Liên tiếp trong những ngày qua, các cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM tiếp nhận nhiều trường hợp nhập viện do đột quỵ. Các chuyên gia y tế cảnh báo, bệnh thường không có những dấu hiệu báo trước và đến một cách bất thình lình khiến nhiều bệnh nhân và bác sĩ trở tay không kịp.
Liên tiếp trong những ngày qua, các cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM tiếp nhận nhiều trường hợp nhập viện do đột quỵ. Các chuyên gia y tế cảnh báo, bệnh thường không có những dấu hiệu báo trước và đến một cách bất thình lình khiến nhiều bệnh nhân và bác sĩ trở tay không kịp.
Với tỷ lệ tử vong cao hoặc để lại nhiều di chứng nặng nề, đột quỵ đang là bệnh lý nguy hiểm và phổ biến trong cuộc sống hiện đại.
TS-BS Nguyễn Bá Thắng đang chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân bị đột quỵ |
Bệnh nhân đột quỵ ngày càng trẻ hóa
Bệnh viện (BV) Hoàn Mỹ Sài Gòn vừa tiếp nhận một bệnh nhân đột quỵ do nhồi máu não khi mới 23 tuổi. Bệnh nhân là chị V.T.T.N. (ngụ quận Bình Thạnh) đột nhiên cảm thấy chóng mặt, nôn ói kèm các triệu chứng như tê vùng mặt bên trái, tay chân bên trái khó điều khiển, di chuyển không được và nói đớ, méo miệng.
Tại BV Hoàn Mỹ, qua chụp MRI não, các bác sĩ nhận thấy có hình ảnh nhồi máu tiểu não - cuống não. Bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch. Nhờ được đưa đến bệnh viện sớm nên bệnh nhân phục hồi nhanh chóng sau khi được can thiệp.
Trước đó, BV Đại học Y Dược TPHCM cũng tiếp nhận bệnh nhân N.T.X. (36 tuổi, nhân viên văn phòng, ngụ quận 6) trong tình trạng không thể điều khiển được tay chân, không nói được, dù trước đó vẫn đang khỏe mạnh bình thường. Các bác sĩ xác định bệnh nhân bị đột quỵ cấp. Do kết quả chụp cắt lớp cho thấy bệnh nhân bị tắc một mạch máu lớn lên não, nên được đưa ngay đến phòng can thiệp để rút huyết khối thông mạch bằng dụng cụ. Sau thủ thuật, người bệnh bình phục và xuất viện.
Theo TS-BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng đơn vị đột quỵ, Phó Trưởng khoa Thần kinh BV Đại học Y Dược TPHCM, đột quỵ là căn bệnh rất phổ biến và nguy hiểm trong xã hội hiện đại. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ. Người tuổi cao là đối tượng có nguy cơ đột quỵ cao, nhưng hiện nay tỷ lệ người bị đột quỵ dưới 45 tuổi đang dần tăng lên, chiếm khoảng 30% trong tổng số các ca đột quỵ.
Cùng chung nhận định, bác sĩ Trương Việt Trung, Khoa Nội thần kinh BV Hoàn Mỹ Sài Gòn, cho biết đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa và có chiều hướng gia tăng do stress, thói quen ăn uống nhiều muối, chất béo, hút thuốc lá, rượu bia… Vì vậy, để hạn chế nguy cơ đột quỵ, bác sĩ Trương Việt Trung lưu ý cộng đồng nên xây dựng lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên.
75% số người đột quỵ đến BV trễ
Theo TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM, đột quỵ não là bệnh lý có nguy cơ tử vong cao và gây hậu quả nặng nề như bị liệt, rối loạn ngôn ngữ, mất cảm giác, mất trí nhớ, hôn mê... Đây là một trong những cấp cứu y khoa khẩn cấp, nếu được cấp cứu đúng thời điểm “giờ vàng” (trong vòng 4,5 giờ đầu sau khi phát hiện được các dấu hiệu) bằng các thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch, hoặc trong vòng 4,5 - 6 giờ đầu áp dụng lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học, thì khả năng cứu sống rất cao cũng như hạn chế được các di chứng nặng nề.
Đột quỵ có rất nhiều nguyên nhân. 3 nguyên nhân phổ biến nhất là tăng huyết áp làm thoái hóa tắc mạch hoặc làm nứt vỡ mạch máu não; bệnh lý xơ vữa gây hẹp và tắc động mạch não; rung nhĩ tạo cục máu đông trôi làm tắc mạch não. Ngoài 3 nguyên nhân chính trên, người bị đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bệnh tim, mạch vành, xơ vữa động mạch chân, béo phì, hút thuốc lá, ít vận động, uống nhiều rượu bia có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn |
Tuy nhiên, thực tế thống kê tại BV Nhân dân 115 TPHCM - nơi mỗi năm tiếp nhận khoảng 1.200 bệnh nhân đột quỵ, thì tỷ lệ bệnh nhân đến BV để cấp cứu trong “thời gian vàng” chỉ đạt 19,4%. Trong khi đó, có đến 75,3% bệnh nhân đến BV cấp cứu sau 6 giờ. Còn tại BV Đại học Y Dược TPHCM, trung bình mỗi tháng tiếp nhận từ 100 - 200 ca đột quỵ nhưng chỉ có 8% người bệnh cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng” để được áp dụng các biện pháp điều trị thông mạch máu.
Con số này ở nhiều BV khác trong cả nước còn thấp hơn, chỉ 1% - 3%. “Phát hiện muộn, không được làm thông tắc mạch kịp thời chính là nguyên nhân khiến cho tỷ lệ bệnh nhân tử vong do đột quỵ tại Việt Nam vẫn còn cao, lên đến 18% đối với nam và 23% đối với nữ”, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng thông tin.
Như trường hợp của nữ bệnh nhân M.L.G. (47 tuổi, kinh doanh nhỏ tại TPHCM) bị đột quỵ trong một chuyến du lịch Vũng Tàu. Do người bệnh được đưa đến BV hơn 12 giờ sau khi bị tắc mạch máu não, vượt quá với quãng “thời gian vàng” trong điều trị đột quỵ nên gần một nửa bộ não của bệnh nhân đã bị hư hại, các bác sĩ không thể can thiệp tái thông mạch máu. Thế nên, dù được cứu sống nhưng bệnh nhân bị liệt nửa người, suy giảm nhận thức và khả năng giao tiếp, cuộc sống những ngày còn lại chỉ gói gọn trên giường bệnh và chiếc xe lăn.
Bác sĩ Nguyễn Huy Thắng nhận định, đột quỵ là căn bệnh phổ biến, bất ngờ và gây ra hậu quả nghiêm trọng, nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa nguy cơ và giảm thiểu hậu quả của nó. Thay đổi lối sống, loại bỏ những thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu bia, tăng cường vận động, sống lành mạnh không chỉ loại bỏ nguy cơ đột quỵ mà còn giúp phòng ngừa nhiều bệnh lý khác.
Bên cạnh đó, người bệnh đột quỵ nếu được cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng” thì cơ hội phục hồi trở lại chất lượng cuộc sống như trước rất cao. Do đó, bản thân người bệnh hoặc người xung quanh cần nhận biết ngay các dấu hiệu khi đột quỵ xảy ra, như bị méo miệng, nói ngọng hoặc không nói được, yếu tay chân một bên… để đưa đi cấp cứu kịp thời. Khi phát hiện người nhà có biểu hiện đột quỵ, cần hạn chế sử dụng các hướng dẫn lan truyền trên mạng như chích máu đầu ngón tay, nặn chanh vào miệng, uống thuốc không rõ loại… sẽ làm kéo dài thời gian nhập viện và gây ra hậu quả nặng nề.
Theo THÀNH AN/SGGPO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin