Không thể phủ nhận những lợi ích mà lục bình mang lại cho bà con nông dân, góp phần tăng thu nhập giảm nghèo,... Tuy nhiên, nếu để lục bình phát triển tràn lan khó kiểm soát sẽ ảnh hưởng dòng chảy. Đặc biệt là các tuyến kinh rạch, nếu trồng nhiều lục bình sẽ khó khăn trong việc chủ động nước tưới tiêu.
Các tin liên quan |
Nuôi lục bình đừng bức tử những dòng sông. |
Không thể phủ nhận những lợi ích mà lục bình mang lại cho bà con nông dân, góp phần tăng thu nhập giảm nghèo,... Tuy nhiên, nếu để lục bình phát triển tràn lan khó kiểm soát sẽ ảnh hưởng dòng chảy. Đặc biệt là các tuyến kinh rạch, nếu trồng nhiều lục bình sẽ khó khăn trong việc chủ động nước tưới tiêu.
Không có quy hoạch lục bình
Ông Lâm Văn Chánh- Quyền Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Tam Bình cho biết: “Lục bình không phải là cây trồng chính. Ngành nông nghiệp huyện, tỉnh không có quy hoạch”.
Việc trồng ồ ạt lục bình đã gây ra những hệ lụy, ở tuyến sông lớn là cản trở giao thông đường thủy. Đối với những kinh rạch, lục bình hạn chế sự thoát nước, nên khó cho những cánh đồng trong việc chủ động tưới tiêu.
Đối với những hộ trong kinh rạch, việc nuôi lục bình ồ ạt rất ảnh hưởng đến chủ động nước. Trước cửa nhà chú Trần Văn Đông (xã Phú Thịnh) là kinh thầy Tư Minh, đoạn kinh luôn đầy ắp lục bình.
Chú chỉ tay về phía sâu trong kinh: “Khúc kinh này có 6 người nuôi lục bình, ngoài này còn thư thư chứ trong kinh là đặc rật lục bình luôn. Ngày thường thì không sao nhưng đến khi làm đất, dọn sạ thì rất khó chủ động nước, cho nên chúng tôi phải phá bỏ bớt”.
Là chòm xóm láng giềng, chú Đông luôn thông cảm cho những hộ tận dụng kinh nuôi lục bình, chỉ cần: “Với tuyến kinh này thì lối 20/10 âm lịch dọn bớt lục bình cho nước rút sạ lúa là được rồi. Thường thường thì bà con mình cứ trồng”.
Những ụ lục bình “cõng rác”. |
Theo các nhà chuyên môn, tác động xâm hại chính của lục bình bao gồm giảm tính đa dạng sinh học do sự phát triển mạnh mẽ của lục bình ngăn chặn sự phát triển các phiêu sinh, thực vật khác, làm suy giảm ô xy do hạn chế cơ chế trao đổi khí và gây ô nhiễm nguồn nước do lục bình chết, thối rữa.
Lục bình cũng là nơi sinh sống của nhiều loài vật có khả năng gây bệnh như muỗi. Sự phát triển dày đặc của lục bình làm hạn chế vấn đề đi lại đường thủy, ảnh hưởng đến các hoạt động tưới tiêu, đánh bắt thủy sản,…
Những mảng lục bình lớn kết hợp với rác thải thường xuyên bị vứt tràn xuống kinh rạch trở nên đặc quánh. Chức năng lưu thông dòng chảy của hệ thống kinh bị vô hiệu hóa hoàn toàn.
Tiền Giang bỏ ra 9,2 tỷ đồng cho lục bình năm 2018 Do lục bình theo dòng nước bị ứ đọng lại và sinh sôi, gây cản trở lưu thông, ảnh hưởng sản xuất, trên 1.200km kinh, rạch ở tỉnh Tiền Giang bị lục bình bao phủ với diện tích hơn 9 triệu mét vuông. Các đơn vị liên quan đã dùng ngân sách chi khoảng 8 tỷ đồng để vớt lục bình. Sau đó, tỉnh này chi 1,2 tỷ đồng để nuôi lục bình ở những tuyến kinh lớn, rộng từ 20m đến 100m có dòng chảy mạnh, ghe tàu lưu thông nhiều gây sạt lở. |
Bức tử kinh rạch
Bên bàn trà sáng ngay chợ xã Phú Thịnh, ông Nguyễn Văn Hứng, người có chiếc ghe lớn trong xã cho biết: “Giờ đường lộ bon bon, láng o người ta có còn cần đi đường ghe đâu nên ghe đậu, nằm vũng luôn”.
Còn nói về những hạn chế trước mắt của lục bình thì, ông cho rằng “nuôi lục bình như nuôi chuột, nuôi muỗi vậy đó”. Nói rồi ông Hứng chỉ tay về phía chiếc ghe bơm cát xa xa: Chỉ có mấy ghe lớn như vầy, bò vô còn khó. Bà con nuôi lục bình cũng phải chừa vài mét cho ghe nó chạy.
Ngoài ra, lục bình còn là “cái thùng rác”, theo đó bà con mình cứ “vô tư” quăng rác xuống sông, chưa kể xác súc vật vướng vào lục bình không trôi đi đâu được!
Ngay cây cầu bắc qua sông Cả Tàu- Sóc Tro vào buổi sáng sớm nước chưa chảy mạnh, những đám lục bình quằn mình ôm đầy chai nhựa, bao ny lông. Xa xa là những gốc lục bình trơ trọi đã bị cắt dây đang thối rữa.
Bon chen với lục bình để lưu thông trên những tuyến sông, rạch. |
Anh Nguyễn Việt Thắng- một người dân xã Phú Thịnh cho biết: “Súc vật bệnh chết người ta quăng xuống sông. Dưới sông thì trồng quá trời lục bình nên không rút đi được. Có khi ở trong nhà nghe mùi không chịu nổi”. Việc quăng rác xuống sông là do ý thức của người dân, không thể đổ lỗi cho lục bình, tuy nhiên, lục bình vô tình “cõng rác” làm ô nhiễm môi trường nước.
Bên cạnh đó, lục bình vô tình bức tử dòng sông, kinh rạch bởi con người. Khi muốn phá bỏ bớt lục bình bà con nông thôn ít ai còn quan niệm chặt, cắt thay vào đó là xịt thuốc diệt cỏ. Những loại thuốc diệt cỏ được phun trực tiếp xuống kinh rạch không chỉ làm chết cỏ mà còn làm chết các loài thủy sản đang sống trong nó, ô nhiễm môi trường.
Cùng với sự phát triển của các làng nghề, những mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ lục bình ngày càng được thế giới ưa chuộng và việc nuôi lục bình đã trở thành nghiệp mưu sinh của hàng trăm hộ dân trong huyện Tam Bình.
Thiết nghĩ, đã đến lúc cần có quy hoạch, quy định riêng cho phát triển lục bình ở từng địa phương, từng con sông cụ thể, để vừa kiểm soát được tốc độ phát triển của lục bình giúp nông dân phát triển kinh tế vừa đảm bảo không ảnh hưởng đến giao thông, thủy lợi.
Ông Trần Văn Ẩn- Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh (Tam Bình) cho biết: 3 năm trở lại đây, nghề nuôi lục bình phát triển nhiều. Các kinh như Đập Lớn, Lục Sự, Di Cư- Thủ Cù do nước ít chảy nên lục bình phát triển nhanh, đôi khi làm cho giao thông đường thủy bị ảnh hưởng. Chúng tôi luôn thường xuyên xem xét, vận động bà con nuôi lục bình đảm bảo mức độ vừa phải, không để gây ảnh hưởng. Những phản ánh của bà con được ghi nhận, tuyến kinh Di Cư- Thủ Cù vừa rồi bà con phản ánh bị lục bình che hết lối đi đã được chúng tôi phối hợp với xã Long Phú khơi thông rồi. Chú Trần Văn Đông (xã Phú Thịnh) nói: Làm ruộng cũng sợ cập mé kinh gần đó lục bình nhiều vì chuột ở đó dữ lắm, rồi nó cắn phá lúa. Trong kinh này thì lục bình dù bà con không nuôi, nó cũng tự phát triển vì nước ít chảy. Nói đi cũng nói lại, nhờ bà con chặt bớt lấy dây chứ để nó tự phát triển còn nhiều hơn nữa. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin