Đề xuất tuổi nghỉ hưu của người lao động bắt đầu tăng từ 2021

11:05, 20/05/2019

Dù đưa ra hai phương án nhưng Chính phủ đề xuất phương án tăng tuổi nghỉ hưu đối với nam lên 62, nữ lên 60 tuổi bắt đầu từ năm 2021.

Dù đưa ra hai phương án nhưng Chính phủ đề xuất phương án tăng tuổi nghỉ hưu đối với nam lên 62, nữ lên 60 tuổi bắt đầu từ năm 2021.

Các đại biểu xem xét nội dung dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi chiều 19/5 - Ảnh: B.D
Các đại biểu xem xét nội dung dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi chiều 19/5 - Ảnh: B.D

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi đang chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 diễn ra từ ngày 20/5 tới.

Nghỉ hưu: Nam 62, nữ 60 

Đối với nội dung điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, dự thảo nêu: "Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung".

Chính phủ đã quy định nội dung này trong dự thảo theo 2 phương án trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Phương án 1: "Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi".

Phương án 2: "Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi".

Phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội diễn ra chiều 19-5 - Ảnh: B.D
Phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội diễn ra chiều 19/5 - Ảnh: B.D

Với hai phương án này, Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1 vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo Chính phủ thì qua khảo sát, đánh giá cho thấy đa số ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ.

Một nội dung đáng chú ý khác trong dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi lần này là quy định bổ sung Ngày thương binh, liệt sĩ (ngày 27/7 dương lịch) vào ngày nghỉ lễ đối với người lao động. 

Chính phủ cho rằng việc chọn ngày 27/7 là ngày nghỉ lễ để có thời gian làm tốt hơn nữa công tác tri ân những người có công với đất nước, với cách mạng, với các bậc tiền bối, với cha mẹ, người sinh thành, nuôi dưỡng và tôn vinh giá trị văn hóa Việt Nam và đẩy mạnh hành động giáo dục thế hệ trẻ kế tục truyền thống cha anh dựng xây đất nước. 

Do đó, Chính phủ đề nghị bổ sung 1 ngày nghỉ lễ là ngày 27/7 để Quốc hội xem xét, quyết định.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội Bùi Sỹ Lợi phát biểu chiều 19-5 - Ảnh: B.D
Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội Bùi Sỹ Lợi phát biểu chiều 19-5 - Ảnh: B.D

"50, 60 tuổi thì lấy sức đâu nữa mà múa hát?"

Cho ý kiến tại phiên họp toàn thể lần thứ 13 của Ủy ban về Các vấn đề xã hội nhằm thẩm tra dự án Bộ luật lao động sửa đổi vào chiều 19/5, nhiều đại diện các ban, bộ ngành bày tỏ nỗi băn khoăn với các phương án tăng tuổi nghỉ hưu.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu - phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam - cho rằng thực tế tuổi người lao động càng già đi thì năng suất lao động càng giảm sút, người lao động cũng không mấy mặn mà với việc làm việc ở giai đoạn về cuối thời gian lao động.

"Chúng tôi rất băn khoăn với quy định tăng tuổi nghỉ hưu. Ở nhiều ngành nghề, tuổi tác có ảnh hưởng rất lớn tới khả năng, nhiệt huyết với công việc. Chúng tôi đã gặp nhiều giáo viên mầm non, khi hỏi về chuyện tăng tuổi hưu thì họ nói rằng giáo viên mầm non mới 40 tuổi mà múa hát cho các bé còn không nổi nữa thì 50-60 lấy sức đâu nữa mà nhảy, mà hát?".

Ông Hiểu đề nghị cần nghiên cứu, cân nhắc lại rất kỹ quy định này trong dự thảo để đảm bảo phù hợp.

Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Ngọ Duy Hiểu phát biểu chiều 19/5 - Ảnh: B.D
Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Ngọ Duy Hiểu phát biểu chiều 19/5 - Ảnh: B.D

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại - cho rằng nên cân nhắc số đông người lao động: "Số đông người lao động ở nhiều ngành đều mong muốn được tới thời điểm nghỉ hưu, việc tăng như thế liệu đã đảm bảo được quyền lợi của số đông này chưa?".

Đại biểu Ngô Trung Thành - Ủy ban Pháp luật - cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu là phù hợp trong bối cảnh tuổi thọ bình quân của người Việt ngày càng tăng lên. Tuy nhiên việc tăng này cần có đánh giá đầy đủ sự tác động của bộ luật đối với các đối tượng bị ảnh hưởng, đặc biệt là tác động này đối với cơ hội việc làm đối với người trẻ.

Đại biểu Ngô Trung Thành cũng cho rằng cần làm rõ việc tiền lương hưu có tăng lên không khi tuổi lao động người lao động được kéo dài ra, nếu tăng thì có bảo đảm an toàn quỹ bảo hiểm xã hội không.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng - đề nghị xem xét độ tuổi về hưu đối với một số ngành nghề đặc thù như giáo viên, diễn viên múa, xiếc… Việc cho nghỉ hưu phải đi liền với bậc lương sát, không thiệt thòi quyền lợi cho người lao động trong những ngành nghề này.

"Chỉ một số ngành nghề có nhu cầu được kéo dài thời gian lao động, còn phần đa người lao động vẫn là mong muốn được nghỉ ngơi từ sớm", ông Hạ nói.

Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Tạ Văn Hạ cho ý kiến chiều 19-5 - Ảnh: B.D
Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Tạ Văn Hạ cho ý kiến chiều 19/5 - Ảnh: B.D

Ông Đặng Thuần Phong - phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội - cũng bày tỏ sự băn khoăn với quy định tuổi nghỉ hưu. Ông Phong cũng cần nghiên cứu độ tuổi nghỉ hưu theo hướng theo ngành nghề đặc thù, việc này nên để Chính phủ làm chứ không nên cứng nhắc áp dụng chung như trong dự thảo.

"Đã nghỉ lễ 27/7 sao còn gọi là tri ân?"

Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương băn khoăn với quy định nghỉ lễ ngày 27/7 được lý giải như trong dự thảo bộ luật sửa đổi là nhằm dành thời gian để tri ân những người có công với cách mạng.

Ông Cương đặt vấn đề rằng đã quy định là ngày nghỉ lễ thì sao lại nghỉ để tri ân? Nếu nghỉ để đi làm công tác tri ân thì thực chất đó không phải là ngày nghỉ mà là ngày làm việc.

Ông Đặng Thuần Phong cũng cho rằng việc tri ân với gia đình những người có công với cách mạng là trách nhiệm, nghĩa vụ cả đời chứ không chỉ là một ngày, đây là câu chuyện nhạy cảm nên cần tính toán rất kỹ.

 Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội Đặng Thuần Phong phát biểu chiều 19-5 - Ảnh:
Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội Đặng Thuần Phong phát biểu chiều 19/5 - Ảnh:

Theo TTO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh