Tết là dịp để mọi người được trở về bên gia đình, là khoảng thời gian mà đứa con xa quê ngóng trông, háo hức được sum họp bên mâm cơm tất niên. Đây là một truyền thống luôn nguyên vẹn trong mỗi trái tim, tinh thần và nếp sống của mỗi người dân Việt Nam.
Tết là dịp để mọi người được trở về bên gia đình, là khoảng thời gian mà đứa con xa quê ngóng trông, háo hức được sum họp bên mâm cơm tất niên. Đây là một truyền thống luôn nguyên vẹn trong mỗi trái tim, tinh thần và nếp sống của mỗi người dân Việt Nam.
Nhưng những người con xa quê không phải năm nào cũng về được, họ chuẩn bị ăn tết Việt Nam nơi xứ xa để ấm lòng mình và cũng để giới thiệu với mọi người về tết ấm tình người- tết Việt Nam!
Bữa cơm sum họp gia đình của kiều bào xa quê. |
“Ghiền” thịt heo kho rệu
Đối với những kiều bào ở Singapore, họ có được may mắn vì ở đây cũng vui tết giống như người Việt Nam. Tuy nhiên, mỗi nơi có những phong tục khác nhau.
Các cô dâu Việt Nam ở xứ người đã đem tình yêu quê hương gửi vào các món ăn để khuây khỏa nỗi nhớ quê, để đem tết Việt Nam đến với mọi người.
Chị Nguyễn Thị Thúy An (quê ở huyện Tam Bình) theo chồng về Singapore đã hơn 9 năm và đã về thăm nhà được 4 lần. Có những cái tết chị không về quê hương được nên đã tự làm một vài món truyền thống để “ăn tết” xa xứ. Món chị ghiền nhất là thịt kho rệu và mứt dừa dẻo.
Chị kho một nồi thịt lớn mời cả nhà chồng để giới thiệu văn hóa ẩm thực ngày tết quê mình. Theo chị An, tết ở Singapore cũng có nhiều hoa, bánh trái như ở Việt Nam nhưng món mứt dừa dẻo thì không có.
“Năm nào không về, mẹ cũng làm mứt dừa gửi cho tôi và gửi tặng ba mẹ chồng tôi, ai ăn cũng khen ngon. Cả nhà đặc biệt thích thịt heo kho rệu tôi làm, ghiền luôn đó”.
Một góc bán đồ trang trí tết ở Singapore. |
Chị Lê Anh Thư- một Việt kiều Mỹ- cũng chia sẻ: “Vì bận con cái đi học và hơi eo hẹp kinh tế nên 2 năm rồi vợ chồng tôi không về Việt Nam ăn tết được. Buồn và nhớ tết quê mình lắm. Bên đây ngày tết cũng có chợ Việt Nam bán nhiều thứ lắm, tôi mua một mâm trái cây ngũ quả và hoa, gà và một số món khác để về làm mâm cơm cúng ông bà, sau đó cả nhà cùng ăn để có được cái tết truyền thống nơi xứ người”.
Món thịt heo kho rệu cũng là món ăn yêu thích của cả nhà chị, những ngày này chị kho một nồi lớn để ăn vài ngày, các con chị rất thích trứng kho với thịt, chị còn làm thêm món canh khổ qua hầm cho đủ hương vị tết mình, rồi mua bánh tét, bánh kẹo.
“Bên đây chỉ kho thịt bằng bếp điện nên không ngon bằng bếp củi để lửa riu riu như ở quê mình nên cũng không được màu sắc tự nhiên và đậm đà nhưng vậy cũng đã ấm lòng rồi. Mấy ngày tết, các kiều bào chúng tôi cũng gặp gỡ nhau ăn mừng, chúc nhau một năm mới đầy may mắn, tốt đẹp”.
Nhớ cái chợ đầy hoa
Tế́t nào chị Vọng cũng may áo dài mới để mặc đi lễ chùa. |
Chị Nguyễn Thị Vọng đã định cư ở Mỹ hơn 20 năm vẫn không quên cảm giác đón tết Việt Nam. Chị Vọng nói: “Bên đây có nhiều người Việt sinh sống nên phong tục cúng ông bà ngày tết cũng được mọi người thực hiện đầy đủ”. Tết Việt Nam ở Mỹ, chị Vọng cũng như nhiều gia đình khác đi mua bánh chưng, bánh tét, mứt,… hầu như không thiếu thứ gì. Sáng mùng một, cả nhà chị thường đi chùa cầu phúc cho năm mới. Nhiều gia đình đặt sẵn chỗ trong nhà hàng để cùng quây quần dùng cơm. Khu vui chơi, giải trí cũng dành những ngày cuối tuần tổ chức tết cho người Việt Nam.
Dù tết Việt Nam đã có mặt ở Mỹ, vui và đầm ấm nhưng chị Vọng vẫn không quên được cái tết quê mình. “Nhớ cái chợ tết đầy hoa” và khoảng thời gian nghỉ ngơi “vui xuân cho đã” bên gia đình, bè bạn. Ngày nào chị cũng cùng người thân, bạn bè đi dạo chợ hoa xuân, ngắm đủ loại hoa nở rộ khoe sắc rồi chọn mua hoa đẹp về chưng trước cửa nhà. “Tết nào được về quê là tôi đi chợ hoa suốt. Tôi rất thích nên mua rất nhiều hoa chưng trong nhà cho rực rỡ, mấy cái tết bên này tôi nhớ không khí chợ hoa xuân lắm. Thông thường, tôi chỉ được về quê dịp hè. Tết xa nhà buồn lắm nên chúng tôi chuẩn bị tết nơi xứ xa thật xôm tụ để đỡ nhớ nhà”- chị Vọng chia sẻ.
Chị Võ Ngọc Phụng nấu những món đặc trưng Việt Nam và giới thiệu văn hóa ẩm thực quê mình cho anh chồng Tây thưởng thức. |
Chị Võ Ngọc Phụng (quê ở An Giang) theo chồng sống ở Pháp đã 11 năm. Những năm không về được, chị tổ chức một cái tết Việt Nam nho nhỏ nơi trời Tây và qua đó, giới thiệu với người chồng Tây về văn hóa ẩm thực ngày tết quê mình. “Những ngày tết truyền thống của mình, ban ngày tôi vẫn đi làm bình thường nhưng ở nhà cũng bày mâm ngũ quả, cắm bình hoa, kho một nồi thịt với trứng, củ kiệu thì được mẹ gửi sang từ trước. Tối giao thừa tôi vẫn cúng y như ở Việt Nam vậy. Tối mùng 1 thì cùng ông xã đến nhà hàng Việt vì ở đây hàng năm đến ngày Tết cổ truyền có rất đông người Việt Nam tụ họp ăn uống và chúc tết nhau”- chị Phụng chia sẻ.
Nhưng chị Phụng nhớ nhất vẫn là chợ hoa tết nhộn nhịp, rực rỡ: “Ngày xưa, tôi thường chở mẹ len lỏi qua những con đường đông đúc để đến chợ hoa, tíu tít cười vui, ngắm nghía rồi đòi mẹ mua cho những chậu hoa thật tươi tắn về nhà trưng bày đẹp mắt, chăm chút cho hoa nở đẹp đến hết mùng để mang may mắn đến cho cả nhà”. l
Bài, ảnh: HẢI YẾN- CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin