Sau khi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) có hiệu lực, ngày 10/6/2008, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 10 về việc tổ chức triển khai thi hành Luật Phòng, chống BLGĐ trên địa bàn tỉnh.
Sau khi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) có hiệu lực, ngày 10/6/2008, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 10 về việc tổ chức triển khai thi hành Luật Phòng, chống BLGĐ trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Kế hoạch hành động phòng, chống BLGĐ đến năm 2020 và nhiều kế hoạch, đề án liên quan đến công tác gia đình.
Giai đoạn 2008- 2018, ngành văn hóa đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể tỉnh thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền Luật Phòng, chống BLGĐ với nhiều hình thức phong phú.
Cụ thể như: Tuyên truyền cổ động trực quan thông qua các pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, tờ bướm, tài liệu nghiệp vụ tuyên truyền Luật Phòng, chống BLGĐ cấp phát cho tất cả các hộ dân trên địa bàn tỉnh; xuất bản 7 tập sách “Những gương điển hình gia đình văn hóa tiêu biểu” (in 2.700 cuốn) nêu gương gần 280 hộ gia đình văn hóa tiêu biểu, trong đó đã có những đóng góp tích cực trong phòng, chống BLGĐ.
Bình quân hàng năm, trên địa bàn tỉnh tổ chức gần 15 lớp tập huấn, sinh hoạt chuyên đề tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ, bình đẳng giới trong gia đình, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, giữ gìn hạnh phúc gia đình, giáo dục đời sống gia đình… bình quân mỗi cuộc có gần 100 người tham dự.
Các cơ quan thông tin đại chúng như: Báo Vĩnh Long, Đài Phát thanh- Truyền hình và tờ tin các huyện- thị cũng thường xuyên đăng tin, bài liên quan đến phòng, chống BLGĐ, tuyên truyền về các mô hình CLB Gia đình hạnh phúc, xây dựng gia đình văn hóa, bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương, gia đình không bạo lực, ý nghĩa ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), ngày Gia đình Việt Nam (28/6), ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25/11),...
Ngoài ra, toàn tỉnh đã phát loa truyền thanh tuyên truyền bình quân hàng năm gần 1.000 cuộc thu hút gần hàng trăm ngàn lượt người nghe.
6 tháng đầu năm, Sở VH, TT và DL đã tổ chức 6 lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ công tác gia đình, có trên 500 đại biểu là công chức phụ trách công tác gia đình của 6 huyện- thị; công chức văn hóa xã và trưởng hoặc phó các ấp- khóm- khu trên địa bàn tỉnh.
Qua đây các cán bộ làm công tác gia đình các cấp được trang bị những kiến thức chuyên môn, các chủ trương, chính sách mới về công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ. Đồng thời, nâng cao năng lực, kỹ năng trong việc thu thập, báo cáo thông tin về gia đình và phòng, chống BLGĐ tại địa phương.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền luôn được Sở VH, TT và DL quan tâm, đẩy mạnh; đặc biệt chú trọng những xã vùng sâu, vùng có đông dân tộc Khmer sinh sống.
Sở đã chủ động phối hợp Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh tổ chức 2 cuộc tuyên truyền giáo dục đời sống gia đình, phát huy các giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững tại 2 địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống; tổ chức 5 cuộc tuyên truyền phòng, chống BLGĐ cho gần 390 đại biểu là trưởng ấp, tổ trưởng, thành viên các hộ gia đình nòng cốt, hộ gia đình có người gây BLGĐ, đối tượng có nguy cơ gây BLGĐ nhân tháng hành động quốc gia phòng, chống BLGĐ (tháng 6) có khoảng 540 đại biểu tham dự.
Từ mô hình điểm do Bộ VH, TT và DL triển khai, Sở VH, TT và DL đã tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình cho những xã ở vùng ven, vùng sâu, vùng có đông dân tộc khmer sinh sống, xã có số vụ BLGĐ cao trên địa bàn tỉnh. Năm 2019, Sở VH, TT và DL nhân rộng mô hình can thiệp phòng, chống BLGĐ cho 2 xã mới gồm xã Bình Hòa Phước (Long Hồ) và xã Trung Nghĩa (Vũng Liêm); Đề án tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình tại xã Tân Mỹ (Trà Ôn).
Đến nay, toàn tỉnh đã có 78/109 xã- phường- thị trấn được triển khai mô hình; 7 xã- phường được triển khai đề án. Trong đó, Sở VH, TT và DL triển khai mô hình tại 34 địa phương, phòng văn hóa và thông tin các huyện- thị- thành nhân rộng 44 địa phương. Đến cuối năm 2018, 100% xã- phường- thị trấn thuộc TP Vĩnh Long, huyện Tam Bình, Trà Ôn và Mang Thít đã được triển khai mô hình.
Thông qua sinh hoạt CLB Gia đình phát triển bền vững và họp ấp- khóm tại 85 xã- phường- thị trấn triển khai mô hình, đề án đã tác động tích cực đến từng hộ gia đình về thực thi Luật Phòng, chống BLGĐ, góp phần tích cực trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Số hộ gia đình trên địa bàn tỉnh tăng qua các năm, đến nay toàn tỉnh, có 251.511 hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa, đạt 95,1% tăng 0,4% so với năm 2017; 815/847 ấp- khóm- khu đạt chuẩn văn hóa, đạt 96,2% tăng 10 ấp- khóm- khu so với năm 2017; 56/94 xã đạt danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, đạt 59,6% tăng 7 xã so với 2017; 7/15 phường- thị trấn đạt danh hiệu “Phường- thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”, đạt 46,6% tăng 5 phường- thị trấn so 2017.
Theo thống kê thông tin về gia đình và phòng chống BLGĐ trên địa bàn tỉnh, hàng năm số vụ BLGĐ biến động theo chiều hướng giảm. Năm 2018, toàn tỉnh có 50 vụ BLGĐ, giảm 41 vụ so với năm 2017.
Ngoài ra, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã có 159 tập thể, cá nhân đã được khen thưởng trong hoạt động phòng, chống BLGĐ ở địa phương, trong đó: 116 tập thể và cá nhân nhận giấy khen của Sở VH, TT và DL, 38 tập thể và cá nhân nhận bằng khen UBND tỉnh và 5 tập thể, cá nhân nhận bằng khen của Bộ VH, TT và DL.
Ông Trần Minh Hiệp- Công chức văn hóa, Phó trưởng BCĐ công tác gia đình xã Lộc Hòa (Long Hồ)- cho biết: “BLGĐ không chấm dứt hoàn toàn, nó có thể tái diễn ra bất cứ lúc nào. Vì vậy, công tác tuyên truyền cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục”.
Để công tác phòng, chống BLGĐ trên địa bàn tỉnh thời gian tới đạt hiệu quả hơn nữa, thiết nghĩ các ngành, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương cần phát huy hơn nữa sự quan tâm cũng như chỉ đạo, tạo điều kiện để các ban ngành, tổ chức đoàn thể phát huy tốt vai trò tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống BLGĐ.
Củng cố, duy trì hoạt động mô hình can thiệp phòng, chống BLGĐ tại các địa phương đã triển khai, đồng thời tiếp tục nhân rộng cho các xã- phường- thị trấn chưa được triển khai. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tích cực, tạo động lực trong công tác phòng, chống BLGĐ tại địa phương.
Thực hiện mục tiêu của Kế hoạch hành động phòng, chống BLGĐ là nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội trong công tác phòng, chống BLGĐ; từng bước ngăn chặn và giảm dần số vụ BLGĐ trên phạm vi toàn tỉnh, trong đó chú trọng công tác phòng ngừa BLGĐ. Sở VH, TT và DL với vai trò là thường trực BCĐ công tác gia đình tỉnh Vĩnh Long đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện hiệu quả nhiệm vụ công tác gia đình nói chung và phòng, chống BLGĐ nói riêng. |
HOÀNG OANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin