"Người ta bảo tôi viển vông, không thực tế. Nhưng với tôi, tình yêu dành cho sen nó như cái duyên khó dứt. Tôi muốn bất cứ mùa nào, ở bất cứ đất nước nào người ta cũng có thể được ngắm vẻ đẹp của loại hoa giản dị mà thanh tao này. Mỗi mùa hoa đi qua, nhìn những bông hoa tàn dần, tôi không cam tâm. Tôi muốn biến thứ hoa ấy thành bất tử, đẹp được 5 năm, 10 năm và thậm chí là lâu hơn"
“Người ta bảo tôi viển vông, không thực tế. Nhưng với tôi, tình yêu dành cho sen nó như cái duyên khó dứt. Tôi muốn bất cứ mùa nào, ở bất cứ đất nước nào người ta cũng có thể được ngắm vẻ đẹp của loại hoa giản dị mà thanh tao này. Mỗi mùa hoa đi qua, nhìn những bông hoa tàn dần, tôi không cam tâm. Tôi muốn biến thứ hoa ấy thành bất tử, đẹp được 5 năm, 10 năm và thậm chí là lâu hơn” – anh Kiều Cao Dũng chia sẻ.
Năm 2016, trong một dịp vô tình được biết về nghệ thuật làm hoa khô bất tử của nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu – người được coi là ông tổ của nghề hoa khô ở Việt Nam, chàng trai 33 tuổi Kiều Cao Dũng thích thú, ngay lập tức muốn học cái nghề đặc biệt này.
Nghĩ là làm, anh từ bỏ công việc kiếm hàng ngàn đô/tháng tại khách sạn lớn để đi tìm nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu “tầm sư học đạo”.
Với tình yêu đặc biệt dành cho sen, anh Dũng toàn tâm toàn ý muốn làm nên những bông sen bất tử với thời gian.
Những ngày hè tháng 5 tháng 6, trời nắng như đổ lửa, anh Dũng vẫn ngày ngày rong ruổi khắp các đầm sen ven hồ Tây. Đây là thời điểm sen nở rộ, hoa đẹp, màu tươi. Vậy nhưng mỗi ngày anh cũng chỉ chọn được gần 100 bông theo đúng tiêu chuẩn.
Những ngày cuối tháng 8, khi Hà Nội chớm chạm thu, những cánh đồng sen ven hồ Tây đã bắt đầu úa lá, hoa lác đác, hiếm hoi, rong ruổi cả buổi, anh Kiều Cao Dũng cũng chỉ tìm được 20 – 30 bông sen ưng ý.
Khác với làm trà sen, người ta chọn sen chỉ vừa hé miệng thì sen để làm sen bất tử phải là sen đã nở một lần vào ngày hôm trước, đến đêm cụp cánh lại mà chưa kịp nở lần 2.
“Khâu chọn sen này rất mực quan trọng. Nhất định phải là sen đã nở một lần, đón trọn một ngày nắng, sau đó cánh cúp lại, nhưng chưa bung nở lần hai.
Mình chỉ có thể hái hoa vào 4-5 giờ sáng hoặc 5-6 giờ chiều.” – anh Dũng vừa cẩn thận lựa từng búp hoa sen vừa chia sẻ.
“Tôi chủ yếu dùng sen hồ Tây vì sen này có độ dày cánh tốt, bông sen đẹp, màu sắc tươi. Trước đây mình từng thử mua sen Thái Bình, Hưng Yên nhưng chất lượng hoàn toàn không tốt bằng.”
Anh Dũng cho biết, bản thân phải tự tay chọn từng bông sen tươi. “Nếu tôi không trực tiếp xuống đầm hái thì hoa không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, không thể xử lý các công đoạn tiếp theo. Tôi đã từng bỏ đi hàng ngàn bông hoa vì lí do ấy, xót lắm!”.
Anh hài hước bảo, vì yêu thứ hoa này mà anh từ chàng trai làm du lịch lúc nào cũng chỉnh chu, bảnh bao lại thành người đàn ông “chân lấm tay bùn”: “Bạn bè cũ mà thấy tôi với bộ dạng quần ống cao ống thấp, đi chân đất lội bùn hái sen thế này chắc lạ lắm”.
Kì công quy trình biến sen thành ‘bất tử’
Để biến một bông sen tươi thành bông sen bất tử phải trải qua rất nhiều công đoạn, kết hợp với đủ loại hóa chất khác nhau kèm theo bí quyết, kĩ thuật riêng của người làm nghề. Một bông hoa tươi cần từ 12 – 15 ngày để thành hoa khô đạt chuẩn.
“Khi mang sen từ đầm về, trước hết là tôi phải cắm sen trong nước 3 - 5 tiếng. Đây được gọi là quá trình “hồi hoa”, giúp sen tươi trở lại, cánh hoa cứng và dẻo hơn.
Sau đó tôi mới cắt từng bông và xử lý trong dung dịch hóa chất trong khoảng 10 ngày. Khi đó, hoa sẽ chuyển từ màu hồng về màu trắng, nhưng hình dạng bông hoa vẫn được đảm bảo nguyên vẹn, không dập nát.”
Khi hoa sen đã chuyển về màu trắng, anh Dũng mới bắt tay vào tạo màu cho hoa. Nhuộm màu cho hoa cũng thật lắm công phu vì mỗi bông một kiểu, bông già bông non, bông có cánh cứng, bông có cánh mềm nên độ thẩm thấu màu khác nhau.
Loại màu dùng ngâm hoa là màu thực phẩm, phải tuyệt đối an toàn để đảm bảo hoa đẹp mà không độc hại, có thể chơi trong nhà.
“Công thức pha màu tôi cũng phải nghiên cứu rồi thử nghiệm hết lần này đến lần khác. Có những khi tưởng chừng phải dừng lại vì liên tiếp thất bại, hoa lên màu không như ý...” – anh Dũng chia sẻ.
Thông thường, hoa được ngâm trong dung dịch tạo màu 2-3 ngày. “Tôi phải canh giờ chính xác tuyệt đối. Ngâm lâu một chút thì hoa hỏng nát, ngâm thiếu thời gian một chút thì hoa không thấm màu”.
Sau khi hoa được vớt ra sẽ được sấy khô trong lò. Tùy thuộc vào độ dẻo mình mong muốn thì sẽ sấy hoa 3 – 5 ngày và đảm bảo mỗi ngày nhiệt độ được điều chỉnh thấp đi một chút cho phù hợp.
Không chỉ bông hoa sen, lá sen, ngó sen, anh Dũng đều chắt chiu chọn lọc, mang về làm thành đồ khô, bảo quản được 5 năm, 10 năm.
Nhớ lại những ngày đầu không có kinh nghiệm, tự tay phải đổ đi hàng ngàn bông sen, lá sen mà anh không khỏi xót xa. Có những lúc tưởng chừng anh phải dừng lại vì công sức đổ sông đổ bể, tiền bạc cũng lần lượt ra đi.
3 năm trời bám lấy cái nghề nhiều người bảo viển vông, anh Dũng mới thật sự tạo thành công những bông sen khô bất tử. Nếu được trưng trong nhà, không ẩm mốc và ít chịu ánh nắng trực tiếp, hoa có thể đẹp 5 năm, 10 năm thậm chí lâu hơn.
Mang sen Việt ra thế giới
Giữ được hình hài, màu sắc cho sen thì chưa đủ để đưa sen đến với nhiều người hơn, đặc biệt là bạn bè quốc tế, anh Dũng lại nung nấu đi tìm hướng đi cho những bông sen bất tử.
Sau khi tạo ra những bông sen bất tử, anh lặn lội đến các làng nghề, tìm ý tưởng kết hợp lá sen, hoa sen khô với các sản phẩm truyền thống như nón lá, tranh Đông Hồ, thư pháp...
Từ những lá sen, hoa sen khô đến khi trở thành tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh mang đậm nét dân gian Việt Nam lại là một hành trình dài.
“Nhiều văn hóa nghệ thuật dân gian của Việt Nam đã bị mai một, quên lãng theo thời gian. Khi tôi đi tìm hiểu mới thấy, cả làng tranh Đông Hồ thì chỉ còn 2 gia đình giữ nghề truyền thống. Ở làng tranh Hàng Trống cũng chỉ còn nghệ nhân Lê Đình Nghiên.
Tôi muốn làm gì đó để giúp những giá trị đó trở lại với giới trẻ. Nhưng tôi không thể học vẽ tranh hay bảo tồn dòng tranh đó một cách chính thống nên tôi muốn chuyển thể nó một cách linh hoạt hơn.
Đó là lí do tôi muốn biến lá sen, hoa sen bất tử thành nguyên liệu tái hiện lại những tác phẩm đó hoặc kết hợp chúng hài hòa với nhau.”, anh Dũng chia sẻ.
Họa sĩ Hoàng Hằng - một người bạn cùng anh Dũng thực hiện những bức tranh trên chất liệu giấy kết hợp lá sen chia sẻ: "Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ có loại giấy, chất liệu đặc biệt như thế này.
Vẽ trên lá sen có điểm khó là lá còn gân nên cách đưa bút phải khéo léo hơn, lực mạnh nhẹ linh hoạt. Nhưng tôi luôn thấy phấn khích, thích thú khi được thực hiện những tác phẩm trên chất liệu này."
Những tác phẩm từ sen, lá sen bất tử lần lượt ra đời và nhận được phản hồi tích cực từ khách trong và ngoài nước là động lực của chàng trai Kiều Cao Dũng cùng nhóm đồng nghiệp của anh.
Sau 3 năm dám thử sức đối mặt thách thức, từ bỏ công việc ngàn đô đi tìm con đường giữ hồn sen bất tử, điều chàng trai 8X tự hào nhất đó là anh đang góp được một phần sức bé nhỏ vào việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của Việt Nam.
Giờ đây vào mùa nào, tại đất nước nào, hoa sen Việt cũng có thể khoe sắc, giữ nguyên hồn cốt của loại quốc hoa truyền thống, giản dị nhưng thanh tao.
Theo Toàn Vũ (Dân Trí)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin