Chuyện nhỏ, nghĩa lớn

05:04, 09/04/2019

"Mấy anh thông cảm chờ tui một chút. Tui đang đóng cho xong cái quan tài chuẩn bị cấp miễn phí cho một người nghèo vừa mới qua đời. Nghĩa tử là nghĩa tận mà. 

“Mấy anh thông cảm chờ tui một chút. Tui đang đóng cho xong cái quan tài chuẩn bị cấp miễn phí cho một người nghèo vừa mới qua đời. Nghĩa tử là nghĩa tận mà. 

Giúp người ta lúc khó khăn chính là mình làm theo lời Bác dạy. Tui là “Hai Lúa” chánh tông, học hành không tới nơi, tới chốn nhưng biết làm điều thiện giúp người. Mình nghèo thì làm theo khả năng của mình thôi”- ông Phan Văn Phát (60 tuổi ngụ ấp Phú Trường Yên, xã Song Phú- Tam Bình) nói.

Ông Phát đang đóng quan tài từ thiện..
Ông Phát đang đóng quan tài từ thiện..

Từ nhỏ, ông Phát đã có tâm nguyện làm việc thiện giúp người thông qua các việc làm như: nấu cơm, cháo, nước sôi miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện ở TP Vĩnh Long, Tam Bình...; xây dựng cầu đường nông thôn bị xuống cấp; sửa chữa hay xây cất mới nhà tình thương cho người nghèo...

Từ năm 1985 đến nay, sau thời gian mưu sinh bằng nghề cưa cây theo yêu cầu của khách hàng, ông Phát đã tự vận động nhiều Mạnh thường quân đóng góp gỗ, phần ông bỏ công đóng hàng trăm chiếc quan tài (mỗi chiếc trị giá 4- 5 triệu đồng) để cấp miễn phí cho người nghèo vắn số đi kèm với toàn bộ vật liệu tẩn liệm, làm đám. Đáng nói nhất là ông tự xuất tiền mua một chiếc xe 3 bánh để vận chuyển áo quan miễn phí đến tận nhà người đã khuất.

Chưa dừng lại ở đó, cũng từ chiếc xe nhân đạo này, hiện ông là người trực tiếp chăm sóc, tưới hoa kiểng trên các tuyến đường dẫn vào trung tâm xã Song Phú góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường một vùng quê. Kinh phí bơm nước vào bồn, xăng bơm vào xe hon đa mỗi ngày tưới khoảng 50.000đ do ông
bỏ ra.

Bà Nguyễn Thị Lắm (xã Song Phú) xúc động nói: “Xã này nhắc tới anh Năm Phát thì ai ai cũng biết, bởi anh này làm từ thiện tứ tung binh tàng hết. Ai khổ cũng kêu; ai chết cũng kêu; ai nghèo cũng kêu ảnh tới giúp. Cực trần thân vậy chớ thấy ảnh cười hoài. Người mê làm từ thiện quanh năm không biết mệt”.

Người dân địa phương còn kể một câu chuyện rất xúc động về ông. Cách đây vài năm, trong một lần cưa gỗ trên độ cao 10m, ông đã bị tai nạn lao động khá nghiêm trọng.

Vậy mà khi tỉnh lại, ông đã hỏi thăm mọi người xung quanh việc xin thức ăn cho bếp ăn từ thiện ở bệnh viện ra sao? Việc quyên góp sách vở, quần áo cho học sinh nghèo khi ngày khai giảng đã cận kề thế nào? Nghe ông hỏi mọi người đều rơi nước mắt.

Ông Phát kể rất thật lòng: “Tui làm được bao nhiêu tiền đều dồn hết vào chuyện làm từ thiện; kể cả tiền được khen thưởng từ trung ương đến địa phương, đó là chưa kể đến tiền công mỗi ngày tui có được từ công việc làm thuê, chở mướn, cưa gỗ, từ 300.000- 400.000đ và tôi đều trích 50- 70% vào những việc làm nhân ái. Vui lắm, nhưng tiếc rằng công việc làm thuê này chưa có thường xuyên”.

Là người có uy tín trong cộng đồng dân cư, nhiều năm qua, ông Phan Văn Phát đã vận động nhiều nhà hảo tâm mua được một chiếc xe chuyển bệnh miễn phí trên 700 triệu đồng sẵn sàng lăn bánh giúp bệnh nhân nghèo 24/24 giờ, trong đó đã có 4 tài xế tình nguyện phục vụ miễn phí.

Đó là chưa kể đến việc bản thân ông tự xây cất hàng chục ngôi nhà tình thương cho hộ nghèo; huy động mỗi năm hàng chục tấn gạo cấp phát cho gia đình khó khăn; giúp đỡ hàng chục học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học giữa chừng.

Ông Phát bày tỏ ước mơ: “Tui mong có được sức khỏe dồi dào để tiếp tục hành trình nhân ái của mình và ngày càng có nhiều người cùng chung lo cho người nghèo. Mình làm vậy chính là làm theo tấm gương của Bác”.

Chúng tôi càng bất ngờ hơn khi chia tay, ông Phan Văn Phát còn tiễn chúng tôi bài vọng cổ do ông mới sáng tác cũng là lời tự sự của một tấm lòng vàng chốn quê sâu, trong đó có đoạn: “Xe từ thiện lăn nhanh trên đường cấp cứu. Để giữ yên bao mảnh đời khốn khó chốn quê... nhà. Nghĩa sáng, lòng trong tình sâu lắng đậm đà”…

Bài, ảnh: SONG ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh