Hiệu quả dần lan tỏa

05:01, 04/01/2019

Thời gian qua, các điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện và tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn đó khó khăn cần khắc phục để điểm tư vấn thực sự trở thành "địa chỉ tin cậy" của người nghiện, người sau cai nghiện.

Thời gian qua, các điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện và tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn đó khó khăn cần khắc phục để điểm tư vấn thực sự trở thành “địa chỉ tin cậy” của người nghiện, người sau cai nghiện.

Ban chủ nhiệm Điểm tư vấn phường Đông Thuận (TX Bình Minh) động viên, chia sẻ tâm tư, tình cảm từ đó đưa ra định hướng khắc phục tốt cho người nghiện ma túy.
Ban chủ nhiệm Điểm tư vấn phường Đông Thuận (TX Bình Minh) động viên, chia sẻ tâm tư, tình cảm từ đó đưa ra định hướng khắc phục tốt cho người nghiện ma túy.

Góp phần đổi mới công tác cai nghiện ma túy

Thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện trên địa bàn tỉnh, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) phối hợp cùng UBND xã Song Phú (Tam Bình) và UBND phường Đông Thuận (TX Bình Minh) thành lập “Điểm tư vấn chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy và tái hòa nhập cộng đồng”.

Điểm tư vấn có nhiệm vụ quản lý, hỗ trợ người cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện và sự tự nguyện điều trị của bản thân người nghiện, người sau cai nghiện.

Năm 2018, xã Song Phú có 41 người nghiện ma túy, phường Đông Thuận có 46 người sử dụng ma túy và người nghiện ma túy. Đây là hai địa bàn trọng điểm có tỷ lệ tái nghiện cao.

Đa dạng hóa công tác tiếp cận, tư vấn, chăm sóc người nghiện ma túy và công tác tuyên truyền, tập huấn là hoạt động chính của điểm tư vấn.

Theo đó, các thành viên trong Ban chủ nhiệm đến thăm hỏi hoàn cảnh gia đình, sức khỏe cũng như động viên, khuyên bảo người nghiện thấy được những tác hại trực tiếp của việc sử dụng ma túy để từ bỏ nó.

Đồng thời, điểm tư vấn còn kết hợp với các ban ngành đoàn thể địa phương tổ chức lồng ghép các buổi sinh hoạt chi tổ hội vào mỗi tháng để tuyên truyền về các tác hại của việc sử dụng chất ma túy trên địa bàn.

Với lợi thế tạo được sự đồng thuận của người dân trên địa bàn, điểm tư vấn còn triển khai công tác hỗ trợ đối với người nghiện hoàn thành cai nghiện về địa phương, giúp người nghiện trở thành công dân có ích cho xã hội.

Năm 2018, có những điển hình tiêu biểu sau cai nghiện về địa phương, chí thú làm ăn như Nguyễn Thanh Điền, Lê Thanh Sơn, Đặng Minh Tú (xã Song Phú- Tam Bình) và Phan Thanh Phúc (phường Đông Thuận- TX Bình Minh).

Trước đây, trở về địa phương sau khi đi cai nghiện bắt buộc, anh Phan Thanh Phúc (phường Đông Thuận- TX Bình Minh) vẫn “quen đường cũ”.

Năm 2018, ngay sau khi thành lập điểm tư vấn, ban chủ nhiệm điểm tư vấn phường Đông Thuận thường xuyên đến tiếp cận, tư vấn, giáo dục và hỗ trợ để anh Phúc nhận thức rõ hơn về tác hại của ma túy và những hệ lụy kèm theo.

Ngoài việc vận động anh từ bỏ ma túy để làm lại cuộc đời, địa phương còn hỗ trợ cho anh Phúc vay 15 triệu đồng làm kinh tế gia đình. Hiện anh đã từ bỏ ma túy, chí thú làm ăn và đã hoàn được vốn vay. “Tôi kêu gọi các bạn trẻ không nên sử dụng ma túy.

Các bạn nào đã nghiện ma túy thì nên đi cai nghiện để sau đó được hòa nhập với cộng đồng, trở thành người có ích cho cộng đồng và xã hội.”- anh Phúc chia sẻ.

Nỗ lực nâng cao chất lượng điểm tư vấn

Ban chủ nhiệm Điểm tư vấn xã Song Phú (Tam Bình) trao phần quà động viên cho người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng, chí thú làm ăn.
Ban chủ nhiệm Điểm tư vấn xã Song Phú (Tam Bình) trao phần quà động viên cho người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng, chí thú làm ăn.

Một trong những trăn trở của các điểm tư vấn là khó tiếp cận với người nghiện ma túy khi người nghiện không có mặt thường xuyên tại địa phương.

Ông Huỳnh Thanh Hiền- Phó trưởng Công an phường Đông Thuận (TX Bình Minh)- cho biết: “Việc gặp gỡ trực tiếp còn gặp nhiều khó khăn khi người nghiện thường vắng nhà, ảnh hưởng đến chất lượng của công tác tiếp cận tư vấn.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường gặp gỡ người nghiện và gia đình để tuyên truyền giúp các đối tượng nhận thấy tác hại và nỗ lực từ bỏ.”

Bên cạnh đó, các điểm tư vấn gặp khó khăn khi chế độ hỗ trợ chi phí cho cai nghiện tại gia đình và cộng đồng còn hạn chế, bộ phận chuyên trách thực hiện công tác đa phần là kiêm nhiệm, phát sinh nhiều người sử dụng ma túy mới…

Để phát huy hết vai trò của các điểm tư vấn, bà Phan Hồng Hạnh- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương Binh và Xã hội- cho rằng, các điểm tư vấn cần tăng cường công tác tiếp cận, vận động người nghiện ma túy tham gia các chương trình điều trị nghiện;

kết nối các nguồn lực tại địa phương để hỗ trợ người nghiện vay vốn, tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền chống kỳ thị người nghiện về địa phương, tạo điều kiện cho họ an tâm và vững tin tái hòa nhập cộng đồng.

Sự ra đời và hoạt động của các điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện và tái hòa nhập cộng đồng đã góp phần đa dạng hóa các hình thức cai nghiện, nâng cao hiệu quả công tác dự phòng và tái nghiện trên địa bàn.

Chính vì thế, bên cạnh duy trì hoạt động, các điểm tư vấn cần khắc phục khó khăn, đẩy mạnh chất lượng hoạt động đồng thời cần nhân rộng hơn nữa để góp phần thực hiện có hiệu quả “Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy” trên địa bàn tỉnh.

Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy và tái hòa nhập cộng đồng được thành lập để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, phục hồi; thông qua tăng cường hỗ trợ người nghiện, người sau cai nghiện và gia đình người nghiện tiếp cận các dịch vụ y tế và xã hội; giảm tỷ lệ tái nghiện, tăng cường sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người sau cai nghiện; làm cơ sở cho việc đề ra các giải pháp chính sách. Toàn tỉnh hiện có 2 điểm tư vấn tại xã Song Phú (Tam Bình) và phường Đông Thuận (TX Bình Minh).

Bài, ảnh: TUYẾT NGA

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh