Huyện Bình Tân là địa phương đi đầu trong công tác đền ơn đáp nghĩa, thực hiện tốt chính sách với gia đình có công với cách mạng. Giữ vững, tiếp nối truyền thống của vùng đất cách mạng anh hùng, Bình Tân không ngừng phát triển, đổi mới đời sống để xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha anh, đặc biệt, nêu cao tinh thần, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.
Huyện Bình Tân là địa phương đi đầu trong công tác đền ơn đáp nghĩa, thực hiện tốt chính sách với gia đình có công với cách mạng. Giữ vững, tiếp nối truyền thống của vùng đất cách mạng anh hùng, Bình Tân không ngừng phát triển, đổi mới đời sống để xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha anh, đặc biệt, nêu cao tinh thần, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Vùng căn cứ cách mạng xưa, giờ trở thành những vùng rẫy chuyên canh của Bình Tân. |
Vùng căn cứ cách mạng
Mỗi lần về Bình Tân ngang qua những địa danh xã Nguyễn Văn Thảnh, xã Mỹ Thuận đến ngã ba Xẻo Mát, kéo dài đến hai xã Tân Nhuận Đông và An Phú Thuận thuộc huyện Châu Thành (Đồng Tháp) lại hình dung đến một vùng căn cứ cách mạng ngày xưa qua lời kể của các chú cựu chiến binh.
Hình dung về một vùng chữ V chiến lược từng diễn ra biết bao trận đấu ác liệt giằng co từng thế trận. Cho nên nơi đây cũng là vùng đất thấm đẫm biết bao hy sinh, bao máu xương đã nằm lại đất này.
Về vùng chữ V ngày nay có thể đi bằng đường sông theo kinh Tầm Vu hoặc theo Đường tỉnh 908, xanh ngút ngát màu xanh của ruộng rẫy, vào tận vùng lõm căn cứ cách mạng ở các khu vực lân cận xã Thuận An cũng chẳng thể nào nhận ra một địa bàn đứng chân vững chắc của bộ đội ta.
Vùng này đã từng kiên gan đáp trả hàng ngàn trận càn lớn nhỏ của giặc, dù từ hướng Bình Minh vào hay áp sát từ hướng sông kề cận là Tây Đô xưa với đủ loại máy bay, tàu chiến, vũ khí đạn dược đầy đủ.
Vùng chữ V vẫn vững vàng như niềm tin, chỗ dựa của bộ đội và cán bộ cách mạng. Đây là địa bàn trọng yếu Bắc sông Hậu sát nách “Tây đô”- Cần Thơ của địch, trong khi Tầm Vu xem như “căn cứ kháng chiến” của Bình Minh, nên ta và địch luôn giằng co ác liệt.
Nhắc những câu chuyện ngày xưa ở các vùng căn cứ, ông Phạm Hà Đông- nguyên Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thuận (78 tuổi)- còn nhớ như in về một thời chiến tranh, cả một vùng cây cối rậm rạp hoang vu tựa rừng thẳm, lội rả cẳng thiệt xa mới thấy thấp thoáng một mái nhà.
Hồi đó toàn là đi theo lối mòn trong bưng, xung quanh phủ đầy cỏ, ô môi, bình bát, lục bình, đưng, lác… Rắn rít thời đó nó bò lổm ngổm. Biết bao hiểm nguy rình rập, trận địa luôn căng ra trong tư thế sẵn sàng. Người lính sẵn sàng chiến đấu và sẵn sàng hy sinh bất cứ lúc nào.
Chuyện của mẹ Năm
![]() |
Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Hưng Lê Văn Bé Ba (bìa trái) thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Anh (thứ 2, trái sang). |
Cùng chúng tôi vào thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Anh (81 tuổi) ở ấp Hưng Thuận, còn có anh Trần Thanh Minh- cán bộ phụ trách thương binh- xã hội xã Tân Hưng và Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Hưng Lê Văn Bé Ba.
Con đường vào nhà mẹ thật khó khăn, cặp theo con kinh vào tuốt trong khu vực giữa đồng. Nếu trời mưa thì muốn qua đoạn đường 2 cây số vào nhà mẹ là coi như… thua.
Mẹ cười tươi rói và câu chuyện bắt ngay vào những niềm vui liên tiếp mấy ngày nay, “mẹ vừa mừng thọ, có con cháu trên Sài Gòn về 4 chiếc xe hơi luôn”. Mẹ mừng quá bước lật đật sao mà trật khớp gối, may có ông thầy bó bột nên vừa hết, thì tới cái bao tử nó hành.
“Mẹ coi khỏe vậy mà mang đủ bệnh trong mình hết con ơi, phần tuổi cao, phần hồi xưa ở tù nó giựt điện trên đầu, rồi nó oánh nhừ tử, phải 3 năm nó mới thả ra đó”.
Dù chuyện vui, chuyện buồn, mẹ Năm nói bằng giọng rất lạc quan, nụ cười móm mém như thường trực, nên “người ta kêu mẹ là bà Năm vui vẻ mờ”.
Mẹ vui bởi vì được sống trong những ngày đất nước thống nhất, bà con yên ổn không còn phải phập phồng bom đạn nó trút lên đầu bất cứ lúc nào, dù 1 người con trai đầu và người chồng đã hy sinh, mẹ
Năm thấy sự hy sinh xứng đáng, mẹ được chính quyền địa phương từ xã cho tới huyện đặc biệt quan tâm, mẹ đi khám bệnh thì từ y tá cho tới bác sĩ lớn nhỏ đều ân cần chăm sóc mẹ chu đáo…
“Mẹ vui lắm con, thỏa nguyện cuối đời rồi. Hôm lễ 27/7, nói cái bao tử nó hành mà mẹ thì ăn uống có chút xíu hà, vậy mà ngoài xã mấy cháu nó nhất quyết chạy vô tới nhà chở mẹ ra dự lễ. Mẹ diện chiếc áo dài thiệt đẹp, mẹ chụp hình rất nhiều. Vui lắm!”
Nhìn mẹ luôn miệng cười vui vẻ, hẳn khó mà hình dung đời mẹ gian truân, đau khổ thế nào. Chồng mẹ- ông Huỳnh Văn Răng bí danh Chín Công- nổi tiếng là điều trị giỏi cho bệnh binh lẫn người dân trong vùng được nhiều người quý mến yêu thương.
Đi làm cách mạng bao nhiêu năm không một lần bị thương, vậy mà chỉ vì 1 mảnh đạn ghim vô ngực, ông hy sinh năm 1970. “Tới 3 tháng sau khi lội bộ vô thăm chồng mới hay ổng đã hy sinh, mẹ thiếu điều chết đứng vậy con”- mẹ Năm kể.
Ông Chín Công hy sinh, để lại cho mẹ Năm 2 người con trai và người con gái út, ở nhà 1 nách 3 con nhưng mẹ vẫn hăng hái tham gia hoạt động cách mạng, “quê mẹ là Đồng Khởi Bến Tre mà con”.
Mẹ khoe, khoe cả chiến công cùng đồng đội chặn đường cướp cả xe chở bạc phát lương lính địch thời kháng chiến. Sau trận đó, mẹ bị bắt giam 3 năm chúng đánh đập tra tấn đủ kiểu, chúng câu điện lên đầu chích cho điện giựt mẹ rớt từ trên ghế xuống đất bị đôn cột sống, để lại di chứng cho mẹ Năm đến giờ.
Rồi đến ngày đất nước thống nhất, mẹ vui biết nhường nào, từ đây không còn cảnh lo âu, không còn sợ đạn bom chết chóc, vậy mà có ngờ đâu…
Thằng Hai là Huỳnh Văn Rở lên đường làm nhiệm vụ biên giới Tây Nam năm 1977 thì năm 1978 có giấy báo nó đã hy sinh ở ngã ba Bình Hòa (huyện Châu Thành- An Giang). Hòa bình rồi, mà đất nước vẫn chưa yên, vẫn tiếp tục đổ máu, hy sinh, hỏi còn đau xót nào hơn?
Câu chuyện của mẹ Năm thật dài, nhắc chuyện đã qua với tâm thế lạc quan, dẫu có buồn nhưng mẹ cảm nhận sự hy sinh của chồng con là niềm tự hào, là vinh dự hiến dâng cuộc đời mình cho Tổ quốc và mẹ cảm thấy ấm áp khi luôn nhận được sự quan tâm chăm sóc chu đáo, đặc biệt của chính quyền địa phương.
Người dân Bình Tân ngày nay luôn tự hào là vùng đất lịch sử, tự hào về thế hệ cha anh đã cống hiến, hy sinh vì nền độc lập tự do của đất nước; cùng với đó là thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.
Do đó, mà trong nhiều năm qua Bình Tân luôn đi đầu trong công tác đền ơn đáp nghĩa, một công việc không chỉ vào những dịp tháng 7 hàng năm, mà nó diễn ra thường trực, chân tình, bằng tình cảm tri ân xuất phát từ sâu thẳm trái tim.
Trong đó, đặc biệt đối với các mẹ Việt Nam anh hùng, đa phần các mẹ tuổi cao sức yếu, càng được sự chăm sóc quan tâm đặc biệt của các ngành, các cấp ở địa phương.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin