Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 "bùng nổ", mục tiêu xây dựng mô hình đô thị thông minh hay thành phố thông minh hướng tới phát triển bền vững ngày càng rõ nét. Cùng với sự hợp tác của tập đoàn, doanh nghiệp, nhiều thành phố lớn đã nghiên cứu, thông qua đề án phát triển đô thị thông minh.
Viettel đang đầu tư mạnh cho nghiên cứu phát triển về trung tâm điều hành thành phố thông minh. Ảnh chụp tại hội thảo“Hợp tác phát triển công nghệ thông tin- truyền thông Việt Nam lần thứ 22” tại Vĩnh Long. |
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 “bùng nổ”, mục tiêu xây dựng mô hình đô thị thông minh hay thành phố thông minh hướng tới phát triển bền vững ngày càng rõ nét. Cùng với sự hợp tác của tập đoàn, doanh nghiệp, nhiều thành phố lớn đã nghiên cứu, thông qua đề án phát triển đô thị thông minh.
Đô thị thông minh là xu thế tất yếu
Những năm gần đây, khái niệm đô thị thông minh ngày càng trở nên phổ biến, không chỉ các thành phố lớn mà lan rộng ra các tỉnh- thành. Tính đến nay, đã có hơn 20 tỉnh- thành (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh,…) nghiên cứu và phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh.
Tại hội thảo “Hợp tác phát triển Công nghệ thông tin- truyền thông Việt Nam lần thứ 22” tại Vĩnh Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra và liên quan đến mọi lĩnh vực, trong đó công nghệ thông tin- truyền thông là một trong những thành phần nền tảng. Gồm những yếu tố cốt lõi như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet vạn vật. Đối với Việt Nam, cách mạng công nghiệp 4.0 được kỳ vọng tạo ra những thay đổi lớn trong phương thức quản lý, sản xuất, kinh doanh, là cơ hội lớn đưa đất nước đi lên hiện đại và thịnh vượng.
Ông Lê Quốc Hữu- Kiến trúc sư trưởng về Smart City, Tập đoàn Công nghiệp- Viễn thông Quân đội (Viettel)- thông tin, trong số các tỉnh- thành ở Việt Nam đang triển khai xây dựng đô thị thông minh, Tập đoàn Viettel đã ký kết hợp tác chiến lược trên 20 địa phương, đang từng bước xây dựng các kiến trúc tổng thể và kiến trúc chuyên ngành. Trong đó, Viettel đang đầu tư mạnh cho nghiên cứu phát triển về trung tâm điều hành thông minh thành phố.
Trung tâm sẽ giúp các đô thị giám sát phát hiện, điều phối xử lý kịp thời các vấn đề về trật tự an toàn xã hội (vi phạm an toàn, ùn tắc, tai nạn giao thông; trộm cắp, cướp giật; ứng cứu khẩn cấp; tìm kiếm cứu nạn, phòng chống thiên tai…); phân tích, dự báo tình hình kinh tế- xã hội; quản lý thông tin truyền thông, báo chí; cung cấp dữ liệu mở phục vụ người dân,
doanh nghiệp,…
Đô thị thông minh là hướng đi tất yếu, Vĩnh Long cần sớm đánh giá tổng thể, chọn ra phương án, bước đi phù hợp thế mạnh, thực tiễn địa phương. |
Theo ông Dương Thế Dũng- Phó Giám đốc Sở Thông tin- Truyền thông TP Cần Thơ, từ tháng 4/2017, Thành ủy Cần Thơ đã ban hành nghị quyết về xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh.
Theo đó, giai đoạn 2018- 2020, thiết lập nền tảng hạ tầng kỹ thuật, công nghệ và các cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung; hình thành Trung tâm Điều hành đô thị thông minh để tích hợp các dữ liệu hiện có; tập trung triển khai các nhiệm vụ, dự án đã có kế hoạch và nguồn lực…
Tại Vĩnh Long, thời gian qua tỉnh đã tổ chức nhiều hội thảo tiếp cận cuộc cách mạng 4.0 và xây dựng đô thị thông minh. Bên cạnh còn tổ chức hội thảo chuyên sâu xây dựng thành phố thông minh và nâng cao năng lực tiếp cận công nghiệp 4.0 cho tỉnh Vĩnh Long.
Đặc biệt, tại hội thảo “Hợp tác phát triển công nghệ thông tin- truyền thông Việt Nam lần thứ 22” được tổ chức thành công tại Vĩnh Long, cho thấy sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, trong việc tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng Chính phủ điện tử- một lĩnh vực trong xây dựng đô thị thông minh.
Được biết, trong năm 2019, UBND Phường 1 sẽ thí điểm thực hiện trích xuất những thông tin từ camera phục vụ công tác quản lý trật tự xã hội. Đề tài do Sở Khoa học- Công nghệ phối hợp với Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh thực hiện.
Theo đó, qua thu thập thông tin từ các camera đã được lắp trên các tuyến đường, phố, hẻm, sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phân tích xử lý thông tin từ camera (an ninh trật tự, lấn chiếm lòng lề đường,…) để phục vụ các cơ quan chức năng.
Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời khẳng định vai trò và tầm quan trọng của xây dựng đô thị thông minh, cũng như nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 đối với xây dựng và phát triển tỉnh nhà.
Qua đó, ông chỉ đạo các sở, ban, ngành, các trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn tỉnh nghiêm túc nghiên cứu, đưa ra các đề xuất, kiến nghị cũng như những giải pháp căn bản cụ thể hóa vào hoạt động của đơn vị mình, đặc biệt là trong nỗ lực xây dựng đô thị thông minh và nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0.
Lựa chọn cách tiếp cận phù hợp
Để xây dựng đô thị thông minh, ông Lê Quốc Hữu cho rằng, các tỉnh- thành cần xây dựng kiến trúc tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin- truyền thông cho đô thị và xây dựng dần các kiến trúc chuyên ngành về ứng dụng cho các lĩnh vực ưu tiên như trung tâm điều hành thông minh, giáo dục thông minh, y tế thông minh, giao thông thông minh…
Về giải pháp công nghệ tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 trong xây dựng đô thị thông minh, Phó Giám đốc Sở Thông tin- Truyền thông Đoàn Hồng Hạnh cho biết, hiện quá nhiều công nghệ để chúng ta có thể áp dụng trong xây dựng đô thị thông minh.
Trong đó, cốt lõi là kết nối vạn vật (IoT), và làm sao thu thập được dữ liệu lớn, dữ liệu mở bằng việc áp dụng sensor- cảm biến. Dữ liệu này quan trọng ở chỗ, làm sao sensor thu thập được tất cả dữ liệu chung, sau đó lưu trữ và chia sẻ, kết nối liên thông.
Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin- Truyền thông (Sở Thông tin- Truyền thông) Võ Văn Phước cũng cho rằng, đô thị thông minh tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 là cho ra được một kết quả theo mong muốn của mình ở góc độ tối ưu nhất.
Để phân tích cần dùng trí tuệ nhân tạo (AI) chứ không phải kiểu phân tích đơn thuần. Do đó, bắt buộc phải có thiết bị đầu cuối là sensor- cảm biến để thu thập dữ liệu, dữ liệu càng nhiều thì khả năng phân tích càng chính xác. Do đó, ông Võ Văn Phước nhận định, trước tiên, phải có đánh giá tổng thể, chọn ra phương án phù hợp thực tiễn từng địa phương, tránh đầu tư không hiệu quả, gây lãng phí. Bởi kinh phí để thực hiện đô thị thông minh là rất lớn, liên quan đến tất cả các ngành.
Đô thị thông minh là hướng đi tất yếu, Vĩnh Long cần sớm đánh giá tổng thể, chọn ra phương án, bước đi phù hợp thế mạnh, thực tiễn địa phương. |
Về vấn đề kinh phí, theo Phó Giám đốc Sở Thông tin- Truyền thông Đoàn Hồng Hạnh, khi có được kế hoạch dài hạn, thì làm chi tiết kế hoạch từng năm đạt được tới đâu, sau cùng là mời gọi những doanh nghiệp lớn đầu tư bằng mô hình PPP (Public- Private Partner)- Nhà nước và nhà đầu tư cùng phối hợp thực hiện Dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở hợp đồng dự án.
Bà Đoàn Hồng Hạnh cho rằng, mỗi tỉnh có đặc thù khác nhau. Vì vậy, lãnh đạo địa phương sẽ biết được tỉnh mình nên tiến hành mức nào trước bởi không thể nào sao chép mô hình. Bà cũng nhận định: “Đô thị thông minh không chỉ về vấn đề kỹ thuật, nguồn vốn mà vai trò của con người mới là trung tâm. Chính phủ sớm đưa ra một số tiêu chí thế nào là áp dụng đô thị thông minh, ít nhất ở mức cơ bản. Chính quyền địa phương sẽ trực tiếp thực hiện, nên việc lựa chọn cách tiếp cận, bước đi sao cho phù hợp điều kiện thực tế của tỉnh mình là điều rất quan trọng”.
Bài, ảnh: TẤN ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin