Thân nhân liệt sĩ và những ký ức tự hào

10:07, 22/07/2019

Trong ký ức của một số thân nhân liệt sĩ (con, cháu) với cha mẹ, chú bác, ông bà mình thời chiến tranh chống Pháp, Mỹ đôi khi chỉ còn lại là lời kể chắp nối giữa anh em hay từ người trong họ hàng, làng xóm. Nhưng những ký ức ấy, hôm nay, trong cuộc sống hòa bình hàng chục năm qua vẫn được lưu giữ rất cẩn thận và luôn rất đỗi tự hào.

Trong ký ức của một số thân nhân liệt sĩ (con, cháu) với cha mẹ, chú bác, ông bà mình thời chiến tranh chống Pháp, Mỹ đôi khi chỉ còn lại là lời kể chắp nối giữa anh em hay từ người trong họ hàng, làng xóm. Nhưng những ký ức ấy, hôm nay, trong cuộc sống hòa bình hàng chục năm qua vẫn được lưu giữ rất cẩn thận và luôn rất đỗi tự hào.

Bà Nguyễn Thị Em kể và tự hào về người cha liệt sĩ của mình trong ký ức trẻ thơ từ 70 năm trước.
Bà Nguyễn Thị Em kể và tự hào về người cha liệt sĩ của mình trong ký ức trẻ thơ từ 70 năm trước.

Giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng là một trong những vấn đề quan trọng trong thực hiện tốt chính sách đối với người có công và thân nhân của họ.

Với nỗ lực của chính quyền các cấp, các ngành chức năng, đến nay hầu hết hồ sơ liệt sĩ, người có công ở Vĩnh Long đã được giải quyết, góp phần thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước trong quan tâm chăm lo, ưu đãi với người có công.

Công tác chăm lo cho người có công với cách mạng luôn các cấp chính quyền, ngành và đoàn thể quan tâm (Trong ảnh: Báo Vĩnh Long, đơn vị phụng dưỡng 2 bà mẹ Việt Nam anh hùng ở xã Trung Hiệp)
Công tác chăm lo cho người có công với cách mạng luôn các cấp chính quyền, ngành và đoàn thể quan tâm (Trong ảnh: Báo Vĩnh Long, đơn vị phụng dưỡng 2 bà mẹ Việt Nam anh hùng ở xã Trung Hiệp)

 Chúng tôi về ấp Mỹ Thạnh B (xã Mỹ Thuận- TX Bình Minh) gặp bà Nguyễn Thị Em (sinh năm 1946)- con gái của liệt sĩ Nguyễn Văn Lình. Trong ký ức trẻ thơ cách đây khoảng 70 năm, ký ức về cha mình chỉ còn qua lời kể của bác, của mẹ nhưng những câu chuyện ấy đều là niềm tự hào của cô và con cháu trong nhà.

“Hồi đó, nhà có tờ giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ, nâng niu để vô khung thì bị mối mọt ăn, đem cất vô tủ thì có chuyện không may, tờ giấy bị cháy hết. Đến năm 2014, tui xin cấp lại thì được chính quyền và ngành chức năng tích cực hỗ trợ và nhanh chóng hoàn thành lại hồ sơ liệt sĩ”- cô Nguyễn Thị Em kể.

Năm 2017, gia đình bà Nguyễn Thị Em vinh dự nhận bằng Tổ quốc ghi công của cha. Với bà, 1 trong 2 người con gái nhỏ năm xưa khi cha mình xa gia đình để đi cách mạng, “cảm giác tự hào thực sự lớn lao, dù khi cha ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ và đến tấm ảnh để lại cho cháu con sau này cũng không còn”.

Bà Nguyễn Thị Em nhớ đợt đó, cùng thời kháng chiến chống Pháp, ở địa phương có 7 người được nhận bằng Tổ quốc ghi công như vậy.

Tại tỉnh Vĩnh Long, thiết thực kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, hôm nay ngày 22/7 này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với tỉnh để tổ chức Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công cho đại diện 72 thân nhân liệt sĩ từ các tỉnh- thành (Vĩnh Long có 11 thân nhân).

Đợt trao bằng Tổ quốc ghi công dự kiến sẽ tổ chức ngày 22/7 sắp tới ở tỉnh, ông Lê Văn Ca (sinh năm 1968, ngụ ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Xuân- Trà Ôn) nằm trong danh sách 11 thân nhân là con, cháu liệt sĩ dự lễ trao bằng Tổ quốc ghi công. Cha của ông Lê Văn Ca là liệt sĩ Lê Văn Tốt.

Trong ký ức nhạt nhòa bao năm qua từ bà nội (đã mất) và các chú kể lại, ông Lê Văn Ca chỉ biết ba mình là du kích xã và mất năm khoảng 1969-1970 trong một trận càn.

Cha hôm nay đã được công nhận là liệt sĩ, đó là điều ông Lê Văn Ca cảm thấy tự hào. Cảm giác ấy được ông giữ bên mình y như luôn nhớ cái ngày bà nội hàng năm giỗ cha ngày 25/11 âm lịch.

Ông Lê Văn Ca vẫn lưu giữ lời kể và ngày giỗ mà bà nội giỗ người cha liệt sĩ hàng năm.
Ông Lê Văn Ca vẫn lưu giữ lời kể và ngày giỗ mà bà nội giỗ người cha liệt sĩ hàng năm.

Trong căn nhà được hỗ trợ xây dựng theo chính sách người có công, chú Lê Văn Ca xúc động khi nhắc về cha mình: “Chuyện về cha thì tôi chẳng biết bao nhiêu vì bà nội và các chú sợ kể lại, các cháu lại buồn. Cha làm du kích ở xã, mới 25 tuổi thì bị mìn nổ chết, lòi cả ruột gan”.

Chú Ca chỉ về hướng Nghĩa trang liệt sĩ huyện Trà Ôn, rồi kể thêm ngoài cha mình là liệt sĩ, họ hàng còn có chú Ba, chú Năm năm xưa chiến đấu và giờ là cựu chiến binh. Bà ngoại của vợ ông Lê Văn Ca là mẹ Việt Nam anh hùng, năm nay khoảng 96 tuổi. Mỗi năm ngày giỗ, con cháu quây quần ăn bữa cơm kể chuyện về ông bà.

Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Xuân Huỳnh Thanh Điền cho biết, hiện toàn xã có 547 người có công với cách mạng, bao gồm liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, cựu chiến binh...

Hồ sơ liệt sĩ ở xã không còn tồn đọng. Công tác chăm lo cho người có công luôn được chú trọng. Mỗi năm ngày 27/7, xã đều có buổi họp mặt ôn lại truyền thống, ghi nhớ công ơn người đã hy sinh cho độc lập dân tộc. Năm nay, Vĩnh Xuân đã có kế hoạch trao 50 phần quà cho các gia đình chính sách.

Đó là một trong các nhiệm vụ thường xuyên ở cơ sở cùng các cấp chính quyền, ngành có chức năng góp phần chăm lo tốt hơn cho người có công.

Qua các tư liệu, qua thực tế với nhiều thân nhân liệt sĩ là con, là cháu của cha anh là liệt sĩ chiến trường xưa, đã thấy hồ sơ được giải quyết đều là sự cố gắng rất lớn của các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là vai trò rất quan trọng của chính quyền cơ sở mà trong số đó là các nhân chứng lịch sử, lão thành cách mạng. Mọi người đã nỗ lực hết mình trong tìm kiếm, chắt lọc thông tin ít ỏi, chứng cứ dù là nhỏ nhất để thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, ghi nhớ công ơn cha anh...

Bài, ảnh: MINH THÁI – PHƯƠNG THÚY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh