Xét giáo viên dạy giỏi, không thi

01:03, 27/03/2019

Việc xét giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi sẽ được xem xét qua sự tiến bộ của học sinh, sự tín nhiệm của phụ huynh, học sinh và cộng đồng.

 

Việc xét giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi sẽ được xem xét qua sự tiến bộ của học sinh, sự tín nhiệm của phụ huynh, học sinh và cộng đồng.

Ông Hoàng Đức Minh - cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT - trao đổi cùng báo chí ngày 26/3 - Ảnh: BÁ HẢI
Ông Hoàng Đức Minh - cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT - trao đổi cùng báo chí ngày 26/3 - Ảnh: BÁ HẢI

Thông tin trên được Bộ GD-ĐT đưa ra tại cuộc họp báo định kỳ ngày 25-3, xem như một trong nhiều giải pháp giảm áp lực cho giáo viên.

Trước đó, ông Phùng Xuân Nhạ, bộ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định năm 2019 sẽ tập trung vào việc giảm áp lực cho giáo viên.

Xét để công nhận "giỏi"

Tại cuộc họp báo, ông Hoàng Đức Minh - cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT - cho biết bộ đang xây dựng dự thảo sửa đổi quy định về thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi... Sửa đổi cơ bản sẽ là chuyển từ thi sang xét, dựa vào các tiêu chí cốt lõi của chuẩn đã ban hành.

Cụ thể, giáo viên chủ nhiệm giỏi gắn với các tiêu chí cốt lõi về giáo dục, giáo viên dạy giỏi gắn với tiêu chí về giảng dạy trong chuẩn nghề nghiệp giáo viên.

"Việc xét giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi sẽ được xem xét qua sự tiến bộ của học sinh, sự tín nhiệm của phụ huynh, học sinh và cộng đồng" - ông Hoàng Đức Minh khẳng định.

Cũng theo ông Minh, dù hướng là "chuyển từ thi sang xét" nhưng những hoạt động thi, giao lưu, sinh hoạt chuyên môn của giáo viên sẽ duy trì nhằm chia sẻ kinh nghiệm, khích lệ sáng tạo.

"Việc xét giáo viên giỏi nhằm mục đích tôn vinh nhà giáo, lan tỏa sự đổi mới, sáng tạo của giáo viên chứ không gắn với thi đua của ngành để giảm áp lực cho giáo viên" - ông Minh khẳng định.

Hiện dự thảo này đang hoàn thiện để lấy ý kiến góp ý rộng rãi. Theo ông Hoàng Đức Minh, trước khi xây dựng dự thảo Bộ GD-ĐT đã có sự rà soát, kiểm tra thực tế, lấy ý kiến của các cơ sở, giáo viên nhiều vùng miền để đánh giá những mặt tích cực cũng như tiêu cực xung quanh việc thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi.

Năm 2019: tập huấn trước cho trên 70.000 giáo viên dạy lớp 1

Trao đổi với Tuổi Trẻ tại cuộc họp báo, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, giám đốc dự án Hỗ trợ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Bộ GD-ĐT - cho biết để tập trung cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1 vào năm học 2019-2020, Bộ GD-ĐT sẽ tập huấn trước bằng cả hình thức trực tiếp và qua mạng cho 70.000 giáo viên dạy lớp 1 trong tổng số 350.000 giáo viên tiểu học.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, trong kế hoạch của Bộ GD-ĐT sẽ phải tập huấn cho trên 900.000 giáo viên từ tiểu học đến THPT, tập huấn cho cán bộ giáo dục các cấp, hiệu trưởng, hiệu phó các trường phổ thông.

Theo lộ trình sẽ triển khai tập huấn cán bộ, giáo viên cốt cán trước cho khoảng 1.000 cán bộ cấp sở, phòng GD-ĐT, khoảng 4.000 hiệu trưởng, hiệu phó, trên 7.000 tổ trưởng bộ môn.

"Điểm mới của việc tập huấn giáo viên lần này sẽ không chỉ chú trọng lý thuyết dạy học, mà chủ yếu tập trung tập huấn qua công việc cụ thể (tình huống dạy học, bài học cụ thể)" - ông Nguyễn Xuân Thành trao đổi.

Cũng liên quan tới thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Thành cho biết việc chuẩn bị bộ sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT chủ trì cũng sẽ làm trước ở lớp 1.

Theo đó, cuối năm 2019, bản thảo cơ bản sẽ hoàn tất và triển khai dạy thực nghiệm. Hè năm 2020 sẽ phải có sách để tập huấn giáo viên. Bộ GD-ĐT cũng đã làm việc với 63 tỉnh thành trong việc triển khai chuẩn bị cơ sở vật chất trường học, sắp xếp các điểm trường, lớp học đảm bảo yêu cầu mới.

Không bố trí đứng lớp cho giáo viên vi phạm đạo đức

Cũng liên quan tới việc "giảm áp lực" cho giáo viên, ông Hoàng Đức Minh cho biết thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo mạnh mẽ các cơ sở GD-ĐT trong việc tuyệt đối không quy định thêm các loại hồ sơ, sổ sách ngoài quy định tại điều lệ hoặc quy chế nhà trường do Bộ GD-ĐT ban hành. "Giáo viên được chọn hình thức trình bày, viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách theo quy định, từng bước sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử" - đại diện Bộ GD-ĐT cho biết.

Tuy đề cập đến các giải pháp nhằm "giảm áp lực", Bộ GD-ĐT cũng khẳng định tại cuộc họp báo "sẽ không bố trí đứng lớp các giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, kiên quyết đưa ra khỏi ngành giáo dục những trường hợp vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo".

Theo TTO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh