Đưa tín dụng chính sách đến với người nghèo

06:06, 06/06/2019

Hành trình của nguồn vốn tín dụng ưu đãi trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận nhiều kết quả, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống. 

 

Gia đình anh Nguyễn Hoàng Thành (xã Chánh Hội- Mang Thít) vay vốn ưu đãi Ngân hàng CSXH đầu tư chăn nuôi bò, cải thiện đời sống.
Gia đình anh Nguyễn Hoàng Thành (xã Chánh Hội- Mang Thít) vay vốn ưu đãi Ngân hàng CSXH đầu tư chăn nuôi bò, cải thiện đời sống.

Hành trình của nguồn vốn tín dụng ưu đãi trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận nhiều kết quả, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống. Có thể thấy, tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế địa phương.

Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách

Thời gian qua, chính sách tín dụng ưu đãi cùng với chương trình phát triển kinh tế- xã hội đã góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Đến tháng 3/2019, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh tỉnh đã triển khai thực hiện 15 chương trình tín dụng chính sách với tổng nguồn vốn đạt hơn 1.974 tỷ đồng, doanh số cho vay trên 1.550 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt hơn 1.066 tỷ đồng. Nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo ở nông thôn phát triển sản xuất, có điều kiện thoát nghèo.

Theo đó, hơn 88.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được giải ngân vốn; góp phần giúp cho hơn 20.000 hộ thoát nghèo và thoát cận nghèo… Từ đó, góp phần đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, chính sách tín dụng ưu đãi thực sự trở thành nguồn lực tiếp sức cho nhiều hộ nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ổn định và thoát khỏi nguy cơ tái nghèo. Mô hình cho hộ nghèo vay vốn chăn nuôi bò mang lại hiệu quả cho nhiều hộ nghèo tại xã Chánh Hội (Mang Thít).

Anh Nguyễn Hoàng Thành (Ấp 4- xã Chánh Hội) cho biết: “Được vay 35 triệu để chăn nuôi, tôi mạnh dạn mua 2 con bò”. Thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Nông dân xã quản lý, anh Thành tham gia các lớp tập huấn và được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi tận nhà.

Được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi rồi vươn lên thoát nghèo, anh Thành phấn khởi: “Tôi mong muốn được vay thêm 40 triệu đồng để nuôi bò, mướn đất trồng thêm cỏ, phát triển kinh tế gia đình”.

Được hỗ trợ cho vay 42 triệu đồng để nuôi bò vào năm 2017, gia đình ông Thạch Tùng (xã Tân Mỹ- Trà Ôn) được đánh giá là một trong những hộ sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả. Theo ông Tùng, sau 1-2 năm nuôi, mỗi con bò bán được 50 triệu đồng. Tín dụng ưu đãi đã đi vào cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thay đổi tư duy, phương thức làm ăn, sử dụng đồng vốn hiệu quả. “Hàng tháng ngoài đóng lãi, có dư thì tôi gửi tiết kiệm.”- ông Tùng cho biết.

Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh còn 7.363 hộ nghèo (2,63%) và 12.459 hộ cận nghèo (4,49%). Thu nhập bình quân đầu người đạt 44,8 triệu đồng/năm.

Củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách

Tuy nhiên, tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, vướng mắc cần giải quyết. Tỷ lệ nợ xấu ở một số nơi, một số chương trình còn tương đối cao, có chiều hướng gia tăng, như chương trình cho vay học sinh- sinh viên, vay mua nhà trả chậm cụm tuyến dân cư vùng lũ, vay hộ mới thoát nghèo…

Chất lượng các tổ tiết kiệm và vay vốn chưa thực sự đồng đều. Bên cạnh đó, theo ông Lê Hoàng Hậu- Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn, công tác xử lý nợ cũng gặp khó khăn đối với các trường hợp cả gia đình hộ vay bỏ địa phương đi làm ăn xa hoặc bán nhà đi khỏi nơi cư trú; học sinh- sinh viên vay vốn khi ra trường chưa có việc làm hoặc một số sinh viên vay vốn không có ý thức trả nợ.

Để tín dụng chính sách luôn là người bạn đồng hành thân thiết của người nghèo và là sợi dây kết nối giữa người dân, cấp ủy và chính quyền, cần phải có các giải pháp đồng bộ.

Theo ông Trần Hùng- Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Vĩnh Long, các tổ chức chính trị- xã hội nhận ủy thác các cấp cần thực hiện đầy đủ các nội dung được ủy thác; phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH và chính quyền địa phương trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng CSXH; hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả; lồng ghép với các chương trình, dự án của các tổ chức chính trị- xã hội”.

Đồng vốn tín dụng chính sách đã giúp bà con dân tộc thiểu số mở ra cơ hội làm ăn, chăn nuôi hiệu quả.
Đồng vốn tín dụng chính sách đã giúp bà con dân tộc thiểu số mở ra cơ hội làm ăn, chăn nuôi hiệu quả.

Trong đợt khảo sát của Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh, nhiều địa phương đề nghị chuyển nguồn vốn tín dụng ưu đãi tập trung vào chương trình cho vay giải quyết việc làm, nhằm tạo điều kiện cho các hộ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển nông thôn mới ở địa phương, phát huy hiệu quả nguồn vốn cũng như để tín dụng chính sách đi vào chiều sâu.

Thời gian tới, Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh phấn đấu luôn đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng CSXH cung cấp.

Đồng thời, tập trung cho vay các chương trình mới, ưu tiên đầu tư cho các đơn vị còn nhiều hộ nghèo, cận nghèo, xây dựng nông thôn mới... Phấn đấu đến cuối năm 2019, dư nợ tín dụng chính sách của tỉnh đạt trên 2.000 tỷ đồng.

Để chính sách tín dụng ưu đãi phát huy hiệu quả hơn, ông Trần Văn Ý- Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh đề nghị các cấp chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, chính sách quan trọng, gắn chặt với các chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, Ngân hàng CSXH tăng cường mở lớp tập huấn chuyên môn, nâng cao chất lượng tổ tiết kiệm và vay vốn; chú ý tính công bằng, công khai, minh bạch trong việc bình xét cho vay các hộ nghèo, cận nghèo...

Bài, ảnh: TUYẾT NGA

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh