Tranh thủ lúc nhàn rỗi khi xong công việc đồng ruộng, chợ búa hàng ngày, hay tối xem tivi, các bà các chị tập trung lại đan khung lác. Đó là nghề nông thôn vừa nhàn hạ vừa vui, vừa đem lại thu nhập hàng tuần phụ trợ thêm cho cuộc sống.
Tranh thủ lúc nhàn rỗi khi xong công việc đồng ruộng, chợ búa hàng ngày, hay tối xem tivi, các bà các chị tập trung lại đan khung lác. Đó là nghề nông thôn vừa nhàn hạ vừa vui, vừa đem lại thu nhập hàng tuần phụ trợ thêm cho cuộc sống.
Họ có thêm một phần thu nhập phụ trợ cho đời sống gia đình. |
Nhà bà Sơn Thị Đô mỗi chiều cuối tuần là tập trung các bà các cô đan khung lác. Bà cũng là tổ trưởng quản lý người đan khung ở Khóm 5 (phường Cái Vồn- TX Bình Minh) này với khoảng 35 học viên sau học nghề tầm tháng là ai cũng biết đan thành thục.
Ông Thạch Na Đa chịu trách nhiệm vận động người học nghề tiểu thủ công nghiệp ở các địa bàn này nói: “Nhanh lắm, học thoáng cái xong, giờ hầu hết các chị em đều biết đan, có thu nhập rồi”.
Chị Kim Thị Niếu (nhà sát vách bà Đô) nói thường ngày, sáng mình cắt rau nhút bỏ mối chợ, xong về cơm nước, đến xế qua nhà cô Sơn Thị Đô đan khung lác.
“Nghề này là công việc phụ, nhưng vui vì mình và làng xóm có thêm thu nhập”- chị Kim Thị Niếu nói. Ngồi kế bên là bà Thạch Thị Âm (cũng sát bên nhà). Hỏi chuyện bà thì bà cười, các chị xung quanh nói đỡ: “Bà đan (khung lác) được tiền bà khoái”. Câu chuyện trên hàng ba, bên bó lác đã se lại, khung đan và những đôi tay diễn ra đầy tiếng cười như vậy...
Chi hội trưởng Nông dân ấp Thuận Tân A (xã Thuận An- TX Bình Minh) Thạch Kim Sang khái quát công việc của bà con thế này: ban ngày họ đi học, làm việc đồng ruộng, chợ búa, công nhân; ban đêm quay qua đan đát. Ai có cháu nội cháu ngoại cứ cơm nước xong vừa giữ vừa làm. Ai mê phim chiều hay sau tin thời sự của đài truyền hình thì... vừa coi phim vừa đan luôn.
Ông Thạch Na Đa tính ra địa bàn phường Cái Vồn được chia 4 tổ đan. Bà con trong các khóm cứ tự đan đát ở nhà hay tập trung lại như ở nhà bà Sơn Thị Đô để cùng đan đát, rồi cuối tuần giao hàng. Tùy nhà, một người đan thì cuối tuần giao 20-30 khung, nhà 2-3 người đan (như bà, mẹ, con gái) thì giao 50-60 đến 100-150 khung.
Ông Thạch Na Đa là “đầu mối” cộng tác với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên TX Bình Minh vận động học viên học nghề tiểu thủ công nghiệp (đan đát) trên địa bàn.
Tính đến nay đã có nhiều lớp đan được mở tạo thêm công ăn việc làm cho bà con. Số tổ đan ở các xã- phường trong thị xã mà ông chịu trách nhiệm cung cấp nguyên liệu, khung đan và thu gom hàng thành phẩm giao cho công ty là 16 tổ với hàng trăm người làm nghề.
Ông Trần Thanh Phong- Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên TX Bình Minh- cho biết: Đầu năm đến nay, trung tâm đã phối hợp các địa bàn và ngành chức năng mở 14 lớp đào tạo nghề nông thôn với 474 học viên. Chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn của thị xã trong năm nay là 500 học viên.
Từ thực tế các lớp nghề, ông Trần Thanh Phong nói: may mặc và đan đát phát triển khá mạnh. Minh chứng là nhiều lớp nghề tiểu thủ công nghiệp và lớp may gia công mở ra cho bà con các xã- phường: “Họ có nhu cầu công việc, để có thêm phần thu nhập”.
Theo ông Trần Thanh Phong, trung tâm đang hoàn tất thủ tục để tháng 10 tới phối hợp mở 2 lớp may ở Công ty TNHH 1TV Khang Thịnh (TX Bình Minh) với 64 học viên, nâng số lớp đào tạo nghề nông thôn trên địa bàn lên 16 với 538 học viên, vượt kế hoạch năm.
Còn ông Thạch Na Đa nhìn thấy nhu cầu bà con về đan nhiều, định xin ý kiến phối hợp trung tâm mở thêm lớp đan ở phường Thành Phước để họ có việc và thêm thu nhập. Đầu mối này mong giá cả hàng hóa được công ty thu mua ở Khu Công nghiệp Hòa Phú nâng lên cho bà con đan đát nhờ hơn! “Có vậy “sự vui” trong đời sống lao động của bà con mình sẽ duy trì và tươi mới hơn!”
Bên câu chuyện của chúng tôi với ông Đa, ông Sang, bà Đô, chị Niếu chốc chốc là chiếc xe đạp của một bà, một chị chạy tới cửa nhà bà Đô giao khung lác thành phẩm. Mỗi sản phẩm giao đầu mối giá 2.500đ. Có bà giao 9 khung, có chị giao 12 khung, có người giao 14 khung.
“Cũng không nhiều nhỏ gì, nhưng có thêm một ít (thu nhập) cũng đỡ”- một bà cô đứng tuổi nói. Còn ông Chi hội trưởng Nông dân ấp Thuận Tân A- Thạch Kim Sang trước khi ra về lại gửi gắm như lúc mới đến: “Tạo cho bà con có thêm công việc vậy rất tốt rồi. Gì chứ phụ gạo dầu mắm muối hàng ngày, rồi tiền điện nước hàng tháng thì bà con mình khỏe!”.
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin