
Hiện nay, ở các công viên, nhà văn hóa,… hầu như đều có các khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em. Tuy nhiên, qua quan sát của chúng tôi, trong khi ở đô thị điểm vui chơi cho trẻ có khá nhiều thì ở nông thôn vẫn còn "khiêm tốn.
Hiện nay, ở các công viên, nhà văn hóa,… hầu như đều có các khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em. Tuy nhiên, qua quan sát của chúng tôi, trong khi ở đô thị điểm vui chơi cho trẻ có khá nhiều thì ở nông thôn vẫn còn “khiêm tốn.
![]() |
Các điểm vui chơi thu hút đông các bé. |
Khu vui chơi: Nhiều lợi ích cho trẻ
Thời gian gần đây, tại đô thị, nhiều chủ cơ sở, doanh nghiệp, thậm chí quán cà phê cũng đã bắt đầu quan tâm, chú trọng đầu tư xây dựng các điểm vui chơi cho bé với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Nào là bập bênh, xích đu, cầu trượt, nhà banh,... được thiết kế bắt mắt để thu hút các bé đến vui chơi.
Chỉ mới hoạt động được vài tháng nay nhưng Khu vui chơi trẻ em Sóc Nâu (Phường 4- TP Vĩnh Long) đã được nhiều phụ huynh lẫn các bé biết đến. Tại đây có nhiều trò chơi dành cho trẻ em như: khu buôn bán đồ ăn trẻ em, khu lắp ráp sáng tạo lego, khu thú nhồi bông, khu chơi đùa cùng cát,...
Chị Mai- chủ Khu vui chơi trẻ em Sóc Nâu cho biết: “Tôi ở Đồng Tháp, sau khi nghiên cứu thị trường Vĩnh Long, tôi thấy có không nhiều điểm vui chơi cho trẻ nên quyết định mở điểm vui chơi này. Tôi cảm thấy vui vì tạo cho các bé có điểm vui chơi lành mạnh”.
Cũng với mong muốn tạo thêm sân chơi bổ ích lành mạnh cho các bé, tránh xa các trò chơi điện tử nên anh Văn Cấp Trí- Giám đốc Trung tâm thương mại Khai Trí đã mở Khu vui chơi thiếu nhi Panda tại lầu 1, Trung tâm Thương mại Khai Trí (Phường 1- TP Vĩnh Long).
Anh Văn Cấp Trí chia sẻ: “Thiếu sân chơi, trẻ em sẽ rất dễ sa đà vào trò chơi điện tử và những trò chơi nguy hiểm. Do đó, tôi tạo ra điểm vui chơi này, với không gian thoáng mát, sạch sẽ, nhiều trò chơi hấp dẫn mang tính giải trí cao.
Tại khu vui chơi có khu hướng nghiệp với các nghề: bác sĩ, kỹ sư, thợ may, thợ trang điểm,... sẽ mang tới cho các bé một không gian vui chơi vô cùng thu hút, giúp các bé tăng cường khả năng vận động và rèn luyện khả năng phản ứng nhanh, tính kiên nhẫn và trí thông minh”.
Nhìn con gái gần 4 tuổi đang hào hứng chơi nhà banh, chị Trịnh Phi Yến (xã Thanh Đức- Long Hồ) chia sẻ: “Khu vui chơi là nơi có thể giúp bé phát triển toàn diện, bởi bé có cơ hội gặp gỡ và chơi đùa với nhiều bạn mới.
Nhiều nơi còn có thiết kế khu vui chơi hướng nghiệp, khu vui chơi nông trang sẽ giúp trẻ rèn luyện khả năng ngôn ngữ, phát triển tư duy sáng tạo hơn và rèn luyện thể lực, nâng cao khả năng vận động, và sự linh hoạt. Đây đều là những kỹ năng rất quan trọng cho sự phát triển cơ thể của trẻ”.
Trong khi đó, tại một số công viên ở huyện, vùng nông thôn, các trang thiết bị, đồ chơi cho trẻ em cũng được trang bị nhiều hơn trước.
Cũng với các trò chơi quen thuộc như xích đu, cầu trượt, xe mô hình,... đã tạo thêm điểm vui chơi, thu hút các bé đến vui chơi, giải trí. Bên cạnh các trò chơi cho trẻ, ở công viên còn có cả các thiết bị tập thể dục cho người lớn.
Vừa tập thể dục tại chỗ ở Trung tâm Văn hóa- Thể thao huyện Trà Ôn, cô Nguyễn Thị Lệ (thị trấn Trà Ôn- huyện Trà Ôn) cho hay: “Chiều nào tôi cũng dẫn 2 đứa cháu đến đây để vui chơi cùng các bạn.
Tôi cũng tranh thủ vận động vài động tác thể dục để tăng cường sức khỏe. Buổi tối ở đây vui lắm, trẻ em có nơi vui chơi, người lớn có chỗ tập thể dục, khỏe người lại khỏe trí”.
Nhiều nhưng còn thiếu
![]() |
Ghi nhận của phóng viên, tầm 6- 7g tối, hầu hết các điểm vui chơi đều có nhiều trẻ em, người lớn đến vui chơi, nhất là các ngày cuối tuần, nhiều nơi gần như “quá tải”. Từ đó cho thấy nhu cầu vui chơi cho trẻ em rất nhiều. Song, việc đáp ứng thì còn khá khiêm tốn.
Nhiều phụ huynh dẫn các bé đến các điểm vui chơi chia sẻ, thiếu chỗ để hoạt động vui chơi hàng ngày, các bé không chỉ kém phát triển về mặt thể chất, sức khỏe mà cả tinh thần cũng bị ảnh hưởng.
Khi phải ở trong nhà nhiều, các em dễ rơi vào nghiện game và bị lệ thuộc vào các thiết bị công nghệ, từ đó có thể dẫn đến thiếu những kỹ năng tiếp xúc, giao tiếp, ảnh hưởng đến khả năng hòa nhập sau này. Do đó, dẫn trẻ đến các điểm vui chơi là điều rất cần thiết.
Không ít người cho rằng, các khu vui chơi thiếu nhi tại các siêu thị, trung tâm thương mại do các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư là địa điểm vui chơi thích hợp với trẻ, đa dạng với mọi lứa tuổi.
Tuy nhiên, do giá dịch vụ vui chơi một số nơi còn khá cao nên loại hình vui chơi này chỉ được một bộ phận người dân lựa chọn cho con em mình.
![]() |
Điểm vui chơi ở nông thôn có nhưng ít, trò chơi đơn giản. |
Trong khi đó, một số điểm còn có các trò chơi “na ná” nhau, không có điểm nhấn sáng tạo, ít trò chơi. Đó là chưa kể, ở một số nơi hoạt động lâu, các vật dụng đồ chơi, trò chơi xuống cấp, ít được quan tâm đầu tư cải tạo, việc bố trí trò chơi cho các bé chưa phù hợp, chưa có khu riêng cho trẻ nhỏ, trẻ lớn,...
Chị Phi Yến cho hay: “Một lần tôi dẫn bé vào một điểm vui chơi nọ, thấy dây xích đu đã bị rỉ sét, rồi nhà nhún thì cũ kỹ, bé lớn tuổi chơi chung khu bé nhỏ tuổi, con tôi bị lấn té luôn. Nên tôi né điểm này luôn”.
Có thể thấy, dù đã được quan tâm, đầu tư, nhưng hiện nay số lượng sân chơi giải trí an toàn, lành mạnh trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu vui chơi của trẻ em. Đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, do điều kiện còn hạn chế, chỉ chủ yếu ở nơi tập trung đông dân cư.
Do đó, trong thời gian tới, cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc đầu tư, cải tạo sân chơi cho thiếu nhi. Từ đó, tạo cho các em những sân chơi lành mạnh, an toàn, phù hợp với lứa tuổi.
Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin