Dạy nghề theo nhu cầu của người dân nông thôn

05:08, 04/08/2019

Dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), dù nghề phi nông nghiệp hay nông nghiệp phải trên cơ sở quan trọng là gắn với nhu cầu, nguyện vọng của người học và đặc thù đời sống, lĩnh vực sản xuất ở địa phương. Đi kèm là công tác giải quyết việc làm hiệu quả sau học nghề, giúp LĐNT có thêm thu nhập, phát triển đời sống kinh tế.

 

Dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), dù nghề phi nông nghiệp hay nông nghiệp phải trên cơ sở quan trọng là gắn với nhu cầu, nguyện vọng của người học và đặc thù đời sống, lĩnh vực sản xuất ở địa phương. Đi kèm là công tác giải quyết việc làm hiệu quả sau học nghề, giúp LĐNT có thêm thu nhập, phát triển đời sống kinh tế.

Lãnh đạo Chi cục PTNT phát biểu với lớp dạy nghề chăn nuôi gà cho LĐNT ở Ấp 4 (xã Hòa Hiệp- Tam Bình) khai giảng sáng 1/8/2019.
Lãnh đạo Chi cục PTNT phát biểu với lớp dạy nghề chăn nuôi gà cho LĐNT ở Ấp 4 (xã Hòa Hiệp- Tam Bình) khai giảng sáng 1/8/2019.

Sáng 1/8/2019, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện Tam Bình phối hợp cấp ủy, chính quyền và đoàn thể xã Hòa Hiệp tổ chức khai giảng lớp đào tạo nghề cho LĐNT: Lớp học “kỹ thuật chăn nuôi gia cầm” cho LĐNT ở Ấp 4. Lớp nuôi gà này được mở căn cứ vào nhu cầu và điều kiện sinh sống, làm ăn của bà con ở nơi đây.

Học viên Lê Thị Yến Nhung kể ở nhà nuôi gà nòi thả vườn, bán thịt: “Nhà tôi nuôi tầm 20 con gà để dành bán chợ hàng ngày.

Việc nuôi nhỏ lẻ gia đình như các chị em nên cũng hên- xui, hễ gà yếu hay bệnh thì ra thú y mua thuốc về đổ. Được ấp vận động, tôi đăng ký ngay lớp học này để biết các kiến thức để có thể chăn nuôi bài bản hơn”.

Cùng xóm với chị Nhung và nhà cũng nuôi vài chục con gà thả vườn, học viên Nguyễn Thị Nga nói “sống ở nông thôn thì phải chăn nuôi thôi” như để xác định sinh kế gia đình.

Nhà không làm ruộng, nên ngoài nuôi gà, chị Nga cũng nuôi chừng ấy vịt. Chị Nga coi đó là điều kiện để chị tích góp cho con cái ăn học và chi tiêu hàng ngày.

Chị Nhung, chị Nga nằm trong số 32 học viên của lớp “kỹ thuật chăn nuôi gia cầm” vừa khai giảng. Học viên của lớp là các bà, mẹ, chị và bác nông dân đã và đang có nuôi gia cầm.

Họ đến lớp với mong muốn học, biết kiến thức làm chuồng trại, nuôi, chăm sóc, thuốc men cho gà từ gây nuôi đến khi xuất bán.

Đáp lại mong mỏi rất sinh kế đó, giáo viên Phạm Hữu Tài (1 trong 2 giáo viên phụ trách lớp học) nói sẽ tập trung vào 2 việc căn cơ nhất cho bà con là: chuồng trại và các loại vắc xin dành cho chăn nuôi... để bà con có kiến thức và thực hành tốt công việc.

Tùy từng vùng hay lĩnh vực sản xuất, LĐNT là các bà, mẹ, chị, bác nông dân và họ luôn mong muốn ổn định sinh kế, đời sống gia đình bằng cái ngành nghề được học.
Tùy từng vùng hay lĩnh vực sản xuất, LĐNT là các bà, mẹ, chị, bác nông dân và họ luôn mong muốn ổn định sinh kế, đời sống gia đình bằng cái ngành nghề được học.

Ông Trần Văn Tám- Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên Tam Bình cho biết 6 tháng đầu năm 2019, trung tâm đã tổ chức 45 lớp dạy nghề cho LĐNT với 917 học viên theo học (đạt 114,62%), vượt so chỉ tiêu 800 học viên.

Trung tâm luôn đa dạng ngành nghề để mở và đảm bảo sao cho phù hợp nhu cầu, nguyện vọng của LĐNT. Các nghề đến nay mở lớp nhiều có: May công nghiệp, kỹ thuật chăn nuôi gia cầm (gà, vịt), hàn, sửa chữa lắp ráp xe máy, tiểu thủ công nghiệp, sinh vật cảnh...

Theo ông Trần Văn Tám, một số nghề học xong học viên làm tại trung tâm hoặc đi vào khu công nghiệp; những nghề nông nghiệp như nuôi gà, trồng bưởi thì học viên tận dụng diện tích canh tác tại địa phương để củng cố, phát triển quy mô sản xuất.

Trong các lớp dạy nghề nông nghiệp thời gian qua ở huyện Tam Bình, Chi cục PTNT thuộc Sở Nông nghiệp- PTNT Vĩnh Long đã phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên tổ chức 17 lớp với gần 400 học viên theo học, nguồn kinh phí hỗ trợ khoảng 700 triệu đồng.

Và từ các lớp dạy chăn nuôi gia cầm này đã tiến tới hình thành nhiều mô hình kỹ thuật chăn nuôi gia cầm ở các xã trong huyện.

Giải quyết việc làm và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất (chăn nuôi, trồng trọt) là một trong các yêu cầu quan trọng của đào tạo nghề cho LĐNT.

Ông Võ Văn Quốc- Chi cục trưởng Chi cục PTNT đánh giá cao công tác phối hợp với cơ sở thời gian qua trong tổ chức lớp học, nội dung học cho đối tượng này. Bà con vì vậy cần phát huy tinh thần học hỏi để có kiến thức, kỹ thuật mà vận dụng vào nuôi trồng hiệu quả.

Đại diện chính quyền cơ sở, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hòa Hiệp Nguyễn Hoàng Việt nói rất phấn khởi vì lớp học quy tụ gần như đầy đủ bà con tham gia.

Xã yêu cầu học viên nâng cao ý thức học tập, từ đó tích lũy điều kiện cho mình để phát triển chăn nuôi, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình.

Theo BCĐ “Đề án đào tạo nghề cho LĐNT” tỉnh, công tác này phải khảo sát và dự báo ngay từ cơ sở. Dù dạy nghề nông nghiệp hay phi nông nghiệp, trước hết phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng người học và đi kèm công tác giải quyết việc làm sau đó.

Tùy nhu cầu của LĐNT và thế mạnh của vùng hay lĩnh vực sản xuất nào đó, cơ quan hữu trách sẽ có ngành nghề phù hợp để dạy cho LĐNT, giúp họ thông thạo cái nghề, có việc làm và ổn định thu nhập.

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh