Phát triển thành phố theo hình rẽ quạt

03:02, 27/02/2019

Theo Sở Xây dựng, phương án này có những ưu điểm vượt trội so phương án cấu trúc hiện nay của thành phố.

Phương án cấu trúc đô thị (ĐT) tập trung- tập trung các chức năng ĐT ở trung tâm, phát triển thành phố theo hình rẽ quạt, mở rộng về các hướng xung quanh dự kiến là phương án cấu trúc ĐT được chọn trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của TP Vĩnh Long đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. 

Theo Sở Xây dựng, phương án này có những ưu điểm vượt trội so phương án cấu trúc hiện nay của thành phố.

TP Vĩnh Long đang mở rộng tuyến tính dọc theo QL, đường tỉnh.
TP Vĩnh Long đang mở rộng tuyến tính dọc theo QL, đường tỉnh.

Cấu trúc hiện nay của thành phố

Theo Sở Xây dựng, TP Vĩnh Long hiện đang mở rộng một cách tuyến tính dọc theo sông Cổ Chiên, QL1, QL53, dọc đường Phạm Thái Bường (Phường 4) và đường Mậu Thân (Phường 3). Khu vực được bao bọc bởi các đường giao thông chính vẫn còn tồn tại đất nông nghiệp, chỉ có thể tiếp cận đất nông nghiệp bằng các con đường nhỏ hẹp.

Đường giao thông được mở rộng ven sông, rạch; nhà cửa mọc lên theo đó. Hướng ĐT được phát triển những năm gần đây là: phía Tây (dọc QL1), phía Đông (dọc Đường tỉnh 902), phía Nam (dọc QL1), phía Đông Nam (dọc đường Phạm Thái Bường) và ĐT có xu hướng kéo dài theo tuyến tính. Ưu điểm của phương án cấu trúc này là phát triển ĐT theo hướng rìa ngoài thành phố, dọc theo QL, đường tỉnh.

Theo đó, tận dụng các trục đường hiện có, ít phải mở đường mới. Tuy nhiên, hạn chế là khoảng cách đến khu vực nội thành, giữa các trọng điểm xa nên sự liên kết yếu. Mặt khác, tập trung lượng giao thông lớn trên đường trục nên gia tăng nguy cơ gây ùn tắc giao thông. Đồng thời, hiệu quả thấp trong xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển; dân số phân tán, không tạo nên sự sầm uất cho khu trung tâm.

Trong khi đó, cấu trúc tập trung- tập trung các chức năng ĐT ở trung tâm thành phố, phát triển thành phố theo hình rẽ quạt với hạt nhân là trung tâm ĐT hiện hữu, mở rộng thành phố về các hướng xung quanh.

Theo đó, ưu điểm của phương án này là khoảng cách giữa các trọng điểm gần, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các trọng điểm.

Nhờ mạng lưới đường vành đai và đường hướng tâm, lượng giao thông được phân tán, tránh ùn tắc. Bên cạnh, đạt hiệu quả tốt trong xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển; dân số xung quanh khu vực trung tâm tăng lên, tạo sự sầm uất cho khu vực trung tâm… Tuy nhiên, cần xây mới nhiều đường giao thông hơn so phương án cấu trúc tuyến tính.

Với phương án này, ĐT tương lai được chia làm 4 vùng. Vùng trung tâm đóng vai trò tích hợp chức năng ĐT, có cấu trúc ĐT đa chức năng, hướng phát triển ĐT là: phát triển ĐT hướng tâm mang hiệu suất cao.

Cấu trúc mới cho ĐT tương lai

Theo PGS. TS. Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), các ĐT hiện nay đang “vấp phải” một hiện tượng rất phổ biến phát triển từ ĐT trung tâm mở rộng dần ra xung quanh theo kiểu “ở giữa hết đất thì phát triển vòng ngoài, vùng ven…”

Đáng nói là nhà cửa, công trình, đường sá… khu vực xây sau bao giờ cũng cao hơn các khu vực đã được xây trước đó để chống ngập nên lâu dần địa hình sẽ giống như lòng chảo.

Do đó, khu vực trung tâm không chỉ ngày càng ngập nặng hơn mà còn kéo theo những hệ lụy khác như: mật độ người và xe ngày càng cao, kẹt xe gia tăng, thoát nước quá tải, ô nhiễm ngày càng nhiều lên… Theo đó, nên có chiến lược mở ra những ĐT vệ tinh- tức là phân tán ĐT ra.

Cấu trúc tuyến tính của thành phố hiện nay và cấu trúc tập trung cho tương lai. Ảnh chụp từ đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Vĩnh Long.
Cấu trúc tuyến tính của thành phố hiện nay và cấu trúc tập trung cho tương lai. Ảnh chụp từ đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Vĩnh Long.

Cũng nhằm phân tán ĐT, khắc phục những khuyết điểm của phương án cấu trúc tuyến tính hiện tại, phương án cấu trúc tập trung dự kiến được chọn trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của TP Vĩnh Long đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, sẽ “nới rộng không gian” thành phố theo hình rẽ quạt: hạt nhân là ĐT hiện hữu, tỏa về các hướng xung quanh- thêm một phần của huyện Long Hồ (các xã An Bình, Hòa Ninh, Thanh Đức, Tân Hạnh, Phước Hậu).

ĐT tương lai được chia làm 4 vùng: lõi ĐT, vùng chuyển tiếp, ngoại thành và cù lao An Bình. Trong đó, lõi ĐT bao gồm trung tâm hành chính mới của tỉnh (Phường 9) và Phường 1 có nhiều cơ sở kinh doanh thương mại- dịch vụ.

Tại vùng lõi ĐT và ĐT chuyển tiếp, khi phát triển ĐT sẽ giữ lại tối đa các con sông, kinh rạch và đất cây xanh, đất nông nghiệp ven sông tạo mạng lưới cây xanh và mặt nước liên tục trong ĐT. Nghĩa là, đem thiên nhiên vào ĐT tạo không gian bố trí sân chơi thể thao, đường đi dạo, đi xe đạp, là nơi nghỉ ngơi giải trí cho người dân…

Theo Sở Xây dựng, sở đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện đồ án “Điều chỉnh quy hoạch chung TP Vĩnh Long đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050” trình UBND phê duyệt vào các tháng đầu năm.

Thiết nghĩ, không riêng TP Vĩnh Long mà các ĐT khác trong tỉnh cần rà soát lại phương án cấu trúc hiện có của ĐT mình, nghiên cứu khả năng áp dụng phương án cấu trúc tập trung cho sự phát triển của ĐT tương lai.

Năm 2019, ngành xây dựng đẩy nhanh tiến độ lập Chương trình phát triển ĐT tỉnh Vĩnh Long đến năm 2030 (dự kiến trình UBND tỉnh phê duyệt trong quý I). Bên cạnh, phối hợp với UBND TP Vĩnh Long, UBND TX Bình Minh lập chương trình phát triển ĐT của từng ĐT, đề án phân loại ĐT theo kế hoạch của UBND tỉnh...

 

Bài, ảnh: SÔNG HẬU

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh