Đầu xuân nói chuyện "trồng người"

12:02, 07/02/2019

"Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người"- đối với Bác Hồ, giáo dục là yếu tố vô cùng quan trọng tạo nên nền tảng, đạo đức, nhân cách con người "Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên". "Mùa xuân là Tết trồng cây"- chúng tôi xin nói về việc "trồng người", trồng mầm xanh tương lai cho đất nước "càng ngày càng xuân".

“Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”- đối với Bác Hồ, giáo dục là yếu tố vô cùng quan trọng tạo nên nền tảng, đạo đức, nhân cách con người “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên”. “Mùa xuân là Tết trồng cây”- chúng tôi xin nói về việc “trồng người”, trồng mầm xanh tương lai cho đất nước “càng ngày càng xuân”.

Những người chủ tương lai của đất nước
Những người chủ tương lai của đất nước

Giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống

Từ 2- 3 tuổi, trẻ được đến trường và bậc học mầm non chính là nơi dạy cho trẻ những bài học đầu tiên. Cô Trương Thanh Nhuận- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long- xác định: “Mục tiêu của giáo dục mầm non là nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Đây là bậc học xây dựng nền móng cho sự phát triển của trẻ sau này”.

Giáo dục mầm non đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm lấy giáo dục trẻ làm trung tâm, cho trẻ tích cực khám phá, trải nghiệm và sáng tạo theo phương châm “học bằng chơi, chơi mà học”. Qua đó, các bé biết kính trọng thầy cô, yêu thương bạn bè, biết sẻ chia,… hình thành những nhân cách tốt đẹp của con người.

Mỗi cấp học có những nhu cầu và hình thức GD- ĐT khác nhau. Thầy Lê Văn Thiểu- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trung Kiên (Vũng Liêm) nói: Việc hình thành và phát triển kỹ năng sống trở thành một yêu cầu quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người hiện đại.

Giáo dục truyền thống là một phần không thể thiếu trong giáo dục sinh viên- học sinh.
Giáo dục truyền thống là một phần không thể thiếu trong giáo dục sinh viên- học sinh.

Lứa tuổi tiểu học là lứa tuổi đang hình thành những giá trị nhân cách, giàu ước mơ, ham hiểu biết, thích tìm tòi, khám phá song còn thiếu hiểu biết về xã hội, thiếu kinh nghiệm sống và dễ bị lôi kéo, kích động,... Do đó, giáo dục và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh cần thông qua hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Hội thi “Thiếu nhi kể chuyện theo sách” tỉnh Vĩnh Long 2018 không chỉ khơi gợi, nuôi dưỡng văn hóa đọc mà còn là cách để nuôi dưỡng tâm hồn, giáo dục đạo đức, lối sống cho mỗi con người.

Tình yêu quê hương, đất nước, kính yêu Bác Hồ, lòng biết ơn ông bà, cha mẹ, thầy cô, tình thương người,… nhẹ nhàng được gửi gắm qua từng câu chuyện.

Bé Lê Hoàng Khánh Ngọc cười thật tươi, khoe “con được diễn vai cô Võ Thị Sáu”. Lên sân khấu, Ngọc diễn rất đạt và tự tin, dù có những lúc khán giả nhỏ tuổi kích động cười, vỗ tay, hò hét xung quanh.

Ngọc nói, giọng trong veo: “Nhờ diễn vai này, con đọc và tìm hiểu kỹ hơn về cô Sáu, con sẽ học theo cô yêu quê hương, sống dũng cảm”.

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục

Có thể khẳng định, Nhà nước ta đã xây dựng được hệ thống GD- ĐT tương đối hoàn chỉnh từ mầm non đến ĐH. Cơ sở vật chất, thiết bị GD-ĐT được cải thiện rõ rệt và từng bước hiện đại hóa.

Số lượng học sinh- sinh viên tăng nhanh, đặc biệt là ở giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng, với cơ cấu ngày càng hợp lý.

Bên cạnh học kiến thức, học sinh- sinh viên cần được giáo dục có định hướng để tư tưởng vững vàng.
Bên cạnh học kiến thức, học sinh- sinh viên cần được giáo dục có định hướng để tư tưởng vững vàng.

Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 3 trường ĐH, 5 trường CĐ, 439 trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT. Nói về thành tựu của giáo dục tỉnh Vĩnh Long thời gian qua, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD- ĐT- cho biết: “Ngành đã tập trung nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”.

Đến nay, cán bộ quản lý và giáo viên biên chế có trình độ chuyên môn đạt chuẩn đào tạo tỷ lệ 99,95%, trong tổng số giáo viên thì có gần 83% giáo viên trên chuẩn, tăng 12,06% so với năm 2017”.

Qua đó, tỷ lệ học sinh khá giỏi ở các cấp học không ngừng tăng lên, cấp THCS tăng 9,2%, cấp THPT tăng 5,6%. Tỷ lệ học sinh trúng tuyển ĐH, CĐ đạt 55%.

Bên cạnh các hoạt động GD- ĐT nâng cao trình độ, kỹ năng thì các đơn vị giáo dục trong tỉnh còn đẩy mạnh tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, văn hóa ứng xử trong nhà trường.

Hội thi Olympic toàn quốc các môn khoa học Mác- Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh ánh sáng soi đường lần thứ II năm 2017, Vĩnh Long đạt giải nhì toàn quốc.

Các sinh viên ở Vĩnh Long cũng dần khẳng định mình qua các giải thưởng khu vực. Đó là Nguyễn Tấn Toàn- Huy chương vàng Kỳ thi tay nghề ASEAN 2018, thành tích cao nhất của sinh viên ĐBSCL khi tham gia kỳ thi này trong nhiều năm nay. Toàn khiêm tốn khi nói về mình “nhờ sự hỗ trợ của nhà trường, sự giúp đỡ tận tình của thầy cô”.

Nghị quyết 29 của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) “Về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục trong tình hình mới.

Trong đó, giáo dục đạo đức, chính trị tư tưởng để đào tạo ra những con người có phẩm chất chính trị vững vàng, có đức, có tài phục vụ cho xã hội là nhiệm vụ cần kíp là sự nghiệp trăm năm không thể xao nhãng.

Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long Nguyễn Bách Khoa, cho rằng: Giáo dục chính trị tư tưởng là rất quan trọng, giáo viên phải dạy sao cho học sinh- sinh viên hiểu và cảm nhận được, điều này quyết định sự thắng lợi của dân tộc, đất nước trong tương lai. Tư tưởng của một người rất quan trọng. Do đó, song song với dạy tri thức, nghề nghiệp, kỹ năng phải dạy làm người.

Bài, ảnh: VĨNH PHÚC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh