"Nên hình thành dự án truyền thông về biến đổi khí hậu (BĐKH) để các nhà báo trở thành "người trong cuộc" chứ không phải là "người quan sát" từ bên ngoài hay bên lề"- nhà báo Lê Xuân Trung- Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ- chia sẻ quan điểm tại hội thảo truyền thông về BĐKH ở ĐBSCL.
“Nên hình thành dự án truyền thông về biến đổi khí hậu (BĐKH) để các nhà báo trở thành “người trong cuộc” chứ không phải là “người quan sát” từ bên ngoài hay bên lề”- nhà báo Lê Xuân Trung- Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ- chia sẻ quan điểm tại hội thảo truyền thông về BĐKH ở ĐBSCL.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình hội nghị đánh giá kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH diễn ra trong 2 ngày (17, 18/6/2019) tại TP Hồ Chí Minh.
Nhà báo- “người trong cuộc” với vấn đề biến đổi khí hậu |
Khô khan, thiếu thực tế
Tham gia hội thảo với bài tham luận “Vai trò, trách nhiệm của báo chí với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL: Phát triển Mekong xanh”- nhà báo Lê Xuân Trung cho rằng, BĐKH hiện trở thành vấn đề toàn cầu chứ không chỉ là vấn đề quốc gia và Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề của thực trạng này.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, bao nhiêu nhà báo Việt Nam biết rõ điều đó? Bao nhiêu người dân Việt Nam biết rõ điều đó?
Theo ông, thật sự số nhà báo Việt Nam biết rõ về BĐKH không nhiều, chỉ trong phạm vi các nhà báo viết khoa học, môi trường hoặc được tập huấn kỹ năng về BĐKH.
Phần lớn chỉ đưa tin tức, sự kiện thời sự hoặc thỉnh thoảng có chuyên trang, chuyên đề, phóng sự mà chưa có chiến dịch truyền thông đạt hiệu quả cao về BĐKH.
Trong khi các nhà khoa học, chuyên gia công bố các kết quả nghiên cứu về BĐKH thường mang tính học thuật, khô khan, nhiều số liệu nên các nhà báo khó có thể “tiêu hóa” thành các sản phẩm báo chí đơn giản, dễ hiểu với công chúng.
Người dân vì thế chưa thực sự biết rõ BĐKH là gì, tác động và ảnh hưởng của nó đến cuộc sống trước mắt và lâu dài ra sao.
Điều họ quan tâm là 1- 2 năm tới phải trồng con gì, nuôi con gì để phát triển kinh tế. “Khi chưa biết rõ điều đó, họ vẫn làm ăn, sinh sống như bao đời nay, khó có thể thay đổi hành vi và nhận thức để thích ứng với BĐKH”- nhà báo Lê Xuân Trung nói.
Nhận định về thực trạng truyền thông về vấn đề BĐKH trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường Lê Công Thành cho rằng, đây là đề tài luôn được các cơ quan báo chí quan tâm.
Tuy nhiên, việc hiểu về các vấn đề của BĐKH chưa thực sự đầy đủ và toàn diện, phương pháp truyền thông chưa thực sự phong phú, thu hút người dân...
Đặc biệt là tính lan tỏa, tính chuyên nghiệp của truyền thông về BĐKH chưa cao, chưa thu hút được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và sự vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền.
Dưới góc độ là nhà khoa học, GS.TS Mai Trọng Nhuận- Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Ủy ban quốc gia về BĐKH- nhìn nhận:
Truyền thông thì cần rất gấp, khoa học thì cẩn trọng nên không kịp thời, không đảm bảo tính thời sự. Có khi việc truyền thông về thiên tai thường gắn với các dự án, mời gọi đầu tư nên người dân liên tưởng đến nhiệm vụ của Nhà nước phải làm nên không thấy được trách nhiệm của mình, đơn vị mình và cộng đồng mình đang sinh sống.
Nên hình thành chiến dịch truyền thông về BĐKH
Theo nhà báo Lê Xuân Trung, để chuyển tải đến công chúng những thông tin về BĐKH, trước hết nhà báo cần “tiêu hóa” các kết quả khảo sát, nghiên cứu, đánh giá,… của các cơ quan chuyên môn về vấn đề này rồi diễn dịch theo cách dễ hiểu nhất.
Đồng thời, đặt hàng các chuyên gia trong và ngoài nước thật sự am hiểu về BĐKH để cùng phân tích, tranh luận, phản biện những vấn đề còn ý kiến khác nhau.
Dẫn chứng thực tế tại Báo Tuổi Trẻ, nhà báo Lê Xuân Trung cho biết, để góp phần vào việc tìm kiếm các giải pháp thích ứng với BĐKH, báo Tuổi Trẻ và các chuyên gia đã bắt tay vào thực hiện chiến dịch truyền thông “Mekong xanh” từ tháng 1/2018 đến tháng 7/2018.
Chiến dịch đã đánh giá hiệu quả và khả năng nhân rộng 28 mô hình nông- lâm- thủy sản nhằm nâng cao sinh kế nông dân kết nối với thị trường.
Trong tương lai, nhà báo Lê Xuân Trung đề xuất nên hình thành dự án truyền thông về BĐKH để các nhà báo trở thành “người trong cuộc” chứ không phải là “người quan sát” từ bên ngoài hay bên lề.
Mục tiêu là “báo chí hóa” các chủ trương, chính sách, kiến thức và kỹ năng thích ứng BĐKH; đồng thời đề xuất các giải pháp sống chung với BĐKH và góp phần thay đổi nhận thức của người dân ĐBSCL về thời kỳ phát triển mới.
Để làm được điều này, nhà báo Lê Xuân Trung “hiến kế” các nhà báo, chuyên gia, nhà quản lý trung ương và 13 tỉnh vùng ĐBSCL cùng kết nối với nhau, cùng xây dựng kế hoạch truyền thông và trực tiếp thực hiện.
“Dự án truyền thông về BĐKH không dừng lại ở mục tiêu làm truyền thông mà hướng tới mục tiêu huy động xã hội chung tay phát triển ĐBSCL, biến nơi này thành một Mekong xanh trù phú, bền vững”.
Bà Madhu Raghunath- Trưởng nhóm Phát triển bền vững (Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam)- cam kết sẽ cùng với các đối tác khác tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam triển khai Nghị quyết 120 và thực hiện chương trình hành động tổng thể.
Sắp tới sẽ là các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên, an ninh nước, cải thiện kết nối ĐBSCL.
Bà Madhu Raghunath cũng cam kết sẽ tăng cường hỗ trợ để làm cho hệ thống sản xuất trở nên thích ứng hơn với khí hậu và tăng sự phát triển bền vững về môi trường, phát thải khí carbon thấp và thích ứng với BĐKH ở ĐBSCL.
“Để làm được điều này, chúng tôi rất cần sự giúp đỡ của các cơ quan truyền thông. Việc cung cấp những thông điệp nhất quán về tầm nhìn của Nghị quyết 120 và các chương trình hành động từ trung ương đến địa phương, bao gồm cả người dân, để tất cả cùng đồng lòng là điều có ý nghĩa rất quan trọng”- bà Madhu Raghunath nêu ý kiến với các cơ quan báo chí.
Bà Madhu Raghunath: “Quy hoạch vùng ĐBSCL là một bước đột phá, đòi hỏi chính quyền địa phương phải hợp tác với nhau, hiểu rõ vai trò tương ứng của mình trong môi trường cấp vùng và có hành động phù hợp. Trong bối cảnh đó, chắc chắn là truyền thông đóng một vai trò vô vùng quan trọng, thậm chí, nếu các phương tiện truyền thông có thể giúp lan tỏa những ví dụ và bài học về sự hợp tác và hành động ở tầm khu vực thì còn tốt hơn nữa”. |
Bài, ảnh: NHÓM PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin