Tính luộm thuộm, thiếu ngăn nắp, thậm chí bừa bãi của trẻ tưởng chừng chỉ là chuyện nhỏ nhưng sẽ hình thành tính cách, thói quen bất lợi khi trẻ lớn.
Tính luộm thuộm, thiếu ngăn nắp, thậm chí bừa bãi của trẻ tưởng chừng chỉ là chuyện nhỏ nhưng sẽ hình thành tính cách, thói quen bất lợi khi trẻ lớn.
Ức chế vì thói bừa bãi của con
Mỗi lần ngồi tán gẫu trong giờ nghỉ trưa ở cơ quan, chị Lan Anh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại than phiền về tính bừa bãi, luộm thuộm của con.
Theo lời chị Lan Anh thì dù con đã học lớp 7 nhưng con ngủ dậy không gấp chăn màn mà cứ để từ ngày này qua ngày khác. Nhắc thì con bảo, đằng nào tối con cũng ngủ, không cần gấp.
Bàn học của con thì ngập ngụa sách vở lẫn những đồ dùng linh tinh. Mỗi khi con ngồi vào bàn học thường phải mất từ 15 - 20 phút tìm những đồ dùng cần thiết bởi không biết để chúng ở đâu. Thùng rác để trong phòng đầy tràn cả ra ngoài nếu không nhắc thì con cũng không đem đi đổ.
“Mỗi lần bị bố mẹ quát tháo, con mới bắt đầu dọn dẹp nhưng được vài hôm rồi lại đâu vào đấy. Chẳng lẽ cứ quát tháo con mỗi ngày, đi làm về không vào phòng con thì thôi, vào nhìn lại thấy ức chế” - chị Lan Anh giãi bày.
Nhiều cha mẹ mệt mỏi vì thói quen bừa bộn của con. (Ảnh minh họa, nguồn: KT) |
Tâm sự của chị Lan Anh nhận được nhiều đồng cảm của anh chị em trong cơ quan vì phần đa con họ cũng mắc thói bừa bộn, luộm thuộm như vậy.
Anh Đinh Tùng (Đống Đa, Hà Nội) có con trai đang học lớp 2 cho biết, con anh sáng nào dậy đi học cũng cuống cuồng tìm khi thì khăn đỏ, khi thì đồng phục, lúc lại giày dép bởi không biết hôm qua đi học về đã quẳng chúng ở đâu.
“Tôi đã bảo con phải để đồ dùng đúng vị trí cho dễ tìm nhưng cháu nghe tai này ra tai kia mà chẳng thực hiện. Vì tính bừa bãi, cẩu thả nên cháu thường xuyên đánh mất sách vở, đồ dùng học tập, thậm chí cả quần áo đồng phục” - anh Tùng than.
Đề ra những nguyên tắc yêu cầu con thực hiện
Theo chuyên gia tâm lý Phạm Hiền, với trẻ từ 2 - 6 tuổi, bố mẹ đã phải dạy con tính gọn gàng, ngăn nắp. Con chơi đồ chơi xong, bố mẹ yêu cầu con phải tự dọn đồ chơi, để đúng vị trí cũ. Khi con thay quần áo, bố mẹ yêu cầu con cho vào sọt giặt.
Nếu con không thực hiện lần sau không cho con chơi đồ nữa, đồng thời có thể cấm những quyền lợi chơi khác của con như xem ti vi, chơi với bạn.
Chuyên gia tâm lý Xuân Tùng, phòng tư vấn Thanh Tâm cho rằng, trẻ con chịu ảnh hưởng từ người lớn một cách tự nhiên. Nếu người lớn gọn gàng, ngăn nắp trẻ sẽ học theo. Ngay khi con còn nhỏ, bố mẹ đã phải đề ra quy định yêu cầu con phải để đồ đúng vị trí.
Bất kỳ đồ đạc nào trong nhà lấy ở chỗ nào khi dùng xong con phải trả về đúng vị trí cũ, nếu không lần sau sẽ không được sử dụng đồ đó. Mà đã đề ra quy định thì người lớn trong nhà phải nghiêm túc thực hiện để làm gương cho con.
Con lớn hơn thì dạy con biết sắp xếp bàn học gọn gàng, ngăn nắp. Đồ dùng trong cặp sách của con cũng phải để đúng vị trí: chỗ nào để hộp bút, chỗ nào để hộp phấn, ngăn nào để sách vở, ngăn nào để bảng và bố mẹ phải thường xuyên kiểm tra xem con có thực hiện đúng hay không. Rồi ngủ dậy, con phải gấp chăn màn, quần áo sắp xếp gọn gàng, phân loại để đúng nơi, đúng chỗ.
Khi đã đưa ra quy chế thì phải có thưởng phạt rõ ràng. “Giáo dục xét cho cùng là hình thành cho trẻ những thói quen tốt. Mà thói quen là hành vi được lặp đi lặp lại nhiều lần. Nếu bố mẹ kiên trì thì con sẽ có nhiều thói quen tốt” - chuyên gia Xuân Tùng nhận xét.
Thay đổi thói quen có khó?
Vậy còn những trẻ đã mắc phải thói quen bừa bộn, bố mẹ cần làm gì để con thay đổi?
Chị Nguyễn Hà Thành, chuyên gia tâm lý Trường Đại học FPT cho rằng, nhiều bạn ý thức được tác hại của việc bừa bộn nhưng việc quản lý hành vi không tốt nên không cải thiện được tình hình. Thời gian rất quý giá, các bạn trẻ thì luôn thiếu thời gian.
Nếu các bạn bừa bộn thì mỗi ngày phải mất khá nhiều thời gian để đi tìm đồ. Việc sắp xếp đồ đạc quy củ là cách các bạn tiết kiệm được thời gian, sức lực, cho các bạn thêm thời gian thư giãn với các hoạt động khác hữu ích hơn.
Thói quen bừa bộn còn tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển, vì vậy khi các bạn thường xuyên dọn đồ cũng là cách để các bạn bảo vệ sức khỏe của mình và các thành viên trong gia đình.
Theo chị Hà Thành, việc gọn gàng, ngăn nắp được lợi đơn lợi kép. “Có 2 nguyên tắc cơ bản nhất để các bạn trẻ có thể quy hoạch đồ đạc của mình được tốt hơn.
Thứ nhất là phải luôn có thói quen phân loại, bỏ những đồ không dùng nữa ra khỏi khu vực những đồ cần dùng. Chỉ việc nhỏ này thôi đã giúp các bạn tìm kiếm đồ đạc dễ hơn rất nhiều.
Rồi quần áo bẩn, quần áo sạch, quần áo hay mặc, quần áo ít mặc phải được phân loại và sắp xếp đúng vị trí. Các bạn cũng nên đặt ra thời gian nhất định trong ngày và trong tuần để dọn dẹp đồ đạc, phòng ốc.
Các bạn chỉ cần phân được khu vực để đồ và sắp xếp tương đối khoa học thôi, chưa cần quá ngăn nắp đã giúp ích cho các bạn rất nhiều rồi” - chị Thành chia sẻ.
Còn theo chuyên gia tâm lý Xuân Tùng, với trẻ đã lớn, bố mẹ nên thảo luận với con để con hiểu được tác hại của việc luộm thuộm. Hãy để cho con tự rút ra bài học vì tính luộm thuộm của mình.
Ví như đến giờ học mà con vẫn chưa tìm thấy đồ dùng cần phải mang đi học thì cứ để con tự tìm, dù con có bị muộn học, nhất định bố mẹ không được làm thay, như thế con mới có thể rút ra bài học kinh nghiệm. Khi con nhận ra tác hại của việc luộm thuộm, bố mẹ hãy thảo luận cùng con cách để thay đổi.
“Với trẻ đã lớn, việc thay đổi thói quen sẽ khó nên bố mẹ phải kiên nhẫn cùng con. Thấy con có chút thay đổi phải động viên, ghi nhận, khen ngợi, như thế mới khuyến khích con tiếp tục thực hiện. Những lời khen ngợi, động viên sẽ hiệu quả hơn những lời phê bình rất nhiều” - ông Tùng nhấn mạnh./.
Theo VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin