Nhà nổi được bà con "vùng rốn lũ" Quảng Bình lắp đặt khá kiên cố, bên dưới nhà được đỡ bằng hàng chục thùng phi rỗng, sàn nhà, cột kèo được làm bằng gỗ và lợp tôn.
Nhà nổi được bà con “vùng rốn lũ” Quảng Bình lắp đặt khá kiên cố, bên dưới nhà được đỡ bằng hàng chục thùng phi rỗng, sàn nhà, cột kèo được làm bằng gỗ và lợp tôn.
Căn nhà phao tránh lũ đã hoàn thiện. (Nguồn ảnh: Nhà chống lũ) |
Những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của bão số 4 và áp tháp nhiệt đới, mưa lớn kéo dài đã khiến nhiều nơi ở “vùng tâm lũ” xã Tân Hoá, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình ngập trong biển nước. Tuy nhiên, nhờ những ngôi nhà phao - nhà nổi tránh lũ, người dân nơi đây đã chủ động đối phó với nước lũ dâng cao, bảo đảm an toàn cho tính mạng và tài sản của mình.
Nhà nổi sáng tạo cho vùng “tâm lũ”
Xã Tân Hoá, huyện Minh Hóa được ví như một "túi đựng nước khổng lồ" của tỉnh Quảng Bình, do địa hình trũng thấp. Mọi nguồn nước từ các xã xung quanh như Thượng Hoá, Trung Hoá, Xuân Hoá và cả thị trấn Quy Đạt đổ về đều tập trung tại khu vực xã Tân Hóa.
Mặc dù lượng nước chảy về nhiều nhưng lối thoát duy nhất là hang Tú Làn. Vậy nên, mỗi khi trời mưa lớn kéo dài, nước lũ nhanh chóng dâng cao và hung hãn chảy qua Tân Hóa, gây ra thiệt hại nặng nề về con người và tài sản. Trong đợt mưa lũ vừa qua, nước lũ đột ngột đổ về, người dân xã Tân Hóa đã nhanh chóng chuyển những tài sản sang ngôi nhà nổi sinh sống.
Trong một thời gian ngắn, nước lũ chia cắt địa phương với thế giới bên ngoài, những ngôi nhà chính nước ngập đến nóc, nước lũ ngập sâu khoảng 4 mét, nhiều nơi lên đến 10 mét.
Giữa mênh mông dòng nước, xã Tân Hóa gần như mất liên lạc với thế giới bên ngoài. Mọi tiếp tế gần như bị cắt đứt vì nước chảy mạnh, khó tiếp cận được những khu vực xa trung tâm. Thời điểm này, những ngôi nhà nổi đã trở thành chiếc phao "chở che" cho hàng trăm người dân ở đây.
Khi nước lũ dâng cao đến đâu, nhà phao nổi đến đó. Nước rút, nhà xuống theo. Hết mưa lũ, nhà phao sẽ được người dân sử dụng vào những việc khác như làm nhà kho hoặc nơi dự trữ lương thực.
Theo thông tin từ Quỹ Hỗ trợ phát triển cộng đồng sống bền vững, từ một vài căn nhà phao đơn sơ chỉ dùng cho gia súc được đưa vào sử dụng trong năm 2014, đến nay, toàn xã Tân Hóa đã có 400 căn nhà phao tránh lũ nổi lên giữa biển nước mênh mông. Trong đợt lũ vừa qua, tất cả nhà phao đều phát huy tác dụng tối đa giúp bà con được an toàn.
Nhà phao là sáng kiến được tạo ra bởi dự án Nhà chống lũ, thuộc Quỹ Sống (quỹ xã hội hoạt động phi lợi nhuận, nhằm mục đích hỗ trợ xây dựng các cộng đồng hạnh phúc, cuộc sống hài hoá, bền vững giữa con người, thiên nhiên và văn hoá bản địa).
Đây là một dự án phát triển cộng đồng được khởi xướng từ năm 2013, với mục đích xây nhà an toàn và phát triển sinh kế bền vững cho người dân nghèo ở các vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu.
Nhà phao được cải tiến qua các năm. (Ảnh: Nhà chống lũ) |
Mô hình cần nhân rộng
Để thúc đẩy được sự chủ động của người dân, dự án Nhà chống lũ đã thực hiện bằng nhiều cách trong suốt quá trình triển khai, cụ thể như: Khảo sát, thu thập ý kiến từ người dân về hiện trạng, nhu cầu và các giải pháp đề xuất; tổ chức các buổi họp dân để công khai tiêu chí chọn hộ hỗ trợ, cộng đồng sẽ dựa vào tiêu chí của dự án để bầu chọn hộ phù hợp.
Cộng đồng được dự án tập huấn về các kỹ thuật làm nhà phao để có thể cùng triển khai; người nhận hỗ trợ phải đối ứng, tức tự lo xây dựng một phần để căn nhà của mình. Mức đối ứng tùy theo mỗi đợt triển khai; người dân và thợ địa phương tự triển khai xây nhà dưới sự hướng dẫn và giám sát của kiến trúc sư Nhà chống lũ.
Không chỉ thúc đẩy sự tham gia của người hưởng lợi, Nhà chống lũ còn kêu gọi sự chung tay đóng góp từ các bên như: Chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ giám sát, đốc thúc trong quá trình triển khai dự án; chuyên gia, kiến trúc sư giúp thiết kế căn nhà ngày một tối ưu và an toàn; các tình nguyện viên, cá nhân và doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình gây quỹ, tài trợ cho dự án.
Không chỉ nhà phao Tân Hóa, sau 6 năm năm hoạt động tại nhiều địa phương, Nhà chống lũ đã thiết kế 11 mô hình nhà an toàn thích ứng với nhiều bối cảnh thiên tai tại 11 vùng dự án.
Tầm nhìn đến năm 2020, dự án xây dựng các mô hình nhà an toàn và phát triển sinh kế bền vững cho tất cả các vùng chịu thiên tai, lũ lụt trên toàn đất nước Việt Nam, để các gia đình nghèo chủ động đối phó với các thảm hoạ thiên nhiên và vươn lên trong cuộc sống./.
Một số hình ảnh nhà chống lũ đã được triển khai ở tỉnh Quảng Bình:
Phương pháp chung tay xây nhà phao tránh lũ. (Ảnh: Nhà chống lũ) |
Hệ thống neo 5 điểm của nhà nổi tránh lũ. (Ảnh: Nhà chống lũ) |
Nhà phao giúp người dân xã Tân Hóa tránh lũ an toàn. (Ảnh: Nhà chống lũ) |
Theo Hùng Võ (Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin