Viện Hải Dương học- "Đại dương thu nhỏ" của Việt Nam

07:01, 13/01/2019

Cách trung tâm TP Nha Trang khoảng 6km, Viện Hải Dương học từng được sách Kỷ lục Việt Nam ghi nhận là nơi lưu trữ, bảo tồn bộ mẫu sinh vật biển lớn nhất Việt Nam, là điểm tham quan về di sản văn hóa biển khó bỏ qua cho những du khách yêu thích tìm hiểu thế giới đại dương.

Cách trung tâm TP Nha Trang khoảng 6km, Viện Hải Dương học từng được sách Kỷ lục Việt Nam ghi nhận là nơi lưu trữ, bảo tồn bộ mẫu sinh vật biển lớn nhất Việt Nam, là điểm tham quan về di sản văn hóa biển khó bỏ qua cho những du khách yêu thích tìm hiểu thế giới đại dương.

Mẫu vật bò biển được lưu trữ tại Viện Hải Dương học.
Mẫu vật bò biển được lưu trữ tại Viện Hải Dương học.

Viện Hải Dương học thành lập vào năm 1923, được xem là một trong những cơ sở nghiên cứu khoa học ra đời sớm nhất ở Việt Nam, cũng là cơ sở lưu trữ hiện vật biển lớn nhất Đông Nam Á.

Nơi đây hiện còn lưu giữ và bảo tồn một bộ mẫu sinh vật biển lớn và quý với 23.000 mẫu vật của hơn 5.000 loài sinh vật biển và động thực vật. Bộ mẫu sinh vật biển gồm các loài hiện hữu ở Việt Nam, các vùng lân cận, trong đó còn có một số mẫu cá nước ngọt ở Lào, Campuchia, có giá trị lớn phục vụ nghiên cứu về phân loại học, đa dạng sinh học biển và môi trường biển.

Với tổng diện tích khoảng 5.000m2, Viện Hải Dương học hiện có khu lưu trữ mẫu, khu nuôi nhốt và thuần dưỡng sinh vật biển sống và các khu trưng bày chuyên đề. Đến tham quan nơi đây, du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hàng trăm loại sinh vật biển ở khu vực biển nhiệt đới, như: hải quỳ, hải sâm, sao biển, rùa biển, cá chình, cá bò đuôi gai, cá mao tiên, cá hề…

Bộ mẫu sống này có trên 2.000 mẫu của hơn 150 loài (họ cá, họ giáp xác, họ động vật thân mềm, họ động vật da gai, họ giun nhiều tơ, họ thực vật biển…).

Trong số những sinh vật sống đang được nuôi giữ, cá là nhóm chiếm ưu thế, đặc biệt là cá rạn san hô. Các loài cá rạn san hô có màu sắc đẹp mắt, được nuôi phổ biến trong các bể cá riêng lẻ hoặc các loài sinh vật khác trong hệ sinh thái rạn san hô, trong đó có những loài cá quý hiếm như: cá Hoàng Đế, cá Hoàng Hậu, cá Tai thỏ…

Bên cạnh nhưng mẫu sinh vật sống, Viện Hải Dương học còn là nơi chứa nhiều sinh vật biển lạ và quý hiếm dưới dạng mẫu vật tại khu lưu trữ mẫu. Với hơn 23.000 mẫu vật của các nhóm: thực vật biển, hải miên, thân mềm, giáp xác, cá, thú biển… được trưng bày phong phú trong các lọ, ống thủy tinh, ống nghiệm với nhiệt độ bảo quản an toàn.

Bộ mẫu sinh vật biển này gồm các loài hiện hữu ở biển Việt Nam và các vùng lân cận, trong đó có các loài thú biển quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng như Bò biển. Đặc biệt tại đây còn lưu giữ và trưng bày bộ xương cá voi lưng gù khổng lồ, đã bị chôn vùi trong lòng đất ở đồng bằng sông Hồng hơn 200 năm, là di vật lịch sử tự nhiên vô cùng quý giá.

Ngoài ra, du khách còn có thể tham quan và tìm hiểu các mẫu sinh vật ở vùng biển ôn đới, như cá tầm, hải cẩu, rùa da, cá chuông, cá nạng hải, cá mặt trăng, trai khổng lồ, mực khổng lồ…

Với các khu vực trưng bày và tham quan được bố trí phù hợp, từ sinh vật trong bể nuôi ngoài trời, sinh vật sống trong các bể kính, bảo tàng đa dạng sinh học… Viện Hải Dương học thực sự được xem là “Từ điển của hệ sinh thái biển” hấp dẫn du khách, nhất là đối với những ai yêu thích biển.

Du khách đến đây vừa được xem những sinh vật biển sống vừa được chiêm ngưỡng các mẫu vật và các mô hình sinh thái.

Ngoài ra, bảo tàng còn giới thiệu với du khách các đặc điểm tự nhiên của vùng biển Đông, những khoáng sản, tài nguyên quý giá, những cảnh quan môi trường vùng biển ven bờ, các hệ sinh thái giàu có như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển… góp phần nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường, nhất là môi trường biển.

Theo Báo Cần Thơ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh