Trái ngược với sự đông đúc của những ngày cận tết, đô thị thường trở nên vắng vẻ hơn vào những ngày tết bởi cuộc "di dân ngược" từ phố về vườn. Bên cạnh những người "bắt nguồn từ làng quê" trở về sum họp, có cả những người gốc thị thành nhưng thích tết quê.
Trái ngược với sự đông đúc của những ngày cận tết, đô thị thường trở nên vắng vẻ hơn vào những ngày tết bởi cuộc “di dân ngược” từ phố về vườn. Bên cạnh những người “bắt nguồn từ làng quê” trở về sum họp, có cả những người gốc thị thành nhưng thích tết quê.
Và, dù ở trường hợp nào thì khi trở lại với nhịp sống thường ngày sau một mùa “thưởng thức tết quê” cũng ghi dấu trong lòng bao hình ảnh và tình cảm đẹp.
Nhiều đôi lứa ở phố thị về quê đón tết, tranh thủ ghi lại những “khoảnh khắc mùa xuân”. |
“Về quê ăn tết” từ lâu đã trở thành một “nét tết” đặc trưng ở đô thị. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà đô thị “thiếu tết”.
Bởi lẽ, cuối tháng Chạp, khi chợ hoa kiểng tết khởi động thì cũng là lúc phố phường rực rỡ sắc cờ, hoa, đèn trang trí; người người tất bật dọn dẹp, trang hoàng cho tổ ấm của mình tươi mới đón xuân.
Những người quê gần thì tranh thủ “chạy tới chạy lui” giữa phố và vườn, người quê xa hơn thì nán lại đón giao thừa cho ấm nhà mới bắt đầu hành trình về quê ăn tết…
Đã “lên sẵn lịch” để đón tết ở quê chồng thuộc xã Tân Long Hội (Mang Thít) nên ngay từ những ngày cuối tháng Chạp, chị Nguyễn Thị Mai Xuân (Phường 2- TP Vĩnh Long) đã tranh thủ dọn dẹp, tân trang nhà cửa.
Sau khi trang trí và bày mâm ngủ quả đảm bảo cho nhà “đủ tết”, chị bắt đầu hành trình vui đón tết quê. Lần đầu ăn tết ở quê chồng đã để lại cho chị nhiều kỷ niệm đẹp.
Chị cho biết, rất ấn tượng với cảnh trí thanh bình, khí hậu mát mẻ, cô bác xóm giềng dễ gần, dễ mến. “Dưới đồng lúa chín vàng, khắp các con đường và quanh các ngôi nhà đều ngập sắc hoa. Tôi đã cùng chồng đi chúc tết khắp nhà người thân và cả hàng xóm nữa.
Đến đâu, cũng ăn bánh mứt, uống trà, chuyện trò rôm rả. Lúc về, người thì nhiệt tình biếu trái bưởi, người biếu trái vú sữa, trái xoài hay kẹo chuối tự làm…”- chị say sưa kể. Cho nên, theo chị thì “đón tết ở quê là thích nhất!”.
Sinh sống và làm việc ở TX Bình Minh, năm nào gia đình anh Phạm Thanh Toản cũng tranh thủ sắp xếp công việc để về nhà ba mẹ ở Song Phú (Tam Bình) ăn tết.
Năm nay, vợ chồng anh lên kế hoạch cho con thăm và chúc tết ông bà- trải nghiệm tết quê. Anh Toản cho biết, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa xong là 28 tết, cả nhà về quê cúng rước ông bà, 30 tết lại trở lên cúng giao thừa cho ấm nhà rồi mới ăn tết luôn ở quê tới mùng 6.
Chị Trương Ngọc Vân- vợ anh Toản- xởi lởi: Năm nay, cả nhà đi “hơi nhiều” để đến thăm, chúc tết họ hàng và để các con biết trọng lễ nghĩa, hiếu kính với người lớn tuổi, gần gũi với thiên nhiên tươi đẹp quê mình.
Một “góc tết quê” ở TP Vĩnh Long những ngày giáp Tết Kỷ Hợi 2019. |
Theo chị, những bài học sống động về tình thân, về chim muông, cây cỏ lá hoa tươi xinh… dịp tết rất phong phú, cần tận dụng để giới thiệu với con trẻ. “Mấy ngày tết ngắn ngủi thôi nhưng các con học hỏi được rất nhiều và cũng dạn dĩnh hơn”- chị Vân hài lòng.
Trở lại sinh sống ở đô thị lớn là TP Hồ Chí Minh sau gần 1 tuần ăn tết ở quê hương Long Hồ, chị Bùi Thanh Tuyền tiếc nuối: “Về quê sum họp với người thân rất vui nên thấy mấy ngày tết sao mà trôi nhanh quá”.
Chị Tuyền cho biết thêm, thật ra điều kiện đi lại bây giờ rất tốt, có thể về quê bất cứ lúc nào nhưng vẫn “da diết nhớ cái tết quê, nhớ không khí quây quần, tất bật chuẩn bị tết như tráng bánh, làm bánh in, mứt dừa, kẹo chuối… Tết đến, em nhỏ xúng xính quần áo mới, nô đùa quanh xóm”.
Cũng sinh sống ở TP Hồ Chí Minh, cô Lê Thanh Vân (xã Tân Hạnh- Long Hồ) đúc kết, tết quê bây giờ có khác xưa. Bên cạnh những điều hay còn lưu giữ như con cháu mừng tuổi ông bà, đi thăm họ hàng… thì cũng có những điều chưa hay diễn ra như một số người mê đỏ đen, nhậu nhẹt quá đà…
Tuy nhiên, hơi ấm tình thân, sự hồn hậu của người dân quê bao đời vẫn vậy. “Mấy đứa nhỏ thích tết quê, kêu về thành phố hổng chịu về.
Người lớn cũng vậy, lưu luyến lắm chớ. Nhưng tết rồi cũng hết, phải trở về với nhịp sống thường ngày để tiếp tục học hành, phát triển công việc làm ăn… Có vậy, tết sau mới vui hơn”- cô Vân nói.
Thiết nghĩ, rời thị thành để thưởng thức tết quê là một hành trang trở về đầy nô nức. Và, rời quê trở lại thị thành để trở lại nhịp sống thường ngày thực sự là một hành trang lúc đi đong đầy yêu thương, kỷ niệm.
Những chuyến “kết nối” như vậy chắc chắn sẽ “tiếp lửa” cho một năm mới đầy năng lượng để người người học tập, làm việc hăng say và hiệu quả hơn.
Bài, ảnh: SÔNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin