Hơn 3 năm qua, thực hiện phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế bền vững, Chi hội Phụ nữ ấp Phú Long (xã Phú Thành- Trà Ôn) đã mạnh dạn đăng ký mô hình "vần đổi công", bước đầu hoạt động có hiệu quả thiết thực.
Hơn 3 năm qua, thực hiện phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế bền vững, Chi hội Phụ nữ ấp Phú Long (xã Phú Thành- Trà Ôn) đã mạnh dạn đăng ký mô hình “vần đổi công”, bước đầu hoạt động có hiệu quả thiết thực.
Chị Phạm Thị Kim Long- Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Phú Long- cho biết: “Phong trào vần đổi công ban đầu chủ yếu là nhóm họp vài chị em trong xóm hoặc bà con dòng họ xoay vòng giúp nhau giải quyết việc vườn.
Vài năm trở lại đây, phong trào vần đổi công ngày một phát triển và bắt đầu lập thành tổ vào năm 2016 với 12 thành viên. Nhờ vậy mà các chị luôn có chuyện làm luân phiên liên tục đem lại thu nhập khá, vừa giải quyết việc làm không trùng công, vừa không cần tốn tiền mướn khi vào mùa vụ”.
Với mô hình này, các chị trong tổ khi đến mùa phải đăng ký với chị tổ trưởng ngày làm của mình, để chị đứng ra tập hợp nhân công và sắp xếp ngày làm cho phù hợp. Các chị làm không tính tiền mà hôm nay làm cho nhà chị này, ngày mai làm cho chị kia, xoay vòng hết trong tổ thì thôi.
Chị Trương Thị Mỹ Châu- Tổ trưởng Tổ Vần công- cho biết:“Với vai trò là tổ trưởng, tui có nhiệm vụ tập hợp chị em trong tổ lại khi có việc làm, rồi phân công cụ thể cho từng chị làm vần công với nhau. Số ngày vần công được thư ký ghi sổ sách rõ ràng và lên lịch làm cho ai ngày nào, số lượng là bao nhiêu ngày”.
Được biết, từ khi thành lập tổ đến nay, khi các hộ dân trên địa bàn xã cắt đọt sắn hay hái trái cây thì không còn tình trạng kêu không có nhân công hay giá cao.
Từ đó, thấy được hiệu quả của tổ, kể cả những lúc rảnh rỗi không có nhận công, chị tổ trưởng còn nhận thêm công việc của các hộ xung quanh và kêu các chị làm, một ngày bình quân cả tổ làm được 1,2 triệu đồng. Số tiền này các chị gom vô quỹ các thành viên trong tổ mượn mua giống, phân, thuốc khi đến mùa.
Tham gia Hội Liên hiệp Phụ nữ đã nhiều năm, chị Nguyễn Thị Thanh Thảo- thành viên Tổ Vần công- bộc bạch: “Trước đây, nguồn thu nhập chính của gia đình tui từ vài công sắn. Mỗi khi đến mùa vụ, gia đình tui phải mướn thêm nhân công, tốn khoảng 2- 3 triệu đồng. Nhưng từ khi tham gia vào Tổ Vần công, tui đỡ tốn tiền thuê mướn. Đồng thời, chị em còn tận dụng thời gian rảnh làm công cho bà con trong xã. Tui rất là mừng vì có thêm nguồn thu nhập”.
Bên cạnh, việc vần đổi công ngày càng phát huy hiệu quả, các hội viên Chi hội Phụ nữ ấp còn được tập huấn về kỹ thuật trồng rau màu các loại, học nghề tiểu thủ công nghiệp, trang bị kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống bạo lực gia đình, giúp cha mẹ nuôi dạy con tốt hơn- chị Kim Long cho biết thêm.
Được biết, để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ vần đổi công, Hội Phụ nữ ấp Phú Long sẽ tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền vận động trong cán bộ, hội viên phụ nữ phát triển kinh tế gắn liền với tiêu chí “5 không, 3 sạch”, không còn đói nghèo, để góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho chị em phụ nữ vần công giảm bớt phí trong sản xuất.
Tổ vần công hình thành và phát triển theo nhu cầu thực tế của địa phương giúp các hộ dân trong ấp phát triển kinh tế đáng kể, góp phần thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế bền vững. Từ đó, đời sống nhiều hội viên có bước chuyển biến tốt hơn, ngày càng thu hút được nhiều chị em tham gia vào tổ chức hội phụ nữ.
TỐ LOAN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin