Đến những xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, nhìn cách họ làm kinh tế, rồi nghe những câu chuyện về những con ngoan, hiếu thảo đi XKLĐ, mới thấy bà con không còn thụ động ngồi chờ các chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Đến những xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, nhìn cách họ làm kinh tế, rồi nghe những câu chuyện về những con ngoan, hiếu thảo đi XKLĐ, mới thấy bà con không còn thụ động ngồi chờ các chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Những năm qua, Vĩnh Long tích cực triển khai nhiều chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động (XKLĐ). Đặc biệt là chính sách ưu tiên cho các hộ khó khăn, hộ dân tộc Khmer có điều kiện XKLĐ để thoát nghèo.
Nhờ số tiền của con gái đi XKLĐ, chú Thạch Em nuôi thêm bò, vịt, gà để phát triển thêm kinh tế gia đình. |
Gác ước mơ cho em đến trường
Thi đậu ngành Thú y của Trường ĐH Cần Thơ, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên em Thạch Thị Ngọc Ánh (ấp Cần Súc, xã Loan Mỹ- Tam Bình) đành gác lại ước mơ đến giảng đường để cùng ba lên TP Hồ Chí Minh làm công nhân kiếm tiền mua thuốc cho mẹ.
Mẹ em không may bị bệnh lupus ban đỏ hệ thống phải điều trị lâu dài và tốn kém. Gia đình phải cầm cố 3 công ruộng để có tiền điều trị bệnh.
Còn ba Ánh- ông Thạch Em- ban ngày phụ hồ, ban đêm tranh thủ đào đất thuê, cần mẫn vậy mà trong nhà vẫn thiếu trước hụt sau.
Nhờ sự giới thiệu của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, rồi được hỗ trợ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình ông Em mạnh dạn cho Ánh sang Nhật làm việc.
Qua 1 năm, Ánh gửi về cho gia đình trên 300 triệu đồng để trả nợ. Đến nay, gia đình em trả gần hết tiền “vay nóng” bên ngoài để điều trị bệnh cho mẹ. Bên cạnh, cha mẹ Ánh có điều kiện nuôi bò, gà để nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình. “Không những lo cho nhà, chị Ánh còn nuôi em học ĐH.
Chị cho em xe máy để mỗi tuần em về quê thăm nhà. Nói chuyện Zalo với chị mỗi ngày, chị động viên em cố gắng học”- em Thạch Hoàng Phong (ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long) nói.
Và hơn 1 năm ở giảng đường ĐH, Phong đang nuôi ước mơ sang Nhật làm việc theo diện kỹ sư. “Em cố gắng học thêm tiếng Nhật để biến ước mơ thành hiện thực”- Phong quyết tâm.
Theo ông Lê Trí Dũng- Phó Chủ tịch UBND xã Loan Mỹ (Tam Bình), năm 2017, toàn xã có 5 người đi XKLĐ, trong đó có 1 người Khmer. Năm 2018, có 10 người XKLĐ thì có đến 9 người Khmer.
Với việc người Khmer đi XKLĐ ngày càng tăng cho thấy người dân nơi đây đã hiểu được những lợi ích thiết thực khi sang các nước làm việc. Qua đó, đã góp phần làm cho đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc có nhiều đổi mới hơn.
Theo Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Trà Ôn, xã Trà Côn và Tân Mỹ có đông đồng bào dân tộc Khmer, tỷ lệ hộ nghèo cao, do đó các ban, ngành đoàn thể đã tuyên truyền rộng rãi đến người dân chính sách XKLĐ.
Em Thạch Sa Khương (24 tuổi, ấp Cần Thay, xã Tân Mỹ) sang Nhật làm ngành xây dựng cầu đường. “Em hy vọng sẽ gặt hái thành công. Trước là để phụ giúp cha mẹ, sau là để dành ít vốn mần ăn”- Sa Khương nói.
Thoát nghèo nhờ XKLĐ
Cô Bé Hai (trái) tâm sự cùng con trai qua điện thoại mỗi ngày. |
Băng qua cánh đồng xanh mướt mạ non, chúng tôi đến thăm gia đình cô Thạch Thị Bé Hai (ấp Thôn Rôn, xã Trà Côn- Trà Ôn). Chỉ căn nhà tường đang xây dựng, cô Hai cười tươi: “Cũng nhờ thằng con trai sang Nhật làm việc mà tui mới có điều kiện cất nhà”.
Câu chuyện chúng tôi thêm rôm rả khi em Kim Thanh Hoàng- con trai cô Bé Hai- gọi điện qua mạng Zalo về hỏi thăm mẹ. Và, chúng tôi thật sự xúc động khi nghe Hoàng tâm tình cùng mẹ: “Ba mẹ ở nhà ăn uống đừng có tiết kiệm nhe.
Con đi qua đây làm chủ yếu để lo cho ba mẹ thôi. Con nhớ hồi gia đình mình còn nghèo, nhà lá mưa dột, nắng xuyên, ăn uống kham khổ, ba phải chạy xe ôm suốt, còn mẹ thì “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” đi cắt lúa mướn vẫn tiện tặn nuôi con học cao đẳng.
Con thấy và hiểu hết nhưng chưa lo được cho ba mẹ. Con sang Nhật làm ổn định. Con chỉ mong ba mẹ ăn uống đàng hoàng, đừng có tiết kiệm, tương lai của ba mẹ là tương lai con đó. Mẹ yên tâm, hồi nhỏ con không hư, bây giờ cũng không hư và sau này cũng vậy”.
Mắt cô Bé Hai đỏ hoe, nghẹn ngào: “Con ngoan, con nhớ giữ sức khỏe nha. Con yên tâm, ba mẹ ở nhà ổn”. Em Hoàng thấy mẹ mình sụt sùi liền cười thỏ thẻ: “Vài bữa nữa tới Tết Chol Chnam Thmay rồi, ước gì giờ có đòn bánh tét, tô bún nước lèo mẹ nấu con ăn hết luôn.
Giờ con chỉ thèm muốn ăn cơm mẹ nấu thôi. Cơm mẹ nấu ngon nhứt, qua đây con nấu theo mẹ cái gì cũng dở hết hà!” Rồi Hoàng tiếp lời: “Con làm ca tối nên trưa nào mẹ con mình cũng nói chuyện hết mẹ ha. Trước kia hổng có tiền hổng dám gọi. Giờ thời đại 4.0 rồi, con và ba mẹ tha hồ nói chuyện, vậy là con thấy vui rồi”.
Cô Bé Hai tâm sự: “Con trai tui sống tình cảm vậy đó, thương lắm. Làm được bao nhiêu dành dụm gởi về cho ba mẹ trả tiền vay ngân hàng. Con nói mua thêm ruộng, thêm bò để ba mẹ làm tại nhà, ba đừng chạy xe ôm nữa, xe cộ đông, con lo”.
Rồi cô phấn khởi: “Chuyện thằng Hoàng đi XKLĐ thành công, nên xóm Thôn Rôn này giờ có thêm 5-6 người đi và chuẩn bị đi Nhật mần nữa đó, toàn con em Khmer không hà. Cũng nhờ mạnh dạn cho Hoàng đi, mà giờ gia đình tui thoát nghèo”.
Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh- Phó Chủ tịch UBND xã Trà Côn (Trà Ôn), những năm trước đây, tỷ lệ hộ nghèo xã Tân Mỹ tương đối cao, nhất là trong đồng bào dân tộc. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp để xóa nghèo, trong đó quan tâm tư vấn đưa lao động làm việc có thời hạn đi XKLĐ và đã đưa vào chỉ tiêu kế hoạch hàng năm (xuất khẩu 15- 20 lao động/năm).
Riêng năm 2019, Nghị quyết Đảng bộ xã Trà Côn đề ra chỉ tiêu xuất khẩu 25 lao động. Quý I/2019 giới thiệu 12 LĐ, trong đó đã có 6 em được nhận.
Nhiều LĐ sau thời gian làm việc ở nước ngoài đã có tiền gửi về cho gia đình trả nợ, đầu tư sửa sang lại nhà cửa và có thêm vốn làm ăn để phát triển kinh tế gia đình. Sắp tới, xã sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để đưa NLĐ đi XKLĐ. Đồng thời, thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ NLĐ, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc.
Năm 2019, Huyện ủy Trà Ôn đề ra chỉ tiêu đưa 220 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài có thời hạn. UBND huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và huyện về hoạt động XKLĐ, nhất là các xã có đông đồng bào dân tộc Khmer. |
Bài, ảnh: QUYÊN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin