Đến thị trấn Long Hồ, hỏi xóm chằm nón thì những người lớn tuổi chút ai cũng biết dù nghề chằm nón không còn thịnh vượng như vài mươi năm trước đây. Men theo những con đường đan uốn lượn, xóm chằm nón vẫn vậy: hiền hòa, bền bỉ gắn với nghề như chiếc nón lá che mát tâm hồn con người miền Nam, che những nắng mưa bởi "quê em hai mùa mưa nắng".
Đến thị trấn Long Hồ, hỏi xóm chằm nón thì những người lớn tuổi chút ai cũng biết dù nghề chằm nón không còn thịnh vượng như vài mươi năm trước đây. Men theo những con đường đan uốn lượn, xóm chằm nón vẫn vậy: hiền hòa, bền bỉ gắn với nghề như chiếc nón lá che mát tâm hồn con người miền Nam, che những nắng mưa bởi “quê em hai mùa mưa nắng”.
Chị em cô Sáu chằm nón mấy chục năm nay, là địa chỉ tin cậy để bà con xung quanh đặt hàng nón đẹp. |
Xóm nghề vắng bóng
Nhà ông bà Hai (tên thường gọi Hai Đèo) là địa chỉ quen thuộc của người dân thị trấn Long Hồ khi nói về nghề chằm nón lá.
Ông Hai Đèo tên thật là Cao Văn Hưng giọng sang sảng: “Tui tên Hưng nhưng hỏi tên này không ai biết đâu, nói tên Hai Đèo vựa nón lá thì miệt Sài Gòn- Chợ Lớn hay tuốt Cà Mau người ta cũng biết”. Ông Hai 77 tuổi, có hơn 60 năm trong nghề.
Vựa nón nhà ông Hai Đèo. |
Ông cười khà khà kể chuyện: “Hồi xửa hồi xưa, má tui là những người đầu tiên trong xóm này chằm nón lá”. Nói rồi ông Hai nhẩm tính luôn đời má ông thì chắc hơn 60 năm rồi! Không khéo tay để chằm nón như má mình, ông Hai vựa nón bán, vợ và các con thì biết sơn, sửa và “nức nón”.
Miệng liền tay, ông Hai vừa nói chuyện vừa giới thiệu chúng tôi đủ loại nón, rồi đác, trúc… luôn có sẵn trong nhà. Vợ chồng ông Hai có 8 người con thì 6 người theo mẹ cha sống với nghề nón lá. Người thì sơn, sửa nón; người thì đi giao nón ở khắp các tỉnh ĐBSCL.
Ông Hai cười khà khà: “Bao nhiêu nón cũng bỏ hết, ở đây chằm không đủ bán, tui còn phải lấy thêm ở các tỉnh khác về”.
Chị Trương Thị Giang Thanh về làm dâu ông Hai được 22 năm thì cũng bấy nhiêu năm làm nghề sửa nón. Chị Giang nói chuyện mà tay vẫn thoăn thoắt mân mê vành nón đang sửa kể: “Hồi tui mới về làm dâu, xóm này cứ 10 nhà thì 7 nhà chằm nón rồi; nay 10 nhà không còn tới 1”.
Đang nói chuyện với ông Hai thì chú Dương Thanh Dung (60 tuổi) đến giao 15 cái nón lá là sản phẩm chú và vợ mới làm xong trong 2 ngày.
Nón chú Dung giao là “nón thả” (nón chưa nức vành, vô niềng- PV). Mỗi cái nón được trả 13.000đ, chú Dung cho biết: “Lời được 3.000 đ/cái, coi như tiền cũ đổi tiền mới thôi”.
Ngoài làm nghề chằm nón mấy chục năm nay, vợ chồng chú còn mua bán ve chai kiếm thêm “chứ chằm nón không thì hổng đủ”- chú Dung nói.
Rồi ông Hai trầm ngâm nhớ về cái thời cả xóm có mấy trăm hộ chằm nón lá, mỗi ngày bà con đem tới 500- 700 cái nón, bây giờ chằm… hổng đủ bán, phải lấy nón Huế, nón Bình Định về “bỏ mối”.
Rồi ông tự giải thích như an ủi chính mình: “Thì cũng phải thôi, làm nghề chằm nón thì làm sao có tiền bằng đi làm khu công nghiệp”.
Những đôi tay… giữ hồn nghề
Cô Huỳnh Thị Sáu (61 tuổi) có hơn 50 năm gắn bó với nghề chằm nón từ hồi “cha sanh mẹ đẻ” tới giờ. Người này chỉ người kia, trẻ con nhìn mẹ, nhìn người lớn chằm rồi học, bắt chước làm theo.
Bên mái nhà ba gian, cô Sáu nhớ lại: “Mẹ tui chằm nón khéo tay lắm, cha thì bỏ mối nón tận miệt Cà Mau. 8 tuổi là tui biết chằm nón ngon lành rồi và chằm miết tới giờ”.
Vậy là ngày ngày, chị em cô Sáu tranh thủ làm xong sớm việc nhà mới đem nón ra chằm “Chằm nón là phải tập trung không làm chen việc khác được” và theo cô Sáu, nghề này không nặng nhưng để có được chiếc nón đẹp đòi hỏi người làm phải khéo tay, tỉ mỉ.
Lá mật cật dùng để chằm nón. Lá sau khi mua về được luộc và phơi vào sáng sớm. |
Xóm làm nón Long Hồ thường chia nón ra làm 2 loại: nón đi ruộng và nón đặt (nón đi chợ). Nón đi ruộng được chằm chỉ thưa, vành rộng hơn.
Còn nón đi chợ thì cọng lá được lựa chọn tỉ mỉ, đẹp, chằm khít, đường chằm đều ran, cọng vành đẹp, mỏng nhưng chắc chắn.
Cô Út cười: “Bà con đặt chằm nón làm không kịp mà không gấp được. Làm tỉ mỉ, công phu lắm nên để chằm cái nón đẹp cũng tốn nhiều công đoạn và thời gian. Nón đẹp nhờ khéo tay, chằm khít với lỗ nhỏ, cọng gân nhỏ. Vì vậy, giá nón cũng cao hơn”.
Và chúng tôi cảm thấy “choáng” với những công đoạn làm ra chiếc nón lá. Nhiều khâu khác nhau từ làm mô (khung), vô vành, xây lá, chằm nón…
Nguyên liệu lá mật cật được xe tải chở về từ Tây Ninh, Bình Định. Đặc điểm nổi bật của loại nón này là khi gặp mưa vẫn thẳng, không bị dúm lại như các loại nón khác.
Nón lá sau khi được hoàn thành sẽ được quét một lớp dầu bóng nhằm chống thấm nước, tăng độ bóng, độ bền cho sản phẩm.
Tùy theo khoảng cách của từng mũi kim mà người mua phân biệt ra nón thưa và nón dày. Người ta chọn mua một chiếc nón đẹp trên cơ sở chiếc nón ấy có bền hay không, chằm dày hay thưa, vành vót vừa hay nhỏ.
Nghề chằm nón lá huyện Long Hồ phát triển nhất là vào những năm 70- 80 của thế kỷ XX, với khoảng 300 gia đình sống bằng nghề chằm nón lá. Hiện nay, số người theo nghề giảm đi nhiều, chủ yếu người lớn tuổi tham gia.
Nón lá là nét duyên của những cô gái miệt vườn. Theo ông Hai Đèo thì “tui thấy phụ nữ đội nón lá là đẹp nhất”. Chiếc nón lá thoạt nhìn đơn giản nhưng là cả một quá trình lao động bền bỉ, công phu và chỉ có những người khéo tay, chịu khó và nhẫn nại thì mới làm được và trụ được với nghề.
Giống như những chú ong chăm chỉ đang góp mật cho đời, những người thợ chằm nón ở “xóm Đất Méo” (thị trấn Long Hồ) đang dùng đôi tay khéo léo của mình giữ nét đẹp làng nghề, gói trọn hồn quê trong từng chiếc nón.
Nguyên liệu chính để chằm nón là lá mật cật. Lá mật cật già đem luộc chín, vuốt thẳng, phơi ráo và ủ khô sao cho lá còn giữ màu trắng tự nhiên vẫn xanh- trắng mịn màng, không bị ngả màu đen hay vàng. Lá phải cán hay vuốt thẳng, sao cho sau khi chằm không bị co bị dúm lại. Cô Sáu chỉ cho chúng tôi xem dụng cụ vuốt lá và nói: “Vuốt lá phải vừa lửa, lá mới thẳng. Lửa yếu thì lá nhăn, lửa lớn thì khét lá. Rồi phải dậy sớm tranh thủ vuốt lá bởi khi nắng lên cọng lá cứng, khó vuốt”. Rồi lá mật cật được kết dính đều đặn tỉ mỉ, khéo léo với vòng nan tre bằng chỉ trong suốt; xếp từng lá chồng dọc theo khuôn để chằm. Các nan tre được chuốt nhỏ, đều và trùm lên khuôn để làm sườn nón. Giai đoạn cuối cùng là chằm nón bằng những sợi chỉ trong suốt dọc theo nan tre. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN- CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin