường An Hòa, thành phố Huế, được cất giữ cẩn thận hơn 56 năm. Đối với ông Lô, nhìn ảnh như thấy Người!

Hay ông Nguyễn Lương Hốt, ở phường Thuận Thành, thành phố Huế, hàng chục năm nay nâng niu bộ sưu tập gần 1 vạn con tem về Bác. Ông Hốt bộc bạch, đó là thể hiện sự kính trọng Bác: "Về tất cả công việc của Bác, sống, chiến đấu, lao động và học tập của Bác đều là bài học quý giá không những đối với cả dân tộc mà đối với nhân loại. Cũng do lòng mình kính phục Bác, yêu mến Bác mà trở thành mà sưu tập đầy đủ tem về Bác."

Đến nay, rất nhiều hiệu vật quý liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Bác đã được người dân trao tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh, tỉnh Thừa Thiên Huế. Hiện vật, tư liệu như một minh chứng cho tình cảm, tấm lòng của các thế hệ người dân xứ Huế.

Trao tặng hiện vật về Bác cho Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trao tặng hiện vật về Bác cho Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bà Lê Thùy Chi, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Bảo tàng đã sưu tầm, tiếp nhận và lưu giữ hơn 15.000 tư liệu, hiện vật quý của các tổ chức và cá nhân ở trong và ngoài nước phục vụ trưng bày, góp phần tuyên truyền, giáo dục về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

"Bảo tàng Hồ Chí Minh thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động để phát huy giá trị các hiện vật, tư liệu... bằng nhiều hoạt động như: trưng bày, triển lãm chuyên đề tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Tổ chức các hoạt động khám phá tại các di tích để thu hút sự tìm hiểu của học sinh, sinh viên, nhân dân, đặc biệt là du khách đến với Huế.", bà Thùy Chi chia sẻ.

Năm tháng qua đi, hình ảnh Bác vẫn vẹn nguyên trong trái tim của người dân Huế. Mỗi tư liệu, hiện vật về Bác Hồ kính yêu là minh chứng sống động về cuộc đời, sự nghiệp của Người. Trên hết, chứa đựng biết bao tình cảm như Bác vẫn luôn hiện hữu, gần gũi, thân thương./.

Theo VOV

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh