Giảm nghèo bền vững từ tín dụng chính sách

05:09, 05/09/2019

Chương trình tín dụng chính sách xã hội cùng với các chương trình phát triển kinh tế- xã hội góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới của tỉnh. 

 

Nhờ vốn tín dụng chính sách xã hội, anh Phương Bình (Bình Tân) có điều kiện làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Nhờ vốn tín dụng chính sách xã hội, anh Phương Bình (Bình Tân) có điều kiện làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chương trình tín dụng chính sách xã hội cùng với các chương trình phát triển kinh tế- xã hội góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới của tỉnh. 

Đây là khẳng định của ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Vĩnh Long- tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH).

Vốn tín dụng chính sách- “đòn bẩy” thoát nghèo

Là hộ nghèo, không có đất sản xuất, trước đây gia đình 5 nhân khẩu của anh Trần Phương Bình (xã Thành Trung- Bình Tân) luôn thiếu trước hụt sau.

Nhờ được hưởng các chính sách dành cho hộ nghèo như được hỗ trợ mua thẻ BHYT, miễn giảm học phí cho con em, đặc biệt là được vay vốn từ Ngân hàng CSXH để mua bán nhỏ, chăn nuôi và thuê đất trồng khoai nên hiện cuộc sống gia đình anh được khấm khá hơn trước.

2 năm trước, hộ của anh đã được công nhận thoát nghèo. Anh Phương Bình chất phác: “Lúc trước nhà khó dữ lắm, được Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn, tui mua bán nhỏ, nuôi gà thả vườn rồi mướn đất trồng khoai thêm. Tui còn mua đồ rẫy bán kiếm lời thêm nữa, nhờ đó mà cuộc sống ổn định, thoát nghèo”.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thúy (xã Đông Bình- TX Bình Minh) thuộc hộ nghèo, có 1 con đang tuổi ăn học, nhà không ruộng vườn, chồng làm bảo vệ tại Cần Thơ. Bản thân chị không có nghề nghiệp, chỉ làm thuê sống qua ngày, cuộc sống vất vả rất khó khăn.

Khi tham gia Hội LHPN xã, chị được xét cho vay 10 triệu đồng từ vốn tín dụng ưu đãi, chị thuê mặt bằng bán điểm tâm sáng. Ngoài ra chị còn chăn nuôi thêm heo, gà, những lúc rảnh chị đan lác. Hiện gia đình chị thoát nghèo, có cuộc sống khá hơn, và chị còn tham gia tiết kiệm do tổ phụ nữ phát động.

Theo bà Lê Thị Lệ Quyên- Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh, giai đoạn 2014- 2019, quỹ “Vì người nghèo” tỉnh và huyện ủy thác 7 tỷ đồng sang Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh để cho vay hỗ trợ sản xuất, giải quyết việc làm được hơn 300 hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn.

Ngoài ra, từ nguồn quỹ “Vì người nghèo”, Vĩnh Long ủy thác cho Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (qua Trung tâm Công tác xã hội) với “Dự án bò” (khoảng 6,8 tỷ đồng). Hiện nay, các dự án đang làm ăn có hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập kinh tế cho gia đình các hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Nâng cao chất lượng nguồn vốn tín dụng chính sách

Chị Nguyễn Thị Bé Hai (xã Hòa Hiệp-Tam Bình) thuộc diện hộ cận nghèo, không có vốn sản xuất. Khi được dự án hỗ trợ bò giống, vợ chồng chị đã vay tiền từ dự án mua thêm một con bò nữa để tiện chăm sóc và có thêm thu nhập.

Chị Bé Hai chia sẻ: “Trước đây, gia đình tui thuộc diện hộ nghèo, xã có hỗ trợ tui con bò và khi có bê con tui trả cho hộ khác rồi. Bây giờ tui nhân rộng con giống thêm ra nữa và tui nuôi rất là hiệu quả. Nhờ đó mà gia đình tui thoát được nghèo, tui mừng và biết ơn lắm”.

Theo ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh: Vĩnh Long đề xuất Chính phủ mở rộng đối tượng cho vay học sinh- sinh viên đối với hộ có mức sống trung bình, hộ gia đình có từ 2- 3 con đi học ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp, học nghề; nâng mức cho vay lên 20 triệu đồng/năm để phù hợp với mức tăng học phí và biến động giá cả thị trường.

Ngoài ra, nâng mức cho vay tối đa của các chương trình tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh lên 100 triệu đồng/hộ để đáp ứng nhu cầu vốn cho các hộ vay mở rộng quy mô chăn nuôi, trồng trọt, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập và phát triển kinh tế hộ gia đình; tiếp tục thực hiện chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo trong giai đoạn 2020- 2030.

Để thực hiện tốt Chỉ thị số 40- CT/TW, nâng cao chất lượng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm yêu cầu các cấp ủy, chính quyền tiếp tục triển khai, quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Hàng năm, tỉnh sẽ dành một phần ngân sách để ủy thác qua Ngân hàng CSXH, bổ sung nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm mới và đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Với hình thức “cho mượn bò” không tính lãi, gắn với điều kiện, thời hạn thụ hưởng khuyến khích được ý thức tự vươn lên của các hộ nghèo.
Với hình thức “cho mượn bò” không tính lãi, gắn với điều kiện, thời hạn thụ hưởng khuyến khích được ý thức tự vươn lên của các hộ nghèo.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long yêu cầu MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH thực hiện tốt các công đoạn theo hợp đồng ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thúc đẩy tiến độ thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo
việc làm.

Trong đó, nguồn vốn tín dụng CSXH được thực hiện lồng ghép với các chương trình, dự án phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương, nhất là chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch và dịch vụ; hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; phổ biến các mô hình vay vốn làm ăn hiệu quả, sản xuất kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trong 5 năm (2014- 2019), Vĩnh Long có hơn 165.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách. Qua đó, gần 21.600 hộ vượt qua ngưỡng nghèo. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3,54% năm 2014 xuống còn 2,63% năm 2018 theo chuẩn nghèo đa chiều. Tổng dư nợ đến ngày 30/6/2019 đạt 1.907 tỷ đồng, tăng 642 tỷ đồng so với từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. Ngoài ra, chính quyền các cấp bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển sang Ngân hàng CSXH hơn 88 tỷ đồng để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

 

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh