Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Long Hồ đã tập trung huy động nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng giao thông làm đòn bẩy phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.
Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Long Hồ đã tập trung huy động nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng giao thông làm đòn bẩy phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.
Trong đó, nổi lên những điểm sáng như các xã Tân Hạnh, Phú Quới… là những địa phương thực hiện tốt công tác vận động các tổ chức cá nhân và quần chúng nhân dân tham gia xây dựng giao thông nông thôn trên địa bàn. Đây là tiền đề quan trọng để giúp địa phương sớm xây dựng đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Đường giao thông nông thôn Long Hồ được thắp sáng về đêm, giúp cho người dân đi lại thuận tiện hơn. Ảnh: DƯƠNG THU |
Giải pháp linh động
Chủ tịch UBND xã Tân Hạnh Lê Hoàng Thanh phấn khởi cho biết: “Xã Tân Hạnh đã rất thành công trong công tác vận động làm đường giao thông nông thôn và việc “thắp sáng” nông thôn. Đó là nhờ cách làm linh động, phù hợp với từng địa bàn và vận dụng tốt nguồn vốn đối ứng từ trên cùng với xã hội hóa các nguồn lực sẵn có”.
Theo đó, đối với tuyến đường nhựa thì vận động người dân đóng góp 2 triệu đồng/hộ, còn lắp đặt hệ thống chiếu sáng đường nông thôn thì đóng góp 500.000 đ/hộ. Đối với những trường hợp khó khăn như các hộ nghèo, cận nghèo thì xã cũng để tập thể bà con biểu quyết, xét từng trường hợp để có ý kiến miễn giảm một phần hay hoàn toàn.
Tất cả kinh phí đều được khảo sát, công khai trong các cuộc họp dân; do đó, nhận được sự đồng thuận cao trong đóng góp kinh phí cũng như sự tự nguyện hiến đất làm đường.
Từ thành công của xã Tân Hạnh, cần ghi nhận sáng kiến và sự năng nổ của cán bộ ở các ấp. Bí thư chi bộ, Trưởng ấp Tân Hòa Võ Văn Sáu cho rằng: Hiện những tuyến đường chính trên toàn ấp đều đã được thắp sáng, bộ mặt nông thôn thay đổi, góp phần giảm bớt tệ nạn trộm cắp. Người dân và học sinh đi học ban đêm an tâm, an toàn hơn.
Việc vận động ở ấp luôn được triển khai thực hiện từ những nhân tố tích cực, những cán bộ, đảng viên trước, đa phần họ đóng góp gấp nhiều lần so với quy định chung để nêu gương, đồng thời bù đắp cho những hộ còn khó khăn.
Đến ấp Tân An, chúng tôi gặp gia đình ông Dương Văn Bửu, được biết thu nhập chủ yếu của gia đình dựa vào 2.000m2 đất vườn trồng dừa, nhưng khi có chủ trương làm tuyến đường nhựa đi ngang qua phần đất của gia đình, ông Bửu đã bàn bạc với người thân đồng tình hiến hơn 200m2 và chặt bỏ hàng chục cây dừa đang cho trái để làm đường. Nhờ có sự đồng thuận của gia đình ông và nhân dân địa phương mà con đường đã được hoàn thành.
Giờ đây việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa rất thuận lợi. Cũng như bao người dân khác, ông Bửu rất phấn khởi: “Nghe chủ trương xây dựng công trình này, tôi mừng lắm, sẵn sàng hiến đất, cây cối. Khi đường này hoàn thành, thông thoáng thì tạo điều kiện cho người dân chuyên chở thuận tiện”.
Điểm dễ nhận thấy nhất trong xây dựng giao thông tại xã Tân Hạnh là sự đồng tình, tự nguyện của nhân dân. Không chỉ hiến đất làm đường, người dân còn tự nguyện đóng góp công sức, tiền của để cùng chính quyền địa phương thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Thực tế cho thấy khi cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân đồng lòng, sẽ tạo nên sức mạnh để thực hiện hiệu quả phong trào xây dựng giao thông nông thôn. Theo đó mỗi năm, xã Tân Hạnh lại có thêm một tuyến đường được xây dựng kiên cố, cứ thế đến nay hệ thống giao thông của xã đã cơ bản hoàn thiện đến tận xóm ấp.
Bà Nguyễn Ngọc Thu- người dân ấp Tân An- cho biết: “Hồi đó đường bị ngập, đi ra đi vô khó khăn, đi xe là trợt té. Nhờ làm con đường này mà dân chúng đi được dễ dàng. Mất bao nhiêu đất người dân chúng tôi cũng chịu, miễn là đường đi được thuận tiện”.
Nói về kết quả việc huy động nguồn lực xây dựng giao thông tại địa phương trong 2 năm qua, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Thành Lâm cho biết: “Tân Hạnh không phải là xã điểm trong xây dựng nông thôn mới, nên chúng tôi tự lực là chính.
Qua 2 năm, chúng tôi vận động nhân dân đóng góp 1,6 tỷ đồng, chủ yếu là xây dựng cầu đường. Hướng tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền vận động để người dân hiểu được họ chính là chủ thể của nông thôn mới, từ đó tích cực đóng góp ủng hộ chủ trương xây dựng nông thôn mới đạt chất lượng lâu dài”.
Thực tế chứng minh phong trào chung tay góp sức xây dựng giao thông nông thôn của nhân dân xã Tân Hạnh đã làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn. Ngoài việc tạo điều kiện đi lại dễ dàng, phong trào này còn thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Đây cũng là tiền đề để xã Tân Hạnh rút ngắn thời gian xây dựng xã nông thôn mới.
Những tuyến đường nối liền niềm vui
Rất nhiều năm qua, tại các kỳ tiếp xúc với các vị đại biểu HĐND 3 cấp, người dân 3 ấp Phước Bình A, Phú Thạnh A và Phú Thạnh B (xã Phú Quới) bức xúc, phản ánh tình trạng cầu Bờ Tràm Cụt và tuyến đường giao thông ở nơi đây hư hỏng, mong muốn Nhà nước xây lại cây cầu nối liền 2 ấp Phú Thạnh A- Phú Thạnh B và đường giao thông nối liền 2 ấp Phú Thạnh A- Phước Bình A.
Trước mong muốn chính đáng của người dân, Đảng ủy, UBND xã Phú Quới đã tổ chức vận động các nhà hảo tâm và nhân dân đóng góp để xây dựng 2 công trình này.
Cầu Bờ Tràm Cụt đã xuống cấp từ lâu, người qua đây luôn đối mặt với nguy hiểm, còn bây giờ cây cầu đã được xây dựng hoàn thành với kinh phí hơn 172 triệu đồng, cùng 300 ngày công lao động. Toàn bộ đều do UBND xã vận động các nhà hảo tâm và bà con địa phương cùng đóng góp.
Trước đây đoạn đường giao thông nông thôn từ cầu Hai Nhất đến cầu Bờ Tràm Cụt nối liền 2 ấp Phú Thạnh A- Phước Bình A là đường đất, đi lại rất khó khăn. Ai nấy đều mong muốn có con đường cao ráo thuận tiện cho việc đi lại, nên khi Nhà nước có chủ trương, người dân nơi đây đã đồng tình rất cao.
Toàn bộ kinh phí 770 triệu đồng xây dựng tuyến đường đều do nhân dân đóng góp. Bà Nguyễn Thị Lan Tươi- Chủ tịch UBND xã Phú Quới- cho biết: “Đảng ủy, UBND xã đã vận động nguồn huy động sức dân để làm cầu và đường, công sức của người dân rất nhiều, công trình hoàn thành là niềm phấn khởi của cả xã. Tuyến đường này thuận lợi giúp người dân, các cháu học sinh và công nhân đi lại dễ dàng”.
Phát triển giao thông là đòn bẩy để phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương. Trong khi ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, chưa thể đầu tư xây dựng những tuyến đường liên ấp, liên xóm thì Đảng ủy, UBND xã Phú Quới đã biết dựa vào dân, tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chung tay góp sức, là một việc làm rất đáng ghi nhận.
Long Hồ là huyện ven đô thị song lại có nhiều địa bàn sâu, hẻo lánh. Vậy mà giờ đây có nhiều tuyến đường thông thoáng, thuận lợi giao thông. Đặc biệt, phong trào “thắp sáng” các nẻo đường nông thôn giúp cho các xóm ấp trở nên an toàn và người dân an tâm trong mọi sinh hoạt về đêm.
Chủ tịch UBND xã Tân Hạnh Lê Hoàng Thanh cho biết: Trong năm 2018, huyện giao xã thực hiện 2km đường có hệ thống chiếu sáng, nhưng cho đến tháng 11, xã đã vận động thực hiện được 12km đường có hệ thống đèn chiếu sáng. Riêng tiền điện hàng tháng, giao cho tổ tự quản tự thu, tự quản lý hệ thống đèn. Đến nay, toàn bộ 9 ấp của xã đều có lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, đèn được mở từ 18 giờ mỗi ngày. |
QUANG THUẦN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin