Nằm ven sông rạch, thời gian qua trên địa bàn phường Thành Phước (TX Bình Minh) đã xảy ra 2 vụ sạt lở nghiêm trọng ở Khóm 1 và Khóm 3 khiến người dân vùng ảnh hưởng phải khẩn cấp di dời. Chúng tôi đến thăm người dân sống chịu ảnh hưởng bên bờ sông Hậu, nay đã an cư.
Nằm ven sông rạch, thời gian qua trên địa bàn phường Thành Phước (TX Bình Minh) đã xảy ra 2 vụ sạt lở nghiêm trọng ở Khóm 1 và Khóm 3 khiến người dân vùng ảnh hưởng phải khẩn cấp di dời. Chúng tôi đến thăm người dân sống chịu ảnh hưởng bên bờ sông Hậu, nay đã an cư.
Hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở ven sông Hậu đã an cư trong Khu dân cư Khóm 1. |
Người dân bờ sông Hậu đã an cư
Còn nhớ chiều tối 22/8/2017, hàng chục hộ dân ở “xóm Bắp” ven sông Hậu thuộc Tổ 6, Khóm 3 (phường Thành Phước) bàng hoàng sau trận lở đất đột ngột. Khu vực này tiếp diễn nhiều đợt lở liên tiếp sau đó, ăn sâu vào bờ hàng chục mét gây ảnh hưởng 34 hộ, khiến các hộ này phải khẩn cấp di dời.
Ngày 30/8/2017, UBND tỉnh đã công bố thiên tai do sạt lở ở khu vực này (cấp độ rủi ro thiên tai do sạt lở thuộc cấp độ 1).
Theo ông Trần Văn Tám, việc khắc phục khu vực sạt lở cặp sông Hậu đã được Sở Nông nghiệp- PTNT bố trí vốn thực hiện trong giai đoạn 2018- 2020 thông qua dự án đầu tư xây dựng công trình đê bao dọc sông Hậu tỉnh Vĩnh Long đã tạo điều kiện cho nhiều hộ dân được an cư.
Theo đó, 31/34 hộ bị ảnh hưởng đã được bố trí vào khu dân cư Khóm 1 của phường. Ông Lê Việt Triều- Bí thư kiêm Trưởng Khóm 1- cho hay, 31 hộ dân bị sạt lở bờ sông Hậu dời lên khu dân cư hiện đều có việc làm, cuộc sống khá ổn định, nhà cửa khang trang.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà kiên cố gần chợ Thành Phước, ông Võ Văn Liêm- một trong những hộ bị ảnh hưởng vụ sạt lở bờ sông Hậu- nói: “Trận sạt lở lớn xảy ra đột ngột khiến cả nhà tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Vài tháng sau sạt lở, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng dời vào khu dân cư này, xây nhà mới kiên cố.
Quen sống cạnh sông nước và kiếm tiền cũng theo sông (đi xà lan- PV) nên việc dời lên ở hẳn trên bờ với cả nhà có chút khó khăn. Bù lại giờ nhà gần chợ, gần trường học, liền đường… nên việc đi lại, học hành của các cháu thuận tiện. Các con đi làm tại các công ty, thu nhập khá ổn định”.
Mong kinh Hai Quý sớm làm kè
Sau vụ sạt lở bờ sông Hậu, rạng sáng 8/5/2018, một vụ sạt lở đã xảy ra tại bờ kinh Hai Quý (gần cầu Thành Lợi) thuộc Tổ 1, Khóm 1 (phường Thành Phước) ăn sâu vào bờ khoảng 5m gây đứt 1 đoạn đường đan, tới sát tường rào nhà dân, khiến 7 hộ phải khẩn cấp di dời.
Khu vực này cũng xảy ra thêm nhiều đợt lở mới liên tiếp ăn sâu vào bờ sau đó. Vài ngày sau đó, UBND tỉnh Vĩnh Long công bố thiên tai do sạt lở bờ tại khu vực này, cấp độ rủi ro thiên tai thuộc cấp độ 1. Các hộ bị ảnh hưởng di dời, đoạn sạt lở đã được gia cố tạm. Tuy nhiên, nguy cơ sạt lở tiếp diễn cao.
Để giải quyết vấn đề trên, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở bờ sông kinh Hai Quý với tổng mức đầu tư gần 140 tỷ đồng.
Theo dự kiến, tuyến kè kinh Hai Quý được xây dựng mới dài khoảng 450m (đoạn từ bến tàu hiện hữu đến đường Phan Văn Quân), hành lang kè rộng 5m; đường giao thông rộng 3,5m; vỉa hè và hệ thống thoát nước rộng 3m; cao trình đỉnh kè +2,7m, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2021.
Trong đó, giai đoạn 1 (từ năm 2019- 2020), xây kè đoạn từ bến tàu hiện hữu đến đường nhựa nối vào Trạm Y tế phường Thành Phước dài khoảng 300m, chi phí khoảng 107 tỷ đồng.
Giai đoạn 2 (sau năm 2020), xây kè đoạn từ đường nhựa nối vào Trạm y tế phường Thành Phước đến đường Phan Văn Quân dài khoảng 150m; chi phí khoảng 33 tỷ đồng.
Việc đầu tư xây dựng mới tuyến kè nhằm khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân; công trình công cộng; kết hợp đồng bộ với công trình hạ tầng kỹ thuật khu vực chống ngập và chỉnh trang đô thị; thích ứng với biến đổi khí hậu; ổn định và cải thiện điều kiện sống cho hơn 250 hộ dân thuộc khu vực dự án.
Cô Võ Thị Vô (Khóm 1, phường Thành Phước) cho biết: “Chúng tôi mong sớm làm kè để người dân an tâm. Vì từ khi xảy ra sạt lở, quanh đây không ai mua bán như lúc trước”. Cạnh đó, ông Lê Văn Dũng tiếp lời: “Người dân ở đây mong làm kè để hết sợ lở, cất nhà cửa khang trang, yên tâm mua bán”.
Theo ông Trần Văn Tám, do nằm ven sông rạch nên hầu như năm nào ở phường cũng xảy ra sạt lở, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Phường đang rà soát, gia cố, khép kín các tuyến đê bao; chuẩn bị nạo vét kinh Tuổi Trẻ để “chia lửa” thoát nước và áp lực dòng chảy với kinh Hai Quý. “Các giải pháp nhằm góp phần chống ngập, chống sạt lở”- ông Trần Văn Tám nói.
Đồng chí Nguyễn Hiếu Nghĩa- Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Bình Minh Ngoài nguồn vốn đầu tư xây kè của Trung ương, địa phương sẽ hỗ trợ bồi hoàn tái định cư cho người dân. Trước mắt, sẽ ưu tiên bố trí cho những hộ có nhu cầu bức xúc ở vùng sạt lở. Ông cũng cho hay, kè kinh Hai Quý và các tuyến kè hoàn thành sẽ tạo bộ mặt mới cho đô thị, người dân an cư nơi ở mới, ổn định cuộc sống. |
Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin