Hành trang tân sinh viên- học kiến thức rèn kỹ năng

02:08, 28/08/2019

Bước vào giảng đường ĐH là bước sang một ngưỡng cửa mới, đầy thú vị nhưng không kém phần thử thách, khó khăn. Để thời sinh viên (SV) không trôi qua một cách vô ích, tân SV phải sẵn sàng với hành trang rèn kỹ năng sống cho mình.

Bước vào giảng đường ĐH là bước sang một ngưỡng cửa mới, đầy thú vị nhưng không kém phần thử thách, khó khăn. Để thời sinh viên (SV) không trôi qua một cách vô ích, tân SV phải sẵn sàng với hành trang rèn kỹ năng sống cho mình.

Đậu ĐH mới chỉ là “ngưỡng cửa”, sinh viên cần trau dồi, rèn luyện.
Đậu ĐH mới chỉ là “ngưỡng cửa”, sinh viên cần trau dồi, rèn luyện.

ĐH mới là “ngưỡng cửa”

Vào ĐH không phải là tất cả, ĐH là “ngưỡng cửa” trong nhiều cánh cửa có thể bước qua của một đời người. Ngưỡng cửa này có sự sàng lọc, thế nên không phải ai học cũng có thể thuận lợi tốt nghiệp. Theo thống kê của các trường ĐH, hầu hết SV bỏ học, thôi học từ những năm đầu tiên.

Nguyên nhân chủ yếu là do SV không quen với môi trường học mới. SV thiếu kiến thức nền tảng môn đại cương dễ dẫn đến khó khăn, chán nản nợ môn.

Đây là hệ lụy của việc có những tổ hợp tuyển sinh không phù hợp. Một giảng viên ví dụ: Thí sinh xét tuyển tổ hợp Văn- Sử- Địa mà học những ngành kỹ thuật, cơ khí hay xây dựng thì rất khó khăn. Vì những ngành này thường học môn Toán- Lý suốt 2 năm đầu.

Thêm vào đó, nhiều SV để được vào ĐH đã chọn ngành có thể đậu nhưng không phải ngành yêu thích, nên đến khi vào học thì phát hiện ra “mình không hợp với nhau”.

Anh Nguyễn Khôi Thái- cựu SV Trường ĐH Cần Thơ (quê Hậu Giang) cho biết: “Tôi học ĐH hết 6 năm vì 2 năm đầu chọn ngành không hợp, phải học lại ngành khác”.

Khôi Thái không trúng tuyển nguyện vọng 1 nên theo bạn bè xét tuyển vào ngành cơ khí “cho vui”, Thái không ngờ “vô năm thứ 2, đụng môn chuyên ngành thì tôi không theo nổi, làm cái mình không thích rất mệt mỏi”.

SV xét tuyển bằng kết quả học tập- ở một số trường THPT có kết quả ảo- dẫn đến hiện trạng một số tân SV điểm trung bình THPT cao nhưng vào ĐH kết quả rất kém. Không theo kịp bạn bè, nợ môn dẫn đến thôi học là chuyện thường tình của SV.

Vậy vào ĐH cần học gì? Anh Đặng Hải Đăng- Phó Bí thư Đoàn Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long- cho rằng: “Các em phải tập tính tự lập, biết cách tự học và tự lập thời khóa biểu cho mình một cách nghiêm túc. Bên cạnh học kiến thức cần rèn kỹ năng và học các kiến thức bổ trợ khác”.

Trong các đợt tiếp xúc SV, PGS. TS. Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long- nhấn mạnh: “Học ĐH là học đi đôi với hành, học kiến thức cộng kỹ năng”.

Đó là lý do trường này quy định SV học lực giỏi phải có điểm rèn luyện tốt- từ 80 trở lên; SV học lực xuất sắc phải có điểm rèn luyện 90 trở lên. Nếu không đủ điểm rèn luyện cần thiết thì học lực sẽ bị hạ xuống 1 bậc.

Kiến thức, kỹ năng và thái độ là 3 yếu tố quan trọng cần có để làm hành trang cho mỗi SV. Các em cần có thái độ cầu thị, mỗi khi học không hiểu vấn đề gì thì phải hỏi, không giấu dốt là kinh nghiệm của nhiều SV giỏi, vì “muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”.

Tự học và tự lập

Cách học ĐH khác với THPT, do đó, tân SV phải tự xây dựng thời gian biểu khoa học hợp lý. “SV thắc mắc phải hỏi, chủ động thực hành và tìm hiểu thêm tài liệu từ thư viện”- SV Trần Thị Ngọc Trúc (ngành Công nghệ ô tô, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long) cho biết. Trúc là SV có học lực giỏi, xuất sắc ngay trong năm học đầu tiên.

Những môn học đầu tiên của năm nhất là nhóm môn Triết học thường khô khan nên không ít SV nói vui rằng “dùng cả thanh xuân để qua môn”.

Thậm chí, có SV chỉ học cho có. Nhưng đối với các SV giỏi, thì “môn đại cương mang đến những kiến thức nền tảng và kết nối với các môn chuyên ngành tiếp theo”- SV Trần Thị Ngọc Trúc cho biết thêm.

Bên cạnh xác định cách học hợp lý, SV cần tham gia các hoạt động phong trào để tự tin hơn trong thuyết trình, phản biện, giao tiếp. Trải nghiệm qua các hoạt động Đoàn, hội, làm thêm, tham gia các CLB thanh niên là môi trường rèn luyện kỹ năng tốt.

Ông Lê Thanh Vũ- Phó Trưởng Phòng Công tác học sinh SV (ĐH Cửu Long) cho rằng: “SV thường tham gia công tác Đoàn, có kỹ năng sẽ dễ xin việc hơn”. Ngay từ đầu năm học, Trường ĐH Cửu Long đã tổ chức những chuyến sinh hoạt đầu khóa hấp dẫn cho tân SV ở các doanh nghiệp, các di tích lịch sử ở Vĩnh Long.

Bên cạnh rèn luyện cách học phù hợp, khó khăn thường thấy của tân SV thường là việc thích ứng với cuộc sống mới, cuộc sống tự lập: tự nấu ăn, tự chăm lo sinh hoạt cá nhân, tự chi tiêu,… Trong đó, chi tiêu là việc không dễ dàng đối với tân SV.

Giữ tiền cẩn thận và chi tiêu hợp lý, sao cho không bị “viêm màng túi” tưởng chừng là chuyện nhỏ nhưng không hề nhỏ. Có kế hoạch “liệu cơm gắp mắm” để đủ cân bằng cán cân chi tiêu, tránh gặp phải tình cảnh đầu tháng xài quá tay rồi cuối tháng phải mượn tiền cầm cự bằng mì gói.

Trên hết, SV là quãng thời gian rất đẹp và ý nghĩa đối với những ai từng trải qua. Bạn có thể thiếu thốn nhưng cần tạo cho mình sự lạc quan, rèn luyện và cố gắng vượt khó khăn, thử thách để học tốt, làm việc tốt.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh