Dù đã có hành lang pháp lý để bảo vệ nhưng tình trạng xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em vẫn diễn ra đến mức báo động. Người lớn có tâm lý chủ quan, không đề phòng khiến tỷ lệ trẻ em bị XHTD bởi người thân, người quen, hàng xóm lên tới 93%.
>> Kỳ 1: Tội ác không thể dung thứ!
Những hoạt cảnh tuyên truyền về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em thông qua Diễn đàn trẻ em được chính các em biểu diễn. |
Dù đã có hành lang pháp lý để bảo vệ nhưng tình trạng xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em vẫn diễn ra đến mức báo động. Người lớn có tâm lý chủ quan, không đề phòng khiến tỷ lệ trẻ em bị XHTD bởi người thân, người quen, hàng xóm lên tới 93%.
Vì vậy, nhằm phòng ngừa XHTD một cách hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả có thể xảy ra cho xã hội, rất cần sự chung tay của gia đình, nhà trường, các ngành, đoàn thể các cấp và bản thân trẻ em.
Hãy lên tiếng!
Không ít trường hợp cả thời gian dài các em bị xâm hại mà đối tượng vi phạm cũng không bị tố giác để nghiêm trị theo pháp luật. Như trường hợp cha ruột xâm hại con (khi đó mới 11 tuổi) nhiều lần trong suốt gần 5 năm ở xã Tân An Hội (Mang Thít) lúc vợ đi làm ăn xa.
Khi con lên 15 tuổi, biết được việc làm xấu xa của cha, chống cự thì bị hắn dùng dao đe dọa giết chết “nếu không cho”.
Điều đáng trách, khi con kể cho mẹ nghe chuyện, cầu cứu mẹ thì người mẹ lại khuyên: “Dù gì cũng là cha con, đừng nói ra người ta cười”. Đến khi con gái chịu không nổi, đi cầu cứu chính quyền thì người cha mất nhân tính đó mới bị pháp luật trừng trị mức án tù chung thân.
Đầu năm 2017, em N.K.H. (10 tuổi, xã Mỹ Thuận- Bình Tân) bị người hàng xóm là Huỳnh Thanh Trung dụ xem phim đồi trụy rồi thực hiện hành vi XHTD nhiều lần dẫn đến em có thai gần 5 tuần. Mỗi lần xâm hại, tên Trung thường xuyên đánh đập, dọa nếu cho ai biết sẽ giết chết nên H. im lặng, không dám nói với ai.
Cha mẹ bé H. ly thân nhiều năm, em H. được ông bà ngoại nhận nuôi dưỡng. Song, bà ngoại cũng lên TP Hồ Chí Minh làm thuê, em H. ở nhà với ông ngoại. Do không ruộng đất, hàng ngày ông ngoại cũng thường xuyên vắng nhà đi làm thuê nên sau giờ học em H. phải ở nhà một mình. Vì vậy, dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Dù kẻ xâm hại bị tòa xử án chung thân vì tội “Hiếp dâm trẻ em” nhưng hậu quả mà em H. phải gánh chịu thật nặng nề.
Theo bà Phạm Thị Thanh Tuyền- Chánh Văn phòng Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH), đau lòng nhất có những trẻ em bị XHTD báo với mẹ nhưng mẹ lại không lên tiếng để hỗ trợ bảo vệ con mình mà còn im lặng để con bị xâm hại những lần tiếp theo. Do đó, để bảo vệ trẻ tốt hơn, cần truyền thông để thay đổi nhận thức của những người trực tiếp chăm sóc và bảo vệ trẻ (ba mẹ, người thân, giáo viên).
Việc tuyên truyền những kiến thức, kỹ năng cần thiết để các em được trang bị kiến thức, kỹ năng, giúp các em cảnh giác, phòng ngừa bị kẻ xấu lạm dụng XHTD ở mọi lúc, mọi nơi. Khuyến khích mọi người lên tiếng tố giác khi phát hiện trẻ em bị bạo hành hoặc xâm hại dưới mọi hình thức.
Nếu chúng ta im lặng là chúng ta đồng lõa với kẻ xấu, dung túng cho kẻ xấu có cơ hội tiếp tục phạm tội. Khi chúng ta lên tiếng tố cáo kẻ xấu, tức là đang bảo vệ chính con em mình và những người khác.
Những vụ việc về XHTD trẻ em khi phát hiện ra đều được đưa ra xét xử, xử lý nghiêm, nhiều trường hợp chịu mức án hình sự cao nhất, chứng tỏ cơ quan tố tụng không nương nhẹ với loại tội phạm này.
Song, một số vụ việc vẫn kéo dài, đang trong quá trình điều tra, chưa xử lý vì còn vướng căn cứ, chứng cứ. Đa số các vụ việc xâm hại trẻ em thường không tố giác ngay, thời gian xảy ra lâu, gây khó trong công tác giám định, điều tra vụ án. Các nạn nhân còn nhỏ tuổi, tâm sinh lý chưa hoàn thiện,… gây khó trong công tác điều tra.
Bảo vệ con trẻ trước vấn nạn XHTD
Tội phạm XHTD có thể xảy ra với tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, mọi lúc, mọi nơi. Trong khi đó, nhiều bậc cha mẹ còn lơ mơ và coi nhẹ việc nhận định nguy cơ đối với con cái.
Các chuyên gia tâm lý nhận định rằng, sai lầm của các bậc ba mẹ là chỉ cần học một vài câu, một vài ngày là đủ kỹ năng phòng tránh XHTD. Từ những vụ XHTD trẻ em thời gian qua, cần phải cảnh báo các bậc phụ huynh, giáo dục giới tính, kỹ năng phòng tránh xâm hại không thể dạy một chốc một lát, những kỹ năng: nhận diện nguy cơ, xử lý tình huống, kỹ năng từ chối… phải hình thành từ bé, khi bắt đầu em còn nhỏ 2 - 3 tuổi.
Quan tâm giáo dục cho con trẻ càng sớm càng tốt để con tự bảo vệ mình là cả một quá trình dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn của các bậc phụ huynh. Từ việc gần con, dành thời gian nói chuyện với con mỗi ngày, nhất là ăn tối với con, quan sát con trước khi đi ngủ…, ba mẹ sẽ nhận thấy con mình có điều gì bất an hay không.
Hãy cho trẻ biết việc giữ bí mật điều này mà không kể với ba mẹ là rất nguy hiểm. Có như thế, trẻ mới tạo ra “kháng thể phòng tránh sự xâm hại”, biết cách sống an toàn, được bảo vệ bằng vòng tay yêu thương của người thân.
Thiết nghĩ, công tác bảo vệ trẻ em trước vấn nạn XHTD cần thiết thực hơn, cụ thể hơn; phải đảm bảo làm tốt từ khâu tuyên truyền đến chăm lo, bảo vệ. Phải khẳng định, gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng, chống XHTD trẻ em.
Mỗi thành viên trong gia đình, trước hết là cha mẹ, phải luôn đồng hành cùng con, giáo dục, trang bị cho con những kiến thức, kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ bị xâm hại; giáo dục, hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng trong việc nhận diện, phòng, chống các hành vi xâm hại. Đừng chủ quan, lơ là, luôn cẩn trọng với bất cứ ai, ngay cả những người thân thuộc, quen biết.
Và một điều quan trọng nữa, khi phát hiện vụ việc con cái bị XHTD thì không được im lặng dù bất kỳ người đó là ai!
Qua đợt giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống XHTD trẻ em trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long mới đây, ông Lưu Thành Công- Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long- cho rằng: Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em chưa thực hiện đồng đều ở các địa phương, ở một số nơi chỉ thực hiện theo phong trào, chưa xem công tác này thật sự quan trọng, cần phải làm thường xuyên. Ông khuyến nghị, các cơ quan chức năng tiếp tục truyền thông về các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phổ biến kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em. Các trường học trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với gia đình và cộng đồng xã hội, giúp các em trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản tự bảo vệ mình; khuyến khích các gia đình mạnh dạn tố giác tội phạm, đặc biệt là tội XHTD trẻ em để được xử lý kịp thời. Đặc biệt, lấy phòng, chống là cốt lõi trong phòng ngừa xâm hại trẻ em. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin