Gần đây, trên địa bàn huyện Trà Ôn xảy ra vụ một học sinh qua cầu rơi xuống sông chết đuối. Đây là điều cần cảnh báo đối với những địa phương có nhiều sông rạch và cầu giao thông không đảm bảo an toàn. Đáng nói là ở cây cầu này, đã có 3 đứa bé sảy chân chết đuối.
Gần đây, trên địa bàn huyện Trà Ôn xảy ra vụ một học sinh qua cầu rơi xuống sông chết đuối. Đây là điều cần cảnh báo đối với những địa phương có nhiều sông rạch và cầu giao thông không đảm bảo an toàn. Đáng nói là ở cây cầu này, đã có 3 đứa bé sảy chân chết đuối.
Cây cầu rất cần có lan can để bảo vệ an toàn cho người qua lại. |
Nạn nhân là bé Nguyễn Xuân Mai- học sinh lớp 6 Trường THCS Vĩnh Xuân. Theo lời kể của gia đình, hàng ngày bé được cha mẹ chở đi học.
Thỉnh thoảng, gia đình bận việc thì em tự đi học một mình bằng xe đạp. Không may sáng 22/12/2018, khi em đi ngang cầu Ba Mớm thì cả người và xe đều rơi xuống kinh dẫn đến chết đuối.
Chị Nguyễn Thị Kim Phượng là mẹ bé Nguyễn Xuân Mai (ấp Vĩnh Thạnh, xã Thuận Thới) ngậm ngùi cho biết:
“Tui có 1 đứa con gái rất chăm ngoan, học giỏi. Bé biết phụ giúp gia đình chăm em cho cha mẹ, cho bà nữa. Bé biết đi bán bắp chuối, bán ốc nữa. Khoảng 6 giờ sáng hôm đó bé đi học, đem theo hơn ký ốc. Bé đi ngang cây cầu đó thì xảy ra tai nạn.
Cây cầu đó không có lan can, khoảng 1 năm về trước đã mất 2 đứa bé tại đó rồi. Tui cũng lo cho con tui lắm, nhưng do bữa đó cũng kẹt công chuyện không có đưa được nên bé tự đi học.
Nhưng khi nhà trường cho hay bé không có đến trường thì gia đình mới đi kiếm và biết rằng bé té xuống sông đó, cây cầu đó. Bé đã mất, tui rất là đau lòng, rất là buồn”.
Chị còn đề nghị chính quyền địa phương hay cấp trên hỗ trợ cho cây cầu có lan can để những đứa trẻ qua cầu an toàn, chứ để tình trạng xảy ra như con tui thật là đáng tiếc”.
Theo nhiều người dân ở địa phương, cầu Ba Mớm trên kinh Ba Cụt được xây dựng khá lâu, cầu rộng 1,2m và chiều dài gần 20m.
Hàng ngày, có hàng trăm lượt người và phương tiện qua lại, thế nhưng cầu không có lan can, tiềm ẩn nguy hiểm cho học sinh và người lớn tuổi, kể cả những người chở hàng cồng kềnh qua lại trên cầu.
Cô Nguyễn Thị Kim Hồng (ấp Vĩnh Thạnh) chia sẻ: “Trước đây cũng khoảng 1 năm, rồi năm trước nữa, mỗi một năm đều có chết 1 đứa ngay cây cầu này luôn, chết tại chỗ này luôn. Tổng cộng là 3 đứa rồi đó. 3 đứa chết tại cây cầu này toàn là học sinh”.
Cùng cảnh ngộ chị Huỳnh Thị Miền (ấp Vĩnh Thạnh) buồn bã nói: “Con tui đi học rồi té tại cây cầu này mà chết. Nhờ chính quyền địa phương giúp đỡ, mấy cô bác nhà hảo tâm giúp đỡ làm cái lan can cầu cho các cháu nó đi học không té sông nữa”.
Đáng nói là những chiếc cầu không có lan can không phải là cá biệt ở vùng nông thôn này mà trên địa bàn xã còn rất nhiều cầu không có lan can nên bà con ở đây rất quan tâm, lo lắng.
Không giấu được nỗi buồn mất mát, chú Phạm Văn Trí (ấp Vĩnh Thạnh) đã từng có cháu nội té xuống cây cầu này cho biết thêm: “Mới năm rồi nè, cháu tui nó đi ngang đây té chết, cũng hổng ai hay luôn.
Bởi vậy, tui nhờ chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm hỗ trợ bắc cái lan can cây cầu này để cho học sinh đi qua, để mình đỡ lo một chút. Vả lại cái dốc cầu này nó hơi dốc, mỗi khi chạy xe lên là lảo đảo, dễ té xuống sông lắm”.
Đồng cảm với nỗi đau mất con, mất cháu của những gia đình trong xóm, ông Võ Văn Liêm cho biết: “Ở địa phương mình còn tầm 15 cây cầu chưa có lan can như thế này.
Nhờ chính quyền đặt biển báo ở đầu cầu để cho con em nó đi qua cẩn thận hơn, rồi có người lớn hỗ trợ cho tụi nó qua cầu trọn vẹn, cho đỡ lo chút”.
Người dân ở ấp Vĩnh Thạnh (xã Thuận Thới- Trà Ôn) mong muốn những cây cầu sớm được lắp lan can để người dân, nhất là trẻ em không phải đối mặt với những nguy hiểm khi đi qua cầu.
Bài, ảnh: TỐ LOAN- THANH TÙNG
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin